Wednesday, March 5, 2014

Cái đinh trong mắt người nghèo

06/03/2014 10:44
Dân Việt - 2 cái “cung điện” đã được nhắc tới trong suốt tuần qua. “Cung điện” ở Bình Dương, mang tên công sở. Và “cung điện” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, ở Bến Tre.
“Cung điện” là từ mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc trước nghị trường Quốc hội có lần thẳng thắn “dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế”.
23 tầng, độ cao 104m với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, có bãi đáp trực thăng; 2 tầng để xe, bãi đỗ xe có sức chứa 640 ô tô và hơn 2.000 xe máy, tổng diện tích sàn là 104.000m2.
Nói trụ sở hành chính Bình Dương, lớn nhất Việt Nam, không phải là “cung điện” thì e là cũng chẳng còn cung điện vua chúa nào ở Việt Nam lớn hơn.
Và “cung điện” cũng là từ mà nhân dân ngao ngán khi mắt thấy tai nghe ngôi biệt thự được xây dựng trên khuôn viên 1,7ha với 6 ngôi nhà gỗ bao. Chưa kể 2 ngôi nhà 200m2 và 300m2 ở TP.Bến Tre của cựu Thanh tra Chính phủ. Ở cái thời bê tông cốt thép này mà chơi nhà gỗ “không dùng dù chỉ một cái đinh”, kể như là “cha của cái sự sang trọng” rồi.
Khi dư luận mắt chữ O mồm chữ A trước cái “cung điện Bình Dương”, địa phương chỉ giải thích ngắn ngọn rằng đã không sử dụng vốn ngân sách mà huy động nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, và sau đó hoán đổi các trụ sở cũ để thu hồi vốn.
Còn vị cựu Tổng Thanh tra Chính phủ nói chuyện “một cô em” đã ủng hộ tiền bạc để xây nhà. Chứ chắc không phải từ gần 60 cán bộ cấp vụ mà ông cấp tốc bổ nhiệm từ tháng 3 đến tháng 8.2011, trước khi về vườn… xây biệt thự.
Hôm qua, trước những cái “cung điện” xã hội hóa, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học bảo rằng: Việc xã hội hóa hay bằng ngân sách suy cho cùng cũng xuất phát từ việc sử dụng tài sản chung. Có xã hội hóa thì cũng là tiền của dân cả thôi.
Còn Tổng Biên tập Báo Người Cao Tuổi, tờ báo đã đưa vụ biệt thự khủng của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ ra dư luận, thẳng thắn: Người ta đều nhìn khu dinh thự của ông Truyền như một sự chọc tức người dân nghèo. Người ta bức xúc vì đổ mồ hôi nước mắt mà quanh năm vẫn nghèo khổ. Một tỉnh nghèo của cả nước, một xã nghèo và người dân cũng nghèo mà xuất hiện khu dinh thự hoành tráng...".
Tiền nào cũng là tiền của dân cả thôi. Nhưng không phải chỉ là chuyện tiền. Giữa những trụ sở cung điện ở Bình Dương cho đến cây cầu khỉ 50 năm ở Hà Nội chẳng hạn, là khoảng cách vời vợi giữa sự xa xỉ và cái khó nghèo cũng chỉ của một chữ “công”.
Còn những người dân nghèo Bến Tre, ngôi biệt thự “không dùng một chiếc đinh” có khác gì một cái đinh chọc tức đôi mắt người nghèo.
Anh Đào

No comments:

Post a Comment