Tuesday, March 18, 2014

Tiểu thương bỏ chợ vì tính nhập nhèm của ban quản lý

19/03/2014 - 00:16
Chuyện tiểu thương đóng cửa, bỏ chợ để phản đối các hành xử của ban quản lý chợ đang ngày càng nhiều và đã diễn ra trên khắp cả nước. Nguyên do rất đơn giản chỉ bởi chợ được vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng ban quản lý chợ vẫn tư duy theo lối bao cấp, hành xử kiểu ban phát, trên đã làm thì dưới phải nghe nên đương nhiên, tiểu thương phải ngậm ngùi bỏ chợ phản đối không còn là điều lạ.


Các tiểu thương đồng loạt dừng buôn bán tại chợ Vinh - Ảnh: NLĐ

Ngày 17/3, gần 600 tiểu thương ở tầng 1 và tầng 2 đã đóng cửa ki ốt và có buổi làm việc tại UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến việc buôn bán tại chợ Vinh. Các tiểu thương cho biết ban BQL chợ Vinh đã đi ngược với những cam kết ban đầu. Theo quyết định huy động vốn xây dựng chợ đã quy định thì tầng 3 được bố trí là khu hành chính, văn phòng cho thuê nhưng BQL chợ Vinh lại dùng để mở thêm 514 ki ốt kinh doanh.

Kinh tế khó khăn, nhiều hộ kinh doanh tại tầng 1 và 2 đã phải hoạt động cầm chừng. Nay BQL lại mở thêm các ki ốt ở tầng 3 khiến các tiểu thương dễ thua lỗ, phá sản khi sức cạnh tranh cao.

Đây không phải là lần đầu mà đã là lần thứ 3 hàng trăm tiểu thương chợ Vinh đã kéo lên UBND TP Vinh để phản đối chủ trương của BQL chợ.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết “tỉnh đã có công văn giao cho chủ tịch UBND TP Vinh lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, xử lý những kiến nghị của các tiểu thương chợ Vinh và có báo cáo gửi về UBND tỉnh trước ngày 15/4/2014”.

Việc các tiểu thương không cùng chung quan điểm với đơn vị quản lý hay UBND không chỉ diễn ra ở chợ Vinh mà đã từng xảy ra ở những chợ khác. Trước đó, vào tháng 1/2013, tại thủ đô Hà Nội cũng xảy ra những bất đồng ý kiến giữa ban quản lý chợ với các tiểu thương. Từng là chợ sầm uất, nhưng sau khi được xây mới thì chợ Bưởi (Hoàng Hoa Thám) lại trở nên “đìu hiu” khi nhiều tiểu thương chán nản bỏ chợ vì phản đối những thay đổi trong cách quản lý của BQL chợnhư tăng giá thuê, chỉ cấp điện cho những hộ kinh doanh đóng tiền phí chợ…

Tương tự, vào cuối tháng 12/2013, hàng trăm tiểu thương tại chợ Vĩnh Tân cũ (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã mang 3 chiếc quan tài cùng băng rôn trước chợ để phản đối quyết định xóa bỏ chợcũ của UBND huyện. Theo các tiểu thương, chính quyền có chủ trương di dời, giải tỏa chợ cũ từ 6 năm trước nhưng lại không đưa ra chủ trương di dời, bồi thường thỏa đáng. Thêm vào đó, chợ mới xây cách chợ cũ khoảng 500m nhưng địa điểm lại không thuận lợi cho việc mua bán đã khiến nhiều tiểu thương bức xúc, phản đối di dời sang chợ mới.

Các vụ việc trên cho thấy, chuyện ký kết hợp đồng giữa ban quản lý chợ với tiểu thương giống như trò đùa, kiểu " lời nói gió bay" khi các điều khoản luôn bị phá vỡ. Dù được ký trên giấy trắng mực đen và hoạt động trên một thị trường tự do, cạnh tranh lành mạnh nhưng các BQL chợ này không hiểu chữ tín là gì nên mới có những hành động nhập nhèm, thiếu minh bạch khiến tiểu thương đồng loạt bức xúc. Chỉ khi nào những người quản lý này thực sự hiểu cơ chế vận hành của thị trường, coi mỗi tiểu thương như một bộ phận cấu thành nên cái chợ, có sự bàn bạc, tôn trọng nhau đúng nghĩa thì chuyện tiểu thương " bãi thị" may ra mới vơi bớt.
Hải Băng
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment