Wednesday, March 5, 2014

Cựu thù Việt–Mỹ




 

Trong vòng hai thập kỷ qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đúc kết thành mối quan hệ gần gũi hơn bao giờ hết. Các chuyến thăm bắt đầu vào đầu thập niên 1990, trong đó có cả các chuyến thăm Hà Nội của Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry, cả hai đều là cựu chiến binh trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Hai nước đã chính thức khôi phục lại quan hệ ngoại giao vào năm 1995, và Tổng thống Bill Clinton đã đến thăm nước này vào năm 2000 nhằm thảo luận về vấn đề thương mại và an ninh. Hai nước cũng đạt được Hiệp định Thương mại Song phương hồi năm 2001 và 2003, và Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ bình thường hóa thương mại dẫn đến sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Ngày nay, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang ở trên đỉnh cao và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Năm 2013, chính phủ hai nước đã chính thức ký kết hợp tác các chính sách liên quan đến chiến lược và quân sự, mở rộng các hoạt động quân sự chung với nhau. Mặc dù Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục cấm cung cấp viện trợ các thiết bị sát thương cho Việt Nam nhưng các lĩnh vực ít gây tranh cãi hơn chẳng hạn như an ninh hàng hải vẫn tiếp tục phát triển. Chỉ trong tuần vừa qua, Tổng thống Obama đã phê chuẩn kế hoạch hợp tác hạt nhân giữa hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có thể sớm hoàn tất Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP), một hiệp định tự do thương mại đa phương dự kiến sẽ giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia thành viên.

Nhìn từ một khía cạnh khác, tất cả điều này đã tạo nên một câu chuyện đáng chú ý. Bình thường hóa quan hệ giữa các nước tất nhiên không thể tránh khỏi trong thế kỷ 21 – như nhiều người gọi đây là Thế kỷ châu Á – cho nên rất khó để Hoa Kỳ tiếp tục đứng nhìn mà không hợp tác. Nhưng đối với Hoa Kỳ và Việt Nam, một kết quả đáng chú ý hơn đã xảy ra: Hai kẻ cựu thù đã bỏ qua quá khứ đẫm máu và bi thảm để bắt đầu nhìn sâu vào các lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm. Đây là một câu chuyện đáng ca ngợi.

Tuy nhiên, các câu hỏi chính đáng vẫn tiếp tục phát sinh. Liệu kết quả trong việc tái lập mối quan hệ này sẽ như thế nào, và Hoa Kỳ sẽ đạt được những gì? Suy cho cùng, lỗi hệ thống cơ bản nhất trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam là: Việt Nam không phải là một nước dân chủ. Chính phủ của nước này lâu nay do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, và Việt Nam chưa bao giờ tổ chức bầu cử công bằng. Nước này chỉ có một đảng chính trị, tức Đảng Cộng sản Việt Nam, và tự một mình đảng này định đoạt số phận của 90 triệu dân bằng áp dụng các lý thuyết kinh tế cải cách của Trung Quốc cũng như các văn bản về tư tưởng Hồ Chí Minh và chính sách thực dụng nhằm duy trì quyền lực của đảng. Khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hay Ngoại trưởng John Kerry gặp các đối tác Việt Nam của họ, họ không gặp những người thực sự đại diện cho nhân dân Việt Nam. Ngược lại, họ chỉ gặp các lãnh đạo đảng – những người đã và đang hưởng lợi từ việc lạm dụng các chính sách nhân quyền để củng cố quyền lực chính trị của họ.
Để bảo đảm quyền lực, Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu đã đàn áp các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo. Các hành vi đơn giản như chỉ trích chính phủ hoặc chỉ trích Đảng Cộng sản, hay phơi bày các vấn đề liên quan đến tham nhũng hoặc năng lực quản lý yếu kém của chính phủ đều có thể dẫn đến cáo buộc tội hình sự và các án tù dài hạn. Và đối với bộ máy an ninh nội địa khổng lồ như Bộ Công an đang thống trị cuộc sống hàng ngày của người dân thì Việt Nam có rất ít các tổ chức xã hội dân sự hoạt động để đối phó lại với các vấn đề chính trị, ngoại trừ các chủ đề ít nhạy cảm hơn như quyền sự dụng đất hay môi trường. Cho đến nay Việt Nam vẫn không có các tổ chức độc lập như công đoàn lao động, truyền thông hay tổ chức nhân quyền.

