Ông Andrea Giorgetta, Giám đốc khu vực Châu Á của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH
Liên đoàn quốc tế nhân quyền FIDH mở chiến dịch toàn cầu kêu gọi phóng thích 16 nhà bảo vệ nhân quyền trên thế giới, trong số này có 3 phụ nữ Việt Nam.
Chiến dịch mang tên ‘Vì Tự do’ được Liên đoàn FIDH phát động trên mạng ngày 27/3 nhằm mục đích huy động tiếng nói và sự ủng hộ của mọi người khắp nơi đối với những nhà hoạt động đang bị giam cầm chỉ vì thực thi các nhân quyền căn bản.
Nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh, tranh đấu vì quyền lợi công nhân
Ba nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam có tên trong danh sách vận động của FIDH bao gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương, và Tạ Phong Tần.
Ông Andrea Giorgetta, Giám đốc khu vực Châu Á của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, cho VOA Việt ngữ biết:
“Ba phụ nữ này là những trường hợp đặc biệt quan trọng vì họ bị tuyên án tù nhiều năm chỉ vì các hoạt động cổ xúy nhân quyền căn bản. Đặc biệt nghiêm trọng là hai người trong số này là nạn nhân của tệ tra tấn, ngược đãi trong trại giam. Chúng tôi dùng trường hợp của họ để nêu bật thực trạng đáng bạo động trong các trại nhà lao Việt Nam.”
FIDH kêu gọi những người sử dụng internet trên toàn cầu dùng tài khoản Twitter liên lạc với những người có thẩm quyền để thúc đẩy trả tự do cho những nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm tùy tiện vì các hoạt động cổ xúy dân chủ.
Nhà hoạt động vì quyền đất đai Hồ Thị Bích Khương bị bắt lần thứ ba vào đầu năm 2011 và bị kết án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì đăng tải lên mạng những bài viết bị Hà Nội cho là phê phán chính phủ, chống nhà nước.
Nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh bị kêu án 7 năm tù hồi năm 2010 với cáo buộc “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” sau khi rải truyền đơn và tổ chức cho công nhân đình công đòi tăng lương.
Blogger Tạ Phong Tần bị tuyên án 10 năm tù cuối năm 2012 về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” về các bài viết phản ánh tham nhũng và bất công xã hội. Bà Tần từng được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh Giải Phụ nữ Can đảm 2013 vì “sự dũng cảm đặc biệt và khả năng lãnh đạo để vận động cho quyền và sức mạnh phụ nữ, bất chấp rủi ro cá nhân”.
Nhà hoạt động Tạ Phong Tần
Giải thưởng này bị Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối, cho rằng “Đây là việc làm sai trái, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.”
Liên đoàn FIDH gồm 178 tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trên thế giới nói một nhà bảo vệ nhân quyền là người có các hoạt động ôn hòa nhằm cổ xúy hoặc bảo vệ các quyền con người được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
FIDH kêu gọi cộng đồng quốc tế đòi hỏi Hà Nội phải chấm dứt đàn áp giới bất đồng chính kiến ôn hòa và phóng thích tất cả tù nhân chính trị.
Tại kỳ Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát UPR trước Liên hiệp quốc hôm 5/2 vừa qua, Việt Nam khẳng định “chính sách cơ bản” của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ, và thăng tiến nhân quyền.
No comments:
Post a Comment