Tiếp tay cho kẻ buôn người
Mặc dù không sinh con, nhưng Phạm Thị Nguyệt sở hữu hai GCS số 50 và 51, ghi là Nguyệt đã sinh đôi hai cháu, một trai, một gái, tại Trạm xá xã Kim Hải, H.Kim Sơn vào ngày 30/6/2013 (thời điểm này bé Công chưa ra đời). Người đỡ đẻ là Phạm Thị Gương, bác sĩ ký đóng dấu là Cao Văn Khải. Ông Khải hiện đang giữ chức quyền Trạm trưởng Trạm y tế xã Kim Hải. Ông Khải không ngạc nhiên khi chúng tôi đến làm việc, bởi trước đó đã có các điều tra viên thuộc Công an Hà Nội đến điều tra “đường đi” của những GCS khống do Nguyệt sở hữu.
Ông Khải cho biết: “Trước đây, bác sĩ Phan Quốc Viện là Trạm trưởng Trạm y tế, còn tôi là bác sĩ chuyên môn. Chị Phạm Thị Gương là nữ hộ sinh của trạm, nghỉ hưu từ tháng 12/2013. Tháng 2/2014, ông Viện nghỉ hưu, tôi nhận nhiệm vụ “quyền trạm trưởng”. Ngày 1/7/2014, chị Gương gọi điện, nhờ tôi cấp lại GCS cho người em họ là Phạm Thị Nguyệt, sinh năm 1979, quê ở xã Hòa Khánh, H.Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chị Gương khẩn khoản trình bày rằng Nguyệt sinh con tại trạm y tế xã Kim Hải, sinh đôi, do chị Hương và anh Viện xử lý. Thời điểm đó tôi đi học nên chỉ có chị Gương và anh Viện tham gia, tôi hoàn toàn không biết.
Chị Gương giải thích: Tháng 6/2013, chị đỡ đẻ ca sinh đôi cho Nguyệt, nhưng trạm đã... hết GCS, anh Viện chỉ đạo chị Gương đi photo GCS để viết GCS cho Nguyệt. Vì lẽ đó nên hai tờ GCS photo của Nguyệt có dấu giáp lai màu đen, nhưng chữ ký, đóng dấu màu đỏ. Khi Nguyệt đi làm thủ tục khai sinh cho các con, địa phương không chấp nhận GCS đó, vì thế chị Gương mong tôi giúp, ghi lại GCS khác. Hiện các con của Nguyệt đang nằm viện, cần có giấy tờ gấp để giải quyết thủ tục nhập viện…”. Nể tình đồng nghiệp, tôi giúp chị Gương. Xong xuôi, vợ chồng Nguyệt để lại phong bì 500.000đ trên bàn làm việc của tôi”.
Khi chúng tôi đề nghị ông Khải cung cấp hồ sơ bệnh án và những giấy tờ liên quan đến ca đẻ của Nguyệt, ông Khải nói: “Anh Viện và chị Gương khi về hưu không bàn giao lại giấy tờ gì ngoài cuốn sổ trực. Khi công an hỏi, tôi cũng không tìm thấy cuốn sổ gốc GCS nửa cuối năm 2013 đâu cả. Tôi không bao giờ dám nghĩ, chị Gương lại lừa tôi như vậy”. Sở hữu GCS khống, công nhận mình đã sinh hai con sinh đôi ở xã Kim Hải, là thủ đoạn không mới với Nguyệt. Trước đó, Nguyệt “khoe” với bạn bè đã “mua” được hai GCS thể hiện mẹ là Phạm Thị Nguyệt, sinh năm 1979, quê ở xã Hòa Khánh, H.Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, đẻ song sinh hai cháu trai vào ngày 10/9/2013 tại Khoa Sản, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình.
“Không biết, không nhớ…”
Tại trạm y tế xã Kim Hải, tối 15/8, chúng tôi tiếp xúc với bà Phạm Thị Gương, người đã tự nhận đỡ đẻ cho Phạm Thị Nguyệt. Bà Gương cho biết: “Nguyệt có quan hệ họ hàng với tôi. Khoảng đầu tháng 10/2013, Nguyệt gọi cho tôi: “Em mang thai đôi nhưng không có tiền nhập viện để đẻ. Em tự đẻ tại nhà, nên hai con không có GCS. Bác giúp đỡ em".
