Tuesday, August 19, 2014

NHỔ SƯ TỬ ĐÁ kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích



Published on August 19, 2014   ·  
SUTU-CHUA

Những con sư tử đá kiểu Trung Quốc, kiểu phương Tây cùng các “hiện vật lạ” không phù hợp bản sắc văn hoá, thuần phong mĩ tục sẽ bị Hà Nội cưỡng chế ra khỏi di tích theo Luật Di sản.
Mới đây, Bộ VHTT&DL đã có công văn về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội về thực trạng, cũng như những phương thức xử lý sự việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.
PVThưa ông,ông có thể nêu rõ hơn về hiện trạng đưa những biểu tượng, hiện vật, linh vật “lạ” vào các di tích ở Hà Nội?
Ông Trương Minh Tiến: Việc tùy tiện đưa hiện vật không đúng quy định vào các di tích đã diễn ra không chỉ riêng Hà Nội mà còn diễn ra thêm ở các di tích khác trên địa bàn cả nước. Ý thức được vấn đề này, chúng tôi đã có các văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố để kiểm tra, giám sát tình hình. Từ một vài năm gần đây, chúng tôi đã có chỉ đạo cho các UBND quan tâm tới sự việc.
Tuy nhiên, có những di vật, hiện vật được đưa vào từ những năm trước đó, từ thời điểm chưa có Luật di sản mà đến bây giờ, các di vật, hiện vật đó vẫn tồn tại. Mặc dù sau đó, Luật di sản đã ra đời, nhưng luật chưa được tuyên truyền thật sâu sát đến người dân, đến những người có trách nhiệm trông nom di tích, thậm chí nhiều nhà hảo tâm cung tiến vào di tích cũng chưa hiểu hiết Luật. Vì thế, kể từ sau khi có Luật Di sản, hiện tượng đó vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo quy định của Luật Di sản, việc đưa một hiện vật vào di tích phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nếu là di tích cấp tỉnh, thành phố thì thuộc quyền quản lý của Sở VHTT&DL. Còn nếu là di tích cấp quốc gia, phải trình lên Bộ VHTT&DL để xem xét và quyết định. Đấy là quy định trình tự, nhưng trên thực tế, có những việc tiếp nhận những hiện vật không đúng như các bộ đèn thờ hay các bộ lục bình, rồi các tượng đá, sư tử kiểu Trung Quốc.
Đôi sư tử đá lạ màu trắng đứng ngang nhiên trước cửa đền Bà Tấm rêu phong cổ kính (ảnh: Ngữ Thiên)
PV: Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ triển khai như thế nào sau công văn khuyến cáo vừa qua của Bộ VHTT&DL?
Ông Trương Minh Tiến: Thời gian tới, để hạn chế được vấn đề này, một mặt chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền hơn nữa Luật Di sản đối với những người làm công việc trông nom trực tiếp các di tích, họ được phép làm những gì và không được làm những gì. Mặt khác, người cung tiến vào các di tích cũng phải hiểu đúng luật. Trên diện rộng, chúng tôi sẽ chú ý tuyên truyền sâu rộng tới hai đối tượng đó. Còn phía các cơ quan quản lý cần tăng cường quá trình giám sát, kiểm tra để kịp thời tìm ra những trường hợp không đúng luật và xử lý một cách kiên quyết, hạn chế dần thực trạng như hiện nay.
Sau công văn khuyến cáo, khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, chúng tôi cũng sẽ có tham mưu để triển khai trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc điều tra tổng thể trên địa bàn thành phố. Ở từng di tích, khi biết được nơi đó có hiện vật nào không đúng, chúng tôi sẽ có sự phân loại các hiện vật, rồi làm việc cùng UBND các quận, huyện. Trên cơ sở đó, sẽ phải cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho họ, cộng với việc thể hiện quan điểm rõ ràng của Sở và yêu cầu làm theo chỉ đạo của Bộ. Đồng thời, UBND các địa bàn quận, huyện cũng cần chỉ đạo xuống các thị trấn, xã,… nơi có những hiện vật “lạ” ở di tích.
Do đó, trước hết phải thông báo tình hình, rồi đến việc thực hiện tuyên truyền, vận động các nơi quản lý di tích để họ có ý thức tự di dời. Nếu không, chúng tôi sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Đó là một quá trình chúng tôi phải làm, nhưng phải thực hiện từng bước một.