Khi đối mặt với vấn đề này, trong những năm gần đây nhiều người tại Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào các hình thức bất đồng chính kiến, đặt câu hỏi về các chính sách của chính phủ, lên tiếng về các vụ tham nhũng hoặc kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng. Nhưng để đáp ứng lại các hành động trên, chính phủ đã tăng cường nhiều chiến dịch đàn áp. Ít nhất có 63 tù nhân chính trị đã bị kết án trong năm 2013, tăng từ con số 40 người trong năm 2012 và 33 người so với năm 2011. Việt Nam hiện có ít nhất 150 tù nhân chính trị đang ở phía sau song sắt, và con số này trong thực tế có thể lên hơn 200 người. Các con có thể cao hơn rất nhiều nhưng với các vụ bắt giữ ngày càng gia tăng cũng đủ để gửi ra thông điệp nhằm làm nản lòng nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ những hành vi đàn áp này, ngay cả các quan chức Lầu Năm Góc và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng tiếp tục gặp gỡ để nêu lên chủ đề này trong các cuộc đàm phán về chiến lược và thương mại. Chính quyền Obama đã phần nào mất điểm sau khi hủy bỏ chuyến đi quan trọng tới châu Á vào mùa thu năm ngoái vì sự kiện đóng cửa chính phủ tại Washington. Tổng thống Obama rất muốn chứng minh chính sách “tái cân bằng” tại châu Á vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả khi Hoa Kỳ dồn nhiều sự chú ý vào các vấn đề ở Trung Đông và một số nơi khác. Về mặt kinh tế, Việt Nam hiện hưởng lợi rất nhiều trong các cuộc đàm phán TPP so với Washington, vì Hoa Kỳ đã có sẵn các thỏa thuận thương mại tự do với hầu hết các đối tác khác trong TPP. Nhưng Nhà Trắng đã tiếp tục ve vãn chính phủ Việt Nam và xem nước này như một đối tác quan trọng trong “trục” châu Á, bằng chứng là mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhà Trắng hồi mùa hè 2013 và Tổng thống Obama hứa hẹn sẽ sớm thăm Việt Nam trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2016.

Tổng thống Obama có lẽ nên biết rằng chính sách tái cân bằng tại châu Á nên nghiên nặng về chiến lược và kinh tế nhiều hơn – một trục xoay không phải nhắm đến châu Á mà phải nhắm đến người châu Á. Trong một bài phát biểu về chính sách châu Á tại Úc vào năm 2011, ông đã nói về các nhà hoạt động, bao gồm cả các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam, đã bất chấp sự đàn áp “bao gồm cả các hành vi nhỏ nhất để bày tỏ lòng can đảm mà thế giới chưa từng thấy” bằng cách viết blog, ký tên vào các lời kêu gọi. “Những người như thế này thế giới sẽ không bao giờ quên”, ông nói. “Lịch sử sẽ đứng về phía tự do – các xã hội tự do, các chính phủ tự do, các nền kinh tế tự do, và những con người tự do”.

Nhưng để đạt được tự do thì không chỉ đơn giản bằng cách sử dụng những từ ngữ cao cả. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chính quyền Obama có trực tiếp đan xen các phần thưởng này vào quan hệ Mỹ–Việt hay không – từ lợi ích thương mại đến mối quan hệ chiến lược – và buộc chính phủ Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của nước này. Các lãnh đạo của Việt Nam sẽ không thả lỏng bàn tay đàn áp của họ trừ khi họ bị áp lực, và Hoa Kỳ là nước có vị trí tốt nhất trên thế giới để gây những áp lực đó.

John Sifton là Giám đốc vận động khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

John Sifton
Anh Khôi chuyển ngữ
CTV Phía Trước
Theo DatViet

No comments:

Post a Comment