|
Diễn tập của ngành y tế khi phát hiện hành khách có biểu hiện nhiễm vi rút Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Nhung |
(TBKTSG Online) - Sáng 19-8, trong buổi huấn luyện cho các bệnh viện, các trung tâm y tế dự phòng và các phòng khám cho người nước ngoài tại TPHCM về nhận biết, điều trị và phòng tránh lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola, bác sĩ Lâm Minh Yến, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng ngành y tế hiện đang “tay không chống dịch Ebola”.
Theo BS. Yến, hiện nay bệnh viện vẫn chưa có các dụng cụ bảo hộ chống thấm nước như: quần, áo, mũ, khẩu trang đặc chủng… để trang bị cho nhân viên y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Khi bác sĩ của một bệnh viện quận nêu câu hỏi: "Nếu có bệnh nhân Ebola thật thì lúc này nhân viên y tế sẽ mặc gì để phòng tránh lây nhiễm từ dịch tiết?", bác sĩ Yến đã trả lời nửa đùa nửa thật rằng chỉ còn cách mặc áo đi mưa loại 5.000 đồng dùng tạm thời kèm với tạp dề được làm từ ni lông, dùng loại khẩu khang ba, bốn lớp.
Nếu Việt Nam phát hiện ra ca nghi nhiễm Ebola, mẫu bệnh phẩm vẫn phải chuyển đến Mỹ hoặc Canada. Hiện nay, theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam phải lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu theo quy chuẩn quốc tế về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để gửi ra nước ngoài, vì Việt Nam chỉ có phòng an toàn sinh học cấp 3, chưa có phòng xét nghiệm đủ chuẩn đảm bảo an toàn sinh học cấp 4. Do vậy, không đảm bảo an toàn cho công tác xét nghiệm bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Đức đã tài trợ cho Việt Nam hai ngôi nhà khử khuẩn đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Nội Bài để tắm rửa, khử khuẩn cho bệnh nhân trước khi đưa về bệnh viện để cách ly, chăm sóc và điều trị.
Đề cập đến thuốc điều trị, BS. Yến cho biết, hiện phác đồ điều trị vẫn điều trị theo triệu chứng, nếu bệnh nhân sốt cho giảm sốt, bệnh nhân yếu sẽ truyền nước, bù điện giải, bệnh nhân xuất huyết nhiều phải truyền máu… Thuốc điều trị Ebola (ZMapp) – kháng thể đơn dòng - là loại huyết thanh gồm ba kháng thể, do hãng dược phẩm Mapp Pharmaceutical (Mỹ) bào chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gen.. WHO đã quyết định cho phép sử dụng thuốc ZMapp, mặc dù thuốc này chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh cho các bệnh nhân mắc virus Ebola nguy hiểm.
ZMapp đã cứu sống hai nhân viên của tổ chức phi chính phủ "Samaritan's Purse" (Mỹ) bị mắc virus Ebola tại Liberia. Cả hai người này đã đáp ứng tốt với ZMapp sau khi chích thuốc được một giờ, các triệu chứng xuất huyết đều biến mất. Tuy nhiên, một bệnh nhân khác là giáo sỹ người Tây Ban Nha cũng được sử dụng loại thuốc này nhưng đã tử vong tại một bệnh viện ở Madrid.
Hội đồng đạo đức Y khoa của WHO đã họp và quyết định cho dùng thử nghiệm trên người nhưng người bệnh phải được tư vấn để hiểu, ký vào biên bản đồng ý chích thử nghiệm loại thuốc này. Hiện, loại thuốc này Mỹ mới sản xuất được hơn chục liều, may ra đến năm 2015, loại thuốc này mới có mặt tại Việt Nam.
* Vẫn phải cách ly 60 ngày sau điều trị
Nhiều nhân viên y tế tại các bệnh viện thắc mắc, tại sao người nhiễm vi rút Ebola đã điều trị khỏi bệnh, hết sốt, hết những triệu chứng xuất huyết, ho… vẫn phải cách ly 60 ngày?
Bác sĩ Lâm Minh Yến giải thích, vì mặc dù bệnh nhân đã điều trị hết những triệu chứng sốt xuất huyết, hết sốt, ho… nhưng vẫn cần phải làm hai xét nghiệm dịch tiết xem có còn dương tính với vi rút Ebola hay không, mỗi lần xét nghiệm cách nhau 48 giờ. Do đó, bệnh viện vẫn phải cách ly bệnh nhân 60 ngày dù bệnh nhân đã hết những triệu chứng lâm sàng, vì vi rút vẫn còn trong tinh dịch. Trong thời gian cách ly đó, bệnh nhân không nên quan hệ tình dục vì dễ lây cho vợ hoặc bạn tình.
No comments:
Post a Comment