Wednesday, August 13, 2014

Về vụ biểu tình của người Khmer Krom



quockivn
BBC nói là họ tìm cách liên lạc với sứ quán VN để tìm hiểu thêm vấn đề này mà không được. Theo tôi thì BBC nên hỏi ý kiến của TS Vũ Quang Việt và Giáo sư (Harvard) Tạ Văn Tài thì biết nhiều hơn.
Người Kampuchia Khrom biểu tình không phải là điều mới. Năm 1949, lúc Quốc hội Pháp quyết định trả Nam Kỳ cho ông Bảo Đại (thay vì cho Sihanouk), thì người Khmer bắt đầu chống VN. Dưới thời VNCH họ đã đòi tự trị này khác, cũng có lúc nổi loạn « cáp duồn », tức cắt đầu người Việt, nhưng chính trị VNCH lúc đó không đàn áp khắc khe, do đó không có việc đáng tiếc xảy ra (như cuối năm 1978). Nguyên nhân họ biểu tình là họ đòi « quyền lịch sử » của « dân bản địa » ở các vùng đất ở miền Nam (như Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Châu…), nơi có nhiều dân Miên sinh sống.
Các quyền về văn hóa và lịch sử của người « dân bản địa » được LHQ bảo trợ. Theo đó nhà cầm quyền phải tôn trọng văn hóa cũng như tín ngưỡng đặc thù của họ. Vấn đề hôm nay, sự chống đối của những sắc dân « bản địa » bùng nổ mạnh hơn, như các vụ nổi loạn của dân Mèo ở Mường Nhé hay người Thượng (Déga) ở cao nguyên. Đương nhiên nguyên nhân là do chính sách hà khắc, đàn áp người thiểu số của nhà cầm quyền CSVN. Chính sách hà khắc này không làm ai ngạc nhiên, vì đến người dân miền nam (tức dân VNCH cũ) cũng bị phân biệt đối xử, huống chi là các sắc dân thiểu số như người Hoa, hay các sắc dân « bản địa » như Chăm, Miên, Thượng, Nùng, Dao, Mèo…
Nhìn lại lịch sử, miền Trung là đất của người Chăm, miền Nam là của người Miên. Vùng đất Tây nguyên (Hoàng triều cương thổ) chỉ mới sáp nhập vào VN chưa đến một thế kỷ.
Di sản của thực dân Pháp để lại, bỏ qua những cái xấu xa của thực dân, thì còn những cái tốt không thể chối bỏ như về văn hóa, về công trình xây dựng hạ tầng cơ sở… Điều quan trọng nhất của di sản thực dân Pháp, theo tôi là vấn đề lãnh thổ. VN có được một lãnh thổ rõ ràng, được quốc tế nhìn nhận (độc lập, thống nhất ba miền Trung, Nam, Bắc).
Vừa rồi Tiến sĩ Vũ Quang Việt và Giáo Sư Tạ Văn Tài có bài viết trên trang Bô Xít cho rằng, chiếu theo Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 , thì Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, « với tư cách là quốc gia kế tục có thể bác bỏ các hiệp ước về lãnh thổ bất bình đẳng hoặc do sức ép mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải chịu nhận. »
Tôi không biết hai vị Tiến sĩ và Giáo sư (Harvard) có thuyết phục được nhà nước VN lên tiếng « bác bỏ » các hiệp ước về lãnh thổ « bất bình đẳng » với TQ hay không. Nhưng trước mắt, « quả báo nhãn tiền », người Khmer có thể vịn vào bài viết này để lên tiếng đòi VN trả lại đất. Không phải là những những « quyết định hành chánh » sáp nhập, trao đổi đất đai các miền thuộc Indochine của nhà cầm quyền thực dân thời trước là « bất bình đẳng » hay sao ?
Nay mai người Chăm, người Thượng v.v… cũng có thể vịn vào « nghiên cứu » của hai vị học giả này để đòi VN trả đất. TQ cũng có thể vịn vào để tuyên bố hiệp ước Thiên Tân 1885 (giữa Pháp và nhà Thanh) là một hiệp ước bất bình đẳng. VN vì vậy vẫn là một « thuộc quốc » của Tàu.
Phước đức tám đời cho dân VN là « nghiên cứu » