Tuesday, August 19, 2014

Đã có 40 trường hợp tử vong do bệnh dại


Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 40 ca tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, thành phố, nguyên nhân của các trường hợp tử vong trên là do người dân sau khi bị chó cắn chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Hiện có 31,3% người dân chủ quan cho rằng khi bị chó nhà cắn mà vẫn thấy chó bình thường nên không cần tiêm; 25,2% không rõ nguyên nhân; 19% không hiểu biết về bệnh dại; 12% là do trẻ nhỏ không nói khi bị cắn... .
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết: Bệnh dại đang có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố; trong đó chủ yếu là vùng nông thôn. Nguyên nhân là do sự hiểu biết hạn chế của người dân về bệnh dại nên không đi tiêm phòng khi có nguy cơ mắc bệnh; hoạt động phòng chống bệnh dại chưa đáp ứng được mục tiêu phòng chống bệnh, đặc biệt là công tác truyền thông...
Để làm tốt công tác phòng chống bệnh dại, cần làm tốt công tác truyền thông và giáo dục; thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó; giảm thiểu người tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại; rửa và sát trùng vết thương sau cắn và tiêm phòng cho người bị cắn; tăng cường giám sát và thực hành chính sách pháp luật phòng bệnh.
Trong thời gian tới, Chương trình phòng chống bệnh dại tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại, cách phòng chống bệnh dại, đặc biệt là tại 10 tỉnh trọng điểm và một số tỉnh mới nổi có số mắc cao. Bên cạnh nâng cao chất lượng hệ thống giám sát bệnh dại ở người cũng như chất lượng các điểm tiêm vắc xin phòng dại ở người phù hợp với nhu cầu của người dân; các địa phương tăng cường tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại đối với người bị động vật cắn...
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết (thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại). Hầu hết các trường hợp bị nhiễm vi rút dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại; đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như chăm sóc súc vật bị dại, chế biến thực phẩm từ súc vật bị dại, làm tại các phòng thí nghiệm có vi rút dại, ghép phủ tạng của người bị bệnh dại. Khi người hay động vật đã bị bệnh dại thì 100% trường hợp đều tử vong với những triệu chứng thảm khốc.
Hàng năm, chiến dịch tiêm phòng bệnh dại cho chó được tiến hành thành 2 đợt gồm: đợt 1 (tháng 3 - 4) và đợt 2 (tháng 9 - 10) và hàng tháng tiêm bổ sung cho chó mới lớn hoặc mới mua về. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt từ 50 - 60% tổng đàn.
Theo Minh Hải

No comments:

Post a Comment