(Dân trí) - Trong lúc Bộ Y tế đang tìm cách rút ngắn thủ tục khám chữa bệnh thì nhân viên bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương yêu cầu bệnh nhân phải đóng 100 nghìn đồng .
Sáng 19/8, sau khi nhân viên bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương yêu cầu phải đóng thế chân 100 nghìn đồng vì Bảo hiểm Y tế chỉ còn hạn sử dụng 1 tháng, bà Nguyễn Thị H. (52 tuổi, ngụ tại TPHCM) không khỏi ngạc nhiên. “Họ yêu cầu tôi đóng tiền thế chân, sau khi nhận thuốc, tính tiền thì cầm theo hóa đơn đến nhận lại tiền. Tôi chẳng hiểu sao họ làm như vậy, nhưng rõ ràng cách làm ấy khiến không chỉ tôi mà còn nhiều bệnh nhân khác phải chạy ngược chạy xuôi”.
\
Thủ tục khám chữa bệnh tại Cấp cứu Trưng Vương cần "gây khó" người bệnh
Nội dung bệnh nhân phải ánh đúng vào thời điểm ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng đoàn, đi khảo sát về quy trình khám chữa bệnh (theo Quyết định 1313 của Bộ Y tế về rút ngắn các thủ tục khám chữa bệnh) tại bệnh viện Quận 2 và bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương trên địa bàn TPHCM ngày 19/8.
Trước bức xúc của bệnh nhân, BS Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Khi bệnh nhân Bảo hiểm Y tế, khi đến khám bệnh, bảo hiểm không chi trả hoàn toàn chi phí, vì thế nhiều trường hợp thấy bảo hiểm sắp hết hạn, người bệnh nhận thuốc xong thì không thanh toán tiền ngoài phần được bảo hiểm chi trả mà bỏ luôn thẻ Bảo hiểm Y tế. Theo thống kê mỗi tháng bệnh viện thất thu cả chục triệu đồng chỉ vì sự thiếu trung thực của người bệnh, bất đắc dĩ chúng tôi mới đặt ra việc đóng tiền thế chân.
Cùng với việc người bệnh phải đóng tiền thế chân, bệnh nhân tham gia khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế tại bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương hiện vẫn phải photocopy giấy chuyển viện, chứng minh nhân dân và Bảo hiểm Y tế. Đồng thời, những bảng hướng dẫn về quy trình khám bệnh tại bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương còn quá nhỏ, khiến cho người bệnh bị “rối”.
Cũng theo ý kiến của BS Mỹ Duyên, trước đây một số trường hợp bị sai mã số thẻ nên phía Bảo hiểm Xã hội yêu cầu người bệnh phải photocopy các giấy tờ có liên quan để thuận lợi cho việc thanh toán bảo hiểm. Tuy nhiên, bệnh nhân là người phải tự túc giấy tờ và chi phí cho việc photocopy.
Ông Cao Hưng Thái đánh giá cao những "đột phá" tại bệnh viện Quận 2
Trước những tồn tại ở bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, ông Cao Hưng Thái đề nghị bệnh viện phải báo cáo các khó khăn (nếu có) lên Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế để tìm hướng giải quyết. “Bệnh viện cần nghiên cứu hướng giải quyết khó khăn khi thực hiện các bước khám chữa bệnh cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất những phiền hà, đáp ứng nhu cầu và mang lại sự hài lòng cho người bệnh; rút ngắn quy trình trả kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh”.
Về những bước cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân của hai bệnh viện được kiểm tra, ông Cao Hưng Thái đặc biệt đánh giá cao những “sáng kiến và đột phá” tại bệnh viện Quận 2. “Bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở thêm bàn khám bệnh… giúp đơn giản hóa các quy trình khám chữa bệnh. Hầu hết bệnh nhân tại bệnh viện Quận 2 được chúng tôi khảo sát ý kiến tại chỗ khi đi kiểm tra đều hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh của y bác sĩ và nhân viên y tế”.
Cũng theo ông Cao Hưng Thái, tại bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, cùng với một số tồn tại liên quan đến thủ tục khám chữa bệnh. “Sau chuyến khảo sát thực tế, chúng tôi sẽ có những kiến nghị lên Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan để tăng cường đầu tư cho bệnh viện. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ làm việc với Bảo hiểm Xã hội, tìm giải pháp mới đơn giản hơn để “gỡ rối” cho những tồn tại khi người dân khám bệnh bằng Bảo hiểm Y tế. Việc yêu cầu người bệnh photocopy giấy các giấy tờ gây thủ tục phiền hà cần phải sớm chấm dứt”.
Vân Sơn
No comments:
Post a Comment