Hoạt động buôn lậu diễn ra nhộn nhịp tại bến Quang Kim - Ảnh: Hà An |
Tuyến đường mòn nằm trong khu vực dân cư xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) từ lâu đã trở thành nơi tập kết, vận chuyển hàng lậu. Trong vai ông chủ đi khảo sát thị trường hàng Trung Quốc, phóng viên Thanh Niên đã được N.V.Q, hành nghề xe ôm ở khu vực cầu Cốc Lếu, dẫn đi thâm nhập những điểm nóng khu vực này.
“3 trong 1” ở bến Quang Kim
Do từng có nhiều năm làm cửu vạn nên Q. nắm rõ địa bàn xã Quang Kim cũng như phương thức hoạt động của dân buôn lậu nơi đây. “Chỉ tính riêng ở thôn An Quang (xã Quang Kim) đã có tới 3 bến vận chuyển hàng lậu của 3 chủ khác nhau và dân buôn lậu gọi chung là bến Quang Kim. Ba bến này hoạt động suốt ngày đêm và có tới cả trăm cửu vạn từ nhiều nơi đổ về làm thuê”, Q. tiết lộ. Số lượng hàng chưa biết chính xác là bao nhiêu, chỉ biết là được vận chuyển bằng tàu lớn dạng hút cát, xe tải hạng nặng.
Sau ít phút vượt hơn 3 cây số đường đất đỏ bụi mù, chiếc xe máy của Q. đưa chúng tôi tới sát bờ con sông Hồng. “Đấy, qua sông, sang bờ bên kia là đất Trung Quốc. Còn những con tàu đi lại kia là vận chuyển hàng lậu”. Thời điểm đó, bến Quang Kim có tới hàng chục chiếc, đủ loại từ tàu cho tới sà lan neo đậu chờ bốc dỡ hàng. Trên bờ là một hàng dài những chiếc xe tải hạng nặng tới từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… chờ tới lượt. Hàng xuất đi là gạo và đường, trong khi hàng nhập về chủ yếu vẫn là phân bón urea, DAP và NPK; các mặt hàng điện tử, hàng gia dụng, đồ chơi...
Thuyền tôn tập kết sẵn tại sông Nậm Thi để vận chuyển hàng lậu ở bến Na Mo - Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Lòng sông Hồng tại khu vực bến Quang Kim hẹp, nên chỉ trong ít phút, một chiếc tàu có thể vận chuyển cả chục tấn hàng qua lại biên giới. Đ., một tài xế xe tải ở khu vực Quán Toan (TP.Hải Phòng) chuyên xuất hàng gạo qua Trung Quốc cho biết, do không bị kiểm tra, kiểm soát như tại khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược của huyện Bát Xát, khu vực lối mở Bản Quẩn thuộc xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, nên dù đường sá có khó nhưng lượng hàng hóa vận chuyển qua đây vẫn rất lớn.
Cũng có mặt tại bến Quang Kim, một tài xế có tên H. tiết lộ: “Được tự do ra vào bến nên nhiều tài xế sau khi xuất hàng qua Trung Quốc đã tận dụng xe không để đánh quả hàng lậu về xuôi bán kiếm lời, dù không được phép của chủ nhà xe”. Khi chúng tôi hỏi “hàng đánh về có những gì?”, H. đáp: “Chở gì chẳng thế, miễn là có tiền để nhập nhiều hay ít hàng thôi”.
Bến Quang Kim không phải “vô chủ” mà là lãnh địa của những cái tên như T.H, G.H… Họ đều là người bản địa, hoặc dưới Yên Bái lên, đứng ra thuê người gạt đất, san nền làm bến, rồi đưa tàu bè, máy cẩu, băng chuyền... để cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng lậu. Ngoài ra, các ông chủ này còn kiêm luôn nhiệm vụ đảm bảo an ninh bến bãi.
Một trong ba điểm vận chuyển hàng lậu ở bến Quang Kim - Ảnh: Hà An |
“Bép xép” là bị xử... mất tích
Trong những ngày thâm nhập thực tế, PV Thanh Niên còn phát hiện nhiều điểm bến buôn lậu giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, như bến Na Mo (Km 6, QL70, thuộc địa bàn xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng). Gọi là lối mở, nhưng tới nay bến Na Mo có diện tích lên đến cả nghìn mét vuông, kéo dài cả gần nửa cây số, dọc theo cung đường QL70, với hàng chục kho hàng lớn nằm ven bờ sông và nhiều lán trại dã chiến của dân cửu vạn.
