Tuesday, March 18, 2014

'Kỳ án vườn mít': Tòa án bỏ công lý, chọn “an toàn”!

Monday, March 17, 2014 3:29:20 PM

HÀ NỘI (NV) .-  Nhiều chuyên gia pháp lý tiếp tục lên tiếng chỉ trích hệ thống tư pháp CSVN về “Kỳ án vườn mít”. Đa số chuyên gia từng là viên chức cao cấp của hệ thống tư pháp đã về hưu. 


 Bị án Lê Bá Mai tại phiên xử phúc thẩm lần ba. (Hình: Người Lao Động)

“Kỳ án vườn mít” là lối mà báo giới Việt Nam gọi vụ án “hiếp dâm, giết người” xảy ra mười năm trước ở tỉnh Bình Phước mà người bị lôi ra tòa coi là thủ phạm đã kêu oan rất nhiều lần, nói mình không phải thủ phạm qua nhiều lần xử án.

Tháng 11 năm 2004, một bé gái 11 tuổi bị hiếp rồi bị giết trong một vườn mít ở Hớn Quản, Bình Phước. Một thanh niên tên là Lê Bá Mai bị cáo buộc là thủ phạm. Giống như nhiều vụ án oan khác, trong quá trình điều tra, Lê Bá Mai thú nhận đã phạm tội song tại Tòa, Lê Bá Mai kêu oan và giải thích, sở dĩ đã nhận tội vì bị Công an tra tấn.

Những luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai đã thống kê và chỉ ra 22 sai phạm của các cơ quan tư pháp khi tiến hành điều tra, lấy lời khai nhân chứng, thu thập vật chứng và dựa vào đó chứng minh Lê Bá Mai vô tội nhưng hệ thống tư pháp một mặt thừa nhận sai phạm, mặt khác vẫn kết án tử hình thanh niên này.

Sau đó, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất bị hủy. Công việc điều tra lại kéo dài từ năm 2006 đến năm 2011. Tháng 5 năm 2011, Hội đồng xét xử sơ thẩm lần thứ hai tuyên bố Lê Bá Mai vô tội và ra lệnh trả tự do cho thanh niên này ngay tại tòa. Vấn đề trách nhiệm của hệ thống tư pháp trong oan án này được xác định là cần xem xét thỏa đáng. Có thể vì vậy mà khi xử phúc thẩm lần hai, Tòa án Tối cao tuyên bố hủy bản án sơ thẩm lần hai, ra lệnh bắt lại Lê Bá Mai để điều tra thêm.

Tháng 6 năm 2012, Hội đồng xét xử sơ thẩm lần thứ ba, xác định Lê Bá Mai “hiếp dâm, giết người” và kết án thanh niên này tù chung thân. Hồi tháng 8 năm 2013, khi xét xử phúc thẩm lần thứ ba, Tòa án Tối cao tuyên y án sơ thẩm lần ba (chung thân) đối với Lê Bá Mai.

Bản án phúc thẩm lần thứ ba bị chỉ trích gay gắt. Mới đây, một loạt chuyên gia pháp lý, bao gồm hai luật sư và các cựu viên chức cao cấp trong ngành tư pháp như cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, cựu Viện phó Viện kiểm sát Tối cao đã cùng ký tên vào một lá thư chất vấn Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao.

Theo họ, nếu thực sự Lê Bá Mai đã cưỡng hiếp và giết một bé gái 11 tuổi thì vì sao không phạt tử hình Lê Bá Mai khi đương sự đã phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng? Phải chăng vì các cơ quan tư pháp “run” và các cơ quan này cũng “sợ” nếu xác định đương sự không phạm tội nên phạt tù chung thân cho xong chuyện.

Ông Vũ Đức Khiển, cựu Viện phó Viện Kiểm sát Tối cao, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Việt Nam, cho biết, số phận pháp lý của Lê Bá Mai khiến ông ta trăn trở suốt nhiều năm qua và cùng với nhiều người khác đang chờ gặp cả Chánh án Tòa Tối cao lẫn Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao để trao đổi kỹ hơn. Ông tin cả hai nhân vật này chưa xem kỹ hồ sơ vụ án bởi nếu đã làm như thế thì sẽ thấy rất nhiều mâu thuẫn.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói thêm, ngoài việc xem hồ sơ, bà còn đến cả hiện trường để quan sát, đối chiếu với hồ sơ và mô tả của các cơ quan tư pháp làm án. Vào năm 2006, bà Thu đã từng soạn văn bản gửi Chủ tịch Nhà nước lúc đó, đề nghị chỉ đạo xem lại các bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất.

Ông Dương Thanh Biểu, cựu Viện phó Viện kiểm sát Tối cao, người vừa cùng ký tên vào thư yêu cầu xem xét lại vụ án Lê Bá Mai, đã từng ký quyết định kháng nghị hủy các bản án tử hình Lê Bá Mai sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ. Vào lúc này, ông Lê Bá Triệu, cha của bị án Lê Bá Mai vẫn đang ăn nghỉ vạ vật tại Hà Nội để kêu oan cho con.

Năm ngoái, sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn, ngụ tại Bắc Giang, bị giam 10 năm thì được trả tự do vì bị kết án oan, chỉ trong vài tháng cuối năm, báo chí Việt Nam nêu ra khoảng 20 vụ án có đầy đủ dấu hiệu cho thấy là oan, sai song giống như vụ Lê Bá Mai, tất cả những đề nghị tái thẩm đều chưa có hồi đáp. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment