Tuesday, August 19, 2014

Trung Quốc mềm dẻo: Hồng Kông khác Tân Cương

(Tin tức 24h) - Sử dụng biểu tình để đối phó biểu tình là cách Trung Quốc đang làm với Hồng Hông. Điều này trái ngược với sự cứng rắn dành cho Tân Cương.
Mềm nắn rắn buông
Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép đặc khu Hồng Kông được hưởng quyền tự trị cao. Tuy nhiên, các nhà hoạt động Hồng Kông cho rằng Bắc Kinh đang can thiệp quá sâu vào đặc khu này, mà đỉnh điểm là Trung Quốc đòi chi phối việc lựa chọn lãnh đạo của đặc khu.
Hồng Kông chọn lãnh đạo đặc khu nhiệm kỳ tiếp theo vào năm 2017. Chính quyền trung ương Trung Quốc cam kết người Hồng Kông sẽ được bầu trực tiếp lãnh đạo nhưng các ứng viên phải được một ủy ban của chính quyền trung ương chọn ra.
Người Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ
Người Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ
Hàng loạt cuộc biểu tình đòi dân chủ diễn ra liên tiếp ở Hồng Kông thời gian qua. Để người dân Hồng Kông được bầu chọn trực tiếp lãnh đạo đặc khu, vào đầu tháng 7/2014, tổ chức Occupy Central (OC) đã tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất tại Hồng Kông kể từ khi Hồng Kông được trả cho Trung Quốc và tuyên bố sẽ tiếp tục huy động người phong tỏa trung tâm hành chính nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Tuy nhiên, phong trào của OC bị giới chức Bắc Kinh và Hồng Kông chỉ trích là phi pháp và có nguy cơ dẫn đến bạo lực. Dù chỉ trích như vậy, nhưng cho tới nay, các biện pháp mà Trung Quốc dùng để đối phó đang dừng ở mức cảnh báo, răn đe.
Bằng chứng là Trung Quốc công bố Sách Trắng vào tháng 6/2014 để nhắc nhở người Hồng Kông về vị thế của đặc khu hành chính này như một phần của Trung Quốc. Hay trong cuộc biểu tình cực lớn hôm 1/7, hơn 500 người bị bắt giữ với lý do vi phạm quy định tụ tập bất hợp pháp và ngăn cản nhân viên công vụ. Sự việc mới dừng ở đó và đến ngày 17/8, phe thân chính quyền ở Hồng Kông đã tổ chức cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 120.000 người nhằm chống lại phong trào đòi dân chủ của OC.
Cuộc biểu tình nói trên do Liên minh vì hòa bình và dân chủ (APD) thân Bắc Kinh phát động, chủ yếu là nhằm phản đối phong trào của OC, ủng hộ chủ trương thúc đẩy tổng tuyển cử bầu Trưởng Đặc khu vào năm 2017 theo quy định của Luật Cơ bản.
APD đã thu thập được hơn 1,4 triệu chữ ký phản đối phong trào đòi cải cách dân chủ của tổ chức OC. Trong số đó có cả chữ ký của Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh - người được Bắc Kinh cử làm lãnh đạo Hồng Kông.
Nhiều người có thể ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc không xử "rắn" như trong nhiều trường hợp khác, mà lại chọn cách tiếp cận hòa bình. Cứ cho rằng Trung Quốc tôn trọng tuyên bố chung giữa nước này với Anh quốc khi Hồng Kông được trao trả, rằng Trung Quốc mong muốn người Hồng Kông hiểu được rằng họ sẽ được "tự do trong khuôn khổ". Nhưng thực ra còn một lý do khiến Trung Quốc không dám mạnh tay với Hồng Kông bởi Hồng Kông có thực lực kinh tế.
Trong hơn 150 năm cai trị Hồng Kông, Anh đã biến Hương Cảng từ một vùng đất hoang sơ trở thành một đô thị phồn thịnh với mức sống cao hàng đầu thế giới.
Khi được trao trả cho Trung Quốc với thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", Hồng Kông tiếp tục giữ vai trò là một thương cảng tự do, trung tâm thương mại, tài chính quốc tế và duy trì, phát triển quan hệ kinh tế với các nước, các vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Còn nhớ sau “cơn sóng thần tài chính thế giới” năm 2008, Hồng Kông chỉ mất hơn một năm để thoát khỏi đáy khủng hoảng. Kinh tế Hồng Kông phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục (tới tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của Hông Kông chỉ còn 1,4%, tương đương 123.400 người), năng lực ứng phó với rủi ro kinh tế và cải thiện dân sinh tăng lên rõ rệt.
Chính vì thế, nếu xử "rắn" với Hồng Kông thì "quan trên trông xuống, người ta trông vào", Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, cao hơn nữa có thể là sự trừng phạt của quốc tế. Bởi vậy, mềm nắn rắn buông, Trung Quốc đã chọn cách tiếp cận khôn ngoan trong vấn đề Hồng Kông.
Trừng trị thẳng tay khủng bố Tân Cương
Đối với Tân Cương, vùng đất nằm ở phía Tây Trung Quốc và chiếm một phần sáu lãnh thổ nước này lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Từ năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Tân Cương là một tỉnh của Trung Quốc, là "phần không thể tách rời của nhà nước Trung Hoa thống nhất đa sắc tộc". Những năm gần đây khu vực này trở thành "lò lửa" bất ổn nhất tại Trung Quốc. Tình trạng bạo lực, dưới cái tên "thánh chiến" bắt đầu tăng cao từ năm 2009 và là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực này. Ước tính Tân Cương đã phải hứng chịu khoảng 190 vụ tấn công trong năm 2012.
Những vụ tấn công xảy ra ở Tân Cương khiến nhà chức trách Trung Quốc đã mở một chiến dịch chống khủng bố kéo dài tới 1 năm (từ tháng 5/2014- 6/2015), trong đó Tân Cương là chiến trường trọng yếu.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương hồi tháng 5/2014
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương hồi tháng 5/2014
Theo tuyên bố của Trung Quốc, chiến dịch này sẽ sử dụng mọi lực lượng chính trị và pháp lý, quân đội và cảnh sát vũ trang tại Tân Cương. Chiến dịch tập trung nhằm vào những phần tử khủng bố và các nhóm tôn giáo cực đoan, điểm sản xuất súng và thuốc nổ, trại huấn luyện khủng bố. Những kẻ khủng bố và cực đoan sẽ bị săn lùng và trừng phạt. Những người có liên quan đến hoạt động khủng bố sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan lan ra các khu vực khác.
Trong vụ tấn công vào một đồn cảnh sát cùng các văn phòng chính quyền ở Tân Cương vào cuối tháng 7/2013, 37 dân thường đã thiệt mạng gồm 35 người Hán và hai người Duy Ngô Nhĩ, và 13 người bị thương. Cảnh sát Trung Quốc đã bắn chết 59 phần tử khủng bố, bắt 215 tên.
Chỉ 4 ngày sau cuộc tấn công bạo lực, đến ngày 1/8, cảnh sát Trung Quốc bắn chết 9 người tình nghi là khủng bố và một người khác bị bắt tại thành phố Hòa Điền, Tân Cương.
Tân Hoa xã cho biết các nghi phạm bị hạ sát đã được cảnh sát xác định danh tính từ “cuộc điều tra một nhóm khủng bố” vào hôm 27/7.
Tân Hoa Xã cho rằng, hơn một nửa cư dân Tân Cương là người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực. Nhà cầm quyền Trung Quốc cáo buộc các nhóm ly khai ở Tân Cương đang cố tìm cách thành lập nhà nước riêng với tên gọi là Đông Turkestan.
Theo hãng tin Reuters, tình trạng nghèo đói, phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ là một trong những nguyên nhân.
Hiện 60% dân số Tân Cương là người Duy Ngô Nhĩ, 40 % là người Hán, nhưng đại đa số quan chức ở khu tự trị này lại là người Hán. Tình trạng chia rẽ xã hội, thiếu việc làm ở nông thôn, nạn tham nhũng trong chính quyền địa phương, và cảm giác thất vọng vì bị gạt ra ngoài lề xã hội, mâu thuẫn sắc tộc... tất cả làm gia tăng cảm nhận tiêu cực của người Duy Ngô Nhĩ về chính sách phát triển miền Tây Trung Quốc.
Nghiên cứu của ông Raymond Lee, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc đăng trên chuyên trang của hãng thông tấn Al Jazeera cho hay, trong số 31 đơn vị hành chính ở Trung Quốc, Tân Cương xếp thứ 18 về GDP trên đầu người vào năm 2012, thấp hơn khoảng 700 USD so với mức trung bình cả nước.
Đặc biệt, các khu vực của người Duy Ngô Nhĩ như Hòa Điền, Khắc Tư Lặc Tô và Khách Thập hiện đang phải chịu tình trạng cực kỳ kém phát triển và có các điều kiện kinh tế bết bát. Thậm chí so với một tỉnh nghèo nhất là Quý Châu thì GDP trên đầu người các khu vực này còn thấp hơn khoảng 1.000 – 2.000 USD.
An Thái

No comments:

Post a Comment