Nể tình, tôi gặp ông Phan Quốc Viện để xin cấp GCS khống cho Nguyệt. Thời điểm đó, quyển GCS chỉ còn một tờ nên ông Viện yêu cầu tôi đi photo rồi mang về viết các thông tin của Nguyệt vào để ông ký đóng dấu. Ngày sinh ghi 30/6/2013, ngày ký GCS là 7/10/2013. Đến cuối tháng 6/2014, Nguyệt gọi điện nói do GCS có phần giáp lai photo nên các cơ quan chức năng không làm thủ tục khai sinh cho cháu Gia Hân, Gia Bảo và nhờ xin cấp lại. Tôi nói tôi đã về hưu nên không thể giúp, nếu có việc gì cần thì đến gặp anh Khải, sau đó thì tôi không gặp Nguyệt nữa. Việc Nguyệt và anh Khải trao đổi với nhau về việc cấp lại GCS, tôi không biết”.
Tối cùng ngày, ông Phan Quốc Viện mang theo một cuốn sổ gốc GCS nửa cuối năm 2013, để chứng minh với phóng viên rằng ông đã bị bà Gương lừa. Ông cho biết: “Nguyệt không hề sinh đẻ tại trạm xá xã, nhưng vì tin bà Gương đã tự tay viết GCS cho Nguyệt, nên tôi mới ký. Tôi không rõ tại sao và không thể nhớ được vì sao lúc ấy tôi lại ký tên đóng dấu".
Để làm chứng việc mình rất cẩn thận trong việc lưu giữ giấy tờ sổ sách, ông Viện lôi ra một quyển GCS trong đó chỉ còn hai-ba tờ thân liền gốc, còn lại là gốc để lưu, tất cả có dấu đỏ và so sánh: hai tờ GCS cấp cho Nguyệt vào thời điểm tháng 6/2013 mang số hiệu 50 là của chị Đào Thị K., sinh năm 1985, đã sinh con gái nặng 3,5kg, tờ số 51 là tờ cấp lại cho chị này vì thông tin trong tờ số 50 viết sai. Ông Viện không giải thích được tại sao GCS cấp cho Nguyệt cũng là số 50-51, ngày tháng cũng trùng với ngày tháng sinh của một sản phụ khác.
Nghiêm trọng hơn, cuốn sổ gốc GCS này đã được ông Viện mang về nhà riêng, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ông Viện giải thích: “Tôi thường mang GCS về nhà cho vợ tôi… quản lý”. Hỏi nguyên tắc quản lý GCS, ông Viện đáp: “Kể cả đã dùng hết trạm y tế phải lưu lại cuống, vì phần cuống cũng phải ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán sản phụ, sinh ngày nào, bé trai hay gái, dự định đặt tên là gì…”.
Nhưng khi bị phóng viên “bóc mẽ” cuốn sổ GCS mà ông Viện đang giữ, có 26 cuống giấy gốc để trắng không có thông tin gì; bốn cuống viết rất sơ sài, không có cả quê quán sản phụ, sinh con trai hay gái và nhiều trang bị xé nham nhở (trong khi cả cuốn GCS chỉ có hơn 50 trang), sắc mặt ông Viện tái đi, ông ấp úng: “Chắc là tôi cấp lại cho ai đó, nhưng không nhớ. Đợi tôi gọi về hỏi vợ xem bà ấy có nhớ không. Tôi chắc chắn là có trường hợp để GCS trong túi quần, về cho vào chậu giặt nên đến tìm tôi xin cấp bản khác. Toàn người làng xã cả thôi, tôi cấp lại cho họ mà không cần hồ sơ, không lấy tiền đâu, có khi chỉ mang đến cân hoa quả, quà cáp bình thường thôi”.
Tuy nhiên, biện hộ của ông Viện không thuyết phục, bởi lẽ, ngay trong chính cuốn sổ gốc ấy cũng chỉ có vẻn vẹn ba GCS xin cấp lại, được ông Viện mở ngoặc rất cẩn thận là “cấp lại”, đồng thời điền rõ tên, tuổi sản phụ cùng con của họ. Không có lý do gì mà một người giữ cương vị trạm trưởng trạm y tế xã trong 20 năm, tự nhận là mình là người cẩn thận, lại cấp hàng loạt GCS mà không điền đầy đủ thông tin vào phần cuống. Liệu còn điều gì bí mật ẩn giấu sau những tấm GCS được cấp khống kia? Mối quan hệ giữa Nguyệt với những người có chức vụ, quyền hạn khai sinh ra một con người, là câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng.
No comments:
Post a Comment