Tuesday, August 19, 2014

Sự kỳ thị “nhà quê”- “thành phố” của một số người Hà Nội



Published on August 19, 2014   ·   
PHO-HANOI

Có thể nói rằng nhiều người Hà Nội hiện nay đang cố níu kéo và bám vào cái quá khứ của mình để duy trì vị thế và để biện luận cho khả năng kém thích nghi, không chịu hay không thể thay đổi của mình…
Người Pháp, có thể đã rất hiểu sức mạnh của tinh thần đoàn kết Việt nên khi xâm lược nước ta, họ đã tiến hành một chính sách rất khoa học nhưng thâm hiểm, đó là “chia để trị”, tức là chia cắt và tạo nên sự khác biệt giữa các địa phương với nhau, từ cấp tỉnh đến tận cấp làng, xã. Mặc dù tinh thần đoàn kết yêu nước của chúng ta vẫn đã được phát huy lúc cần thiết để đem về nền độc lập cho đất nước, nhưng hệ lụy của các chính sách do người Pháp thực thi kia vẫn còn tồn tại một cách dai dẳng cho đến tận hôm nay, mà điển hình nhất có thể kể đến tính kém dung nạp của (người) Hà Nội – Thủ đô của Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.
Cũng có lẽ bị ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa Pháp nên các tính xấu đặc trưng của người Pháp đã và vẫn còn hiện hữu rất nhiều ở những người có gốc hoặc cho mình là người Hà Nội. Trong bài này, tôi xin được mạn phép đưa ra hai trong số các hạn chế đó chính là (i) Kỳ thị và coi thường người nhà quê (người từ các tỉnh khác đến) với hệ quả tự cho rằng văn hóa của mình ưu việt hơn, ẩm thực của mình tinh tế hơn nên có xu hướng áp đặt và đánh giá thấp các địa phương khác, chứ không chịu thay đổi để phù và hợp với bối cảnh mới, xu thế mới!, và (ii) Khả năng dung nạp và bao dung kém dễ dẫn đến bị cô lập và bị phản kháng từ các cộng đồng khác, địa phương khác.
Hà Nội, phố cổ, phở Hà Nội, người Hà Nội

Hà Nội, phố cổ, phở Hà Nội, người Hà Nội
Một góc phố cổ HN. Ảnh: giadinh.net.vn

Chưa có nơi nào ở Việt Nam mà người dân hay sử dụng cụm từ “nhà quê” nhiều như ở Hà Nội. Thôi thì có cả trăm, nghìn lí do khiến cho cụm từ này được lặp đi lặp lại ở mảnh đất nghìn năm văn hiến này, từ việc bạn va chạm giao thông mà đi xe mang biển tỉnh lẻ, hay vào chợ Hôm và trả giá một món hàng quá thấp cho đến việc bạn không biết cách sử dụng một thiết bị hay phương tiện nào đấy.
Vấn đề này đã phần nào giảm đi rất nhiều trong những năm gần đây do yếu tố kinh tế, nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng trong sâu thẳm tâm hồn của nhiều người Hà Nội và trong mắt họ, những người đến từ các tỉnh/thành khác dù có thành công như thế nào, làm nghề gì hay giàu có ra sao thì họ vẫn là người nhà quê chỉ đơn giản vì những người này có thể chưa hay không thể hiểu được cái tinh túy, cái thâm sâu và cốt cách và phong thái của người Hà Nội.
Tuy nhiên nếu được yêu cầu chỉ ra hay chứng tỏ cho thiên hạ thấy rằng mình đang sở hữu các tinh hoa kia như thế nào thì đa phần lại họ (người Hà Nội) không làm được.
Trong bài viết về “Bát phở” và dịch vụ “đuổi khách” của mình gần đây, tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến về việc tôi “không hiểu gì” về văn hóa hay phong cách “ẩm thực” của người Hà Nội cả, nhưng những người đưa ra các nhận xét này lại không thể đề cập hay nói lên được các tiêu chí hay nguyên tắc cần có để làm nên một văn hóa ẩm thực Hà Nội đặc sắc và cái mà tôi không hiểu, không biết ở đây là gì (thực tế trong bài đó tôi chỉ bàn về vấn đề dịch vụ chứ không hề nói về chất lượng của bát phở nơi đây).
Có thể nói rằng nhiều người Hà Nội hiện nay đang cố níu kéo và bám vào cái quá khứ của mình (vốn dĩ họ cũng không rõ lắm) để duy trì vị thế (có vẻ ảo) và để biện luận cho khả năng kém thích nghi, không chịu hay không thể thay đổi của mình trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn với thế giới của đất nước ta. Việc nhiều người vẫn bảo vệ và chấp nhận ngồi chật, nóng nực và nhiều bất tiện khác để được thưởng thức một tô phở ngon của Hà Nội cho thấy sự bất lực của nhiều người Hà Nội trong việc tìm ra được giải pháp hữu hiệu góp phần thăng hoa và truyền bá cái hay cái đẹp của văn hóa Hà Nội ra bên ngoài. Thay vào đó họ chỉ ngồi hoài niệm về quá khứ huy hoàng và không hiểu rõ liệu mình có được bao phần cái cốt cách tinh túy và thanh lịch của người Hà Nội xưa – một cộng đồng chỉ có khoảng 132.000 người vào những năm 1940s nhưng gần 2/3 trong số đó (khoảng 80.000 người) đã rời bỏ mảnh đất này để di cư vào Nam hay sang các nước khác trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1954 do hệ lụy của chiến tranh.
Việc người Hà Nội hay phân biệt giữa “phố” và “quê” đã khiến cho rất nhiều dân “nhà quê” lên Hà Nội sinh sống luôn cảm thấy bị phân biệt, đối xử và bị coi thường. Nhiều người trong số này thay vì việc cần chứng tỏ giá trị “nhà quê” của mình để có thể ngẩng cao đầu nơi thành thị thì họ lại đi chọn giải pháp bắt chước để thành người Hà Nội, để đỡ bị mang tiếng là nhà quê. Họ nhanh chóng quên đi cái gốc, gác của mình và để chứng minh rằng mình đã thực sự có đủ “chất phố” làm công dân Hà Nội, họ sử dụng rất hiệu quả cụm từ “nhà quê” và tự đặt mình vào vị thế cao hơn so với những người nhà quê khác. Đối với nhóm người này (chiếm rất nhiều dân số nội thành Hà Nội hiện nay) họ sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ “Hà Nội” của mình mỗi khi bị người địa phương khác đả kích hay phê phán về một vấn đề gì đó!
Khi nói tới dịch vụ ở Hà Nội, người ta hay lấy Sài Gòn ra để so sánh và hiển nhiên ai cũng thấy sự khác biệt quá lớn giữa hai TP này. Người Hà Nội thường hay đổ lỗi cho sự xuống cấp về văn hóa và dịch vụ của mình do người nhà quê nhập cư gây ra. Xét về quy mô và cơ cấu dân số hiện nay thì rõ ràng là tỷ lệ người nhập cư của Sài Gòn cao hơn rất nhiều so với Hà Nội. Vậy tại sao văn hóa hay dịch vụ ở Sài Gòn lại không bị xấu đi mà thậm chí còn đi lên?
Theo tôi cái cốt lõi ở đây chính là Người Miền Nam, do thừa kế từ tổ tiên – những người đi mở cõi khi xưa, tính phóng khoáng, hào hiệp và rộng lượng, cộng với sự ưu đãi của thiên nhiên nên họ dân dã hơn, thân thiện hơn và cũng hào phóng hơn. Chính các tính cách này đã góp phần làm những cộng đồng, xã hội có tính dung nạp cao. Khi những người nhập cư đến đây, họ không hoặc ít cảm thấy bị phân biệt đối xử từ người bản địa, khiến cho quá trình hội nhập được xảy ra nhanh hơn và triệt để hơn.
Một khi đã trở thành công dân nơi đây, họ sẽ tự nguyện học hỏi những cái hay, cái phải của người dân bản địa và tự bản thân loại bỏ dần các thói quen không có lợi hoặc các tính cách xấu.
Vậy tại sao Hà Nội lại thua trong vấn đề này? Xin thưa, chính cũng bởi hai từ “dung nạp” nhưng là dung nạp kém! Người Hà Nội thường cho rằng mình “phố” hơn, văn minh hơn nên cũng kém thân thiện hơn. Điều này tạo nên một hố sâu vô hình ngăn cách họ với những người nhập cư, khiến cho xã hội nơi đây rất dễ bị phân hóa và tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn.
Khi những người nhập cư thấy mình không được coi trọng và bị đánh giá thấp, tính phản vệ trong mỗi con người sẽ tự nhiên xuất hiện. Thay vì hội nhập sâu hơn vào xã hội, cộng đồng nơi phố thị, ở họ rất dễ nảy sinh tâm lý “ừ thì tôi là người nhà quê và dù sao đi nữa tôi cùng không trở thành người phố được nên tôi sẽ sống theo đúng những gì là nhà quê”. Hệ quả của vấn đề này chính là sự lép vế của văn hóa Hà Nội trước văn hóa của nhiều cộng đồng nhập cư và dần dần đánh mất đi bản sắc của mình khiến cho không ai còn có thể nhận ra một Hà Nội xưa nữa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta không thể sống co cụm và tách biệt với thế giới dựa vào niềm tự hào quá khứ. Trong khi cần bảo tồn và phát huy các giá trị Việt cùng sự đa dạng về văn hóa ở các cấp và quy mô khác nhau, chúng ta cũng cần phải mạnh dạn học hỏi tiếp thu những cái hay, cái tốt từ các cộng đồng khác, địa phương khác và sẵn sàng điều chỉnh/ thay đổi cho phù hợp với bối cảnh của mình. Phở Hà Nội cũng sẽ cần phải được định vị lại trên bản đồ thế giới thông qua các cải cách về chất lượng và dịch vụ.
Để làm được điều này, thiết nghĩ người Hà Nội cần lắng nghe nhiều hơn, tiếp thu lấy cái hay, cái văn minh của ngươi khác, hòng chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai đầy thử thách nhưng cũng chính là thời cơ để những bát phở mang thương hiệu HN đến với năm châu.
Được như vậy thì những tinh túy và đẹp đẽ của văn hóa Hà Nội xưa chắc sẽ sớm quay về!
THEO VIETNAMNET

No comments:

Post a Comment