PLVN / Tổng hợp-Cập nhật lúc: 05/03/2014 - 21:38
(PLO) - Số tài sản ước tới trăm tỉ ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kê khai khiến độc giả hết sức bất ngờ. Nhiều bạn đọc gửi ý kiến về tòa soạn PLVN đề nghị làm rõ nguồn gốc cũng như sự minh bạch của khối tài sản này bởi ông Khánh đang là cán bộ cấp cao của Thanh tra Chính phủ.
Độc giả Nguyễn Huy ở Thái Nguyên đặt dấu hỏi: ông Ngô Văn Khánh đã khai hết tài sản hay chưa, nhất là những tài sản ở dạng tiền mặt, vàng, đô la hay tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài? Người dân chúng tôi đã nghe nói nhiều về việc các “quan tham” thường gửi tiền ở ngân hàng Thụy Sỹ chứ không ai dại gì gửi nhiều ở ngân hàng trong nước. Nhưng kể cả khi ông Khánh đã kê khai trung thực thì giá trị khối tài sản của ông Khánh cũng khiến người dân quá “sốc”.
Ông Khánh sinh năm 1958, năm 2011 ông Khánh mới hơn 50 tuổi, ông làm công chức được khoảng hơn 20 năm, tính nhẩm tiền lương cứ cho trung bình là 20 triệu đồng/ tháng đi thì cả lương và thưởng của ông chỉ khoảng 5 tỷ đồng/ 20 năm mà thôi. Vậy mà ông Khánh sở hữu 2 ngôi nhà khoảng 300 m2 ở phố Lê Trọng Tấn, theo thời giá năm 2011 thì 2 căn nhà này khoảng 30 tỷ đồng (100 triệu đồng/ m2). Ông còn có 1.800 m2 đất ở Mê Linh, thời giá năm 2011 khoảng trên 10 triệu đồng/ m2, như vậy khoảng 18 tỷ đồng. Số cổ phiếu của ông tính theo thời giá trên sàn OTC năm 2011 khoảng 5 tỷ đồng nữa. Ông còn có khoảng 7 tỷ đồng để trở thành cổ đông của một số ngân hàng. Tính sơ sơ thì tài sản “phần nổi” của ông Khánh chừng hơn 60 tỷ đồng.
Độc giả Nguyễn Giáp Tý ở Hà Tĩnh thì lại có “một góc nhìn khác”. Ông Tý bình luận: phải chăng mọi người đang quá khắt khe với ông Khánh vì quan chức nhiều người cũng sở hữu tài sản cả trăm tỷ đồng. “Chưa nghe ông Khánh giải trình về nguồn gốc số tiền thì tôi cho rằng mọi người không nên đồn đoán. Biết đâu gia tộc ông Khánh có người để lại tài sản thừa kế cho ông hoặc giả gia đình có người làm kinh doanh, gặp lúc thuận lợi có thể kiếm được nhiều tiền và lại đầu tư vào bất động sản, chứng khoán nên lợi nhuận lại càng nhiều thêm”, độc giả Nguyễn Giáp Tý phân tích.
Căn nhà của ông Khánh được "định giá" 100 triệu đồng/ m2 |
Độc giả Lê Tâm ở Cầu Giấy, Hà Nội thì nhận xét : Tôi thấy việc kê khai tài sản như hiện nay đang nặng về hình thức. Đã có việc kê khai nhưng tài sản đó cần phải công khai cho người dân biết, đặc biệt đó là những tài sản của cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm. Điều này giúp kiểm soát, cũng như giám sát được khối tài sản của từng cá nhân biến động theo thời gian, đồng thời làm minh bạch được nguồn gốc đối với tài sản mà cá nhân đang sở hữu.
Chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, trong khi đó, những vụ việc có dấu hiệu thiếu bất minh về tài sản thời gian qua chỉ được công bố khi báo chí lên tiếng. Ví dụ như trường hợp của ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, báo chí đã liệt kê số tài sản rất lớn mà ông ấy đang sở hữu. Nếu đúng như báo chí công bố, thì số tài sản của ông Khánh là rất lớn so với mức lương của cán bộ hiện nay. Có thể, những tài sản này được hình thành từ nhiều nguồn hợp pháp, như tặng, cho, các kênh đầu tư của gia đình… Mặc dù ông Khánh đã kê khai tài sản, nhưng việc ông khai khối tài sản đó lại còn đang hạn chế. Đến lúc này, các cơ quan có trách nhiệm cần phải có thái độ mạnh mẽ, xác minh nguồn gốc tài sản đó của ông Khánh được hình thành từ những nguồn nào để xác minh tính khách quan đối với hình ảnh cán bộ mà dư luận đang quan tâm.
Độc giả Vĩnh Hà ở Phú Yên nêu ý kiến : Theo tôi được biết, liên quan đến việc kê khai tài sản, trước đó Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 33/2014, theo đó việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Khi Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cụ thể hóa bằng những quy định cụ thể thì việc kiểm soát tài sản của cán bộ là điều cần phải được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để. Thực tế, tôi nghĩ công tác kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, ciệc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc. Từ trước đến nay chưa thấy ai công bố tài sản của những người thuộc diện phải kê khai, trong khi đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai trong. Đối với những tài sản được kê khai “tăng” lên một cách bất thường, hoặc có dấu hiệu minh bạch, thì công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm tra nguồn gốc tài sản đó lại có nhiều hạn chế.
Nhiều độc giả khác cùng quan điểm: cơ quan chức năng cần sớm làm rõ những thông tin về tài sản của ông Khánh và công bố công khai cho nhân dân được biết. Đặc biệt, những “nghi vấn” về việc ông Khánh bị “tố” khi giải quyết khiếu nại tố cáo đã làm trái nguyên tắc, lợi dụng chức vụ quyền hạn, không trung thực, cố ý vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin
No comments:
Post a Comment