Theo lời K., một “cai cửu” có nhiều năm ở bến Na Mo, cao điểm trước tết, đội quân cửu vạn lên đến hàng trăm người, phần lớn trong số đó là dân cư địa phương. K. liên tục dặn chúng tôi: “Đi bốc hàng thì chủ chỉ đâu bốc đấy. Biết là hàng lậu mười mươi nhưng vẫn phải làm. Nhớ không được hé răng. Lộ ra chủ mà biết thì mất xác như chơi”. Theo lời “cai cửu” này, cách đây vài năm một cửu vạn ở đây do “bép xép” lộ mối làm ăn của chủ nên đã bị xử... mất tích.
Mặc dù địa hình, đường đi lối lại ở bến Na Mo ngoằn ngoèo hơn so với các bến khác, nhưng K. đều thông thuộc. K. bố trí chúng tôi cùng nhóm gần chục cửu vạn khác ngồi sẵn ở mấy quán ven sông, đợi khi có tín hiệu “thông luồng” sẽ lập tức lao xuống tàu bốc hàng. Phương tiện vận chuyển chủ yếu sau khi hàng được “xé lẻ” là thuyền tôn. Đây là loại thuyền dã chiến, được đóng khung sắt và bao bọc bằng vỏ thùng phuy hoặc tôn. Thuyền tôn có lợi thế đặc biệt, như dễ luồn lách, cơ động và vận chuyển được nhiều hàng hóa. Trước đây, để che mắt lực lượng chức năng, ban ngày dân buôn lậu thường dìm thuyền xuống đáy sông Nậm Thi, hoặc cất giấu trong các dải lau lách ven sông, suối, chờ thời điểm mang ra chở hàng. Ở đây, giá mỗi tấn hàng mà K. trả cho cửu vạn là 80.000 đồng. Có ngày, một cửu vạn khỏe có thể kiếm được gần triệu bạc.
Liên tiếp trong các ngày từ 12 - 14.3, các bãi hàng tại bến Na Mo đều “án binh bất động”. Dọc QL70, hàng chục xe tải, xe container biển số khắp nơi như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương… nằm dài đợi đến giờ. Tới gần 2 giờ sáng ngày 14.3, lán trại của dân cửu vạn bắt đầu huyên náo sau thông báo “15 phút nữa thông bến” của chủ bến. Đúng 2 giờ 15 phút sáng, hàng chục chiếc thuyền tôn từ mọi ngõ ngách đổ ra đậu kín cả một khúc sông Nậm Thi, hàng bắt đầu được vận chuyển qua lại giữa biên giới Lào Cai với Trung Quốc. (Còn tiếp)
Chỉ được phép trao đổi nông sản (!?)
Làm việc với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, cho rằng ở bến Quang Kim, cư dân giáp vùng biên chỉ được phép trao đổi nông sản như ngô, khoai, sắn... chứ không được phép xuất khẩu các loại mặt hàng như gạo, đường. Việc người dân tự ý mở bến để xuất nhập hàng hóa là vi phạm pháp luật. “Kể cả ở lối mở, hay cửa phẩu phụ cũng vậy, việc xuất nhập hàng hóa qua biên giới đều phải có sự giám sát của lực lượng biên phòng, hải quan để kiểm tra mặt hàng, số lượng vận chuyển có hợp lệ, đúng với những gì khai trong tờ khai không...”.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm, ma túy (Bộ Tư lệnh biên phòng tỉnh Lào Cai) giải thích: Bến Quang Kim vốn là khu vực đường mòn và vẫn được người dân giáp biên giới hai nước dùng để trao đổi hàng hóa nông sản theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy biên phòng chỉ có tổ tuần tra lưu động. “Các tổ tuần tra thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện việc buôn lậu”, đại tá Thái nói.
Để có thêm câu trả lời về hoạt động buôn lậu diễn ra một cách ngang nhiên tại một số đường mòn, chúng tôi đã nhiều lần tìm cách liên hệ với lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, nhưng đều bất thành.
|
Hà An - Nguyễn Tuấn
No comments:
Post a Comment