Những sư tử đá, hiện vật với bộ mặt “lạ lẫm” như thế này sẽ phải sớm bị loại bỏ ở các di tích (ảnh: Ngữ Thiên)
PVVề phía người dân có nhu cầu cung tiến các hiện vật, sư tử đá hay linh vật “lạ”, nên chăng Sở VHTT&DL có thể phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về mỹ thuật cổ, tôn giáo, tín ngưỡng để đưa ra được những hình ảnh cụ thể tới họ, nhằm tránh tình trạng đưa hiện vật tùy tiện vào di tích như hiện nay?
Ông Trương Minh Tiến: Theo tôi, quan trọng là theo từng di tích cụ thể sẽ có từng hiện vật hợp lý như thế nào được đưa vào. Không phải bất kỳ hiện vật có giá trị nào cũng có thể được đưa vào trong các di tích. Vì thế, hiện vật cần phải phù hợp với từng loại di tích. Cho nên, với những người dân có nhu cầu cung tiến, nên đến nêu vấn đề với những người quản lý, trông nom di tích để biết mình cung tiến hiện vật đó có phù hợp hay không, và nên đề nghị Ban quản lý di tích cho phép, rồi làm thủ tục. Nếu di tích thuộc về cấp quốc gia, Ban quản lý có thể đồng ý cho người có nhu cầu cung tiến triển khai. Thậm chí, sẽ cần có sự đánh giá, thẩm định của nhà nghiên cứu có chuyên môn để hiện vật được cung tiến đúng với loại di tích. Tóm lại, muốn thực hiện đúng thì vẫn phải làm theo Luật.
PV:Ngay cả khi VOV thực hiện loạt bài về vụ sư tử đá Trung Quốc, rất nhiều độc giả thắc mắc rốt cụcsư tử của Việt Nam trông như thế nào? Như vậy, có thể thấy người dân có nhu cầu cung tiến nhiều, nhưng họ lại không có đủ nhận thức, không được tuyên truyền đủ để hiểu hết về đúng những hiện vật, lễ vật thuần Việt. Thậm chí, chính các nhà tâm linh, phong thủy cũng là người khuyên họ nên đặt mua những hiện vật như thế. Ông có ý kiến thế nào về những trường hợp này?
Ông Trương Minh Tiến: Với những trường hợp đó, cần có tính dung hòa trong nhu cầu cung tiến. Người dân vẫn thường quan niệm việc cung tiến, dâng lễ vật, hiện vật vào đình, đền, chùa là để cầu xin cho gia đình, bản thân được phù hộ nhiều hơn, được ăn ra làm nên… Đó là nhu cầu về mặt tâm linh. Nhưng về khả năng nhận thức, họ lại không được nhận tiếp đầy đủ.
Vì thế, một người muốn cung tiến sư tử đá vào di tích, nhưng không rõ đó là sư tử Trung Quốc hay thuần Việt, mà cứ chỉ ra ngoài đặt làm để cung tiến. Ngay cả các nhà tâm linh, phong thủy cũng chỉ cho họ nên làm vậy, trong khi không phải nhà tâm linh, phong thủy nào cũng có kiến thức đúng đắn về mặt văn hóa.
Có lẽ, phải đến tầm Bộ VHTT&DL, tầm các cơ quan quản lý của quốc gia thì mới có được định hướng chung cho toàn bộ đối tượng trên địa bàn cả nước. Tôi cho rằng, vấn đề này không chỉ đủ tầm để một địa phương làm được, mà các địa phương phải cùng thực hiện, phối hợp chặt chẽ, theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, của cơ quản lý Nhà nước.
PVXin cảm ơn ông./.
THEO VOV

No comments:

Post a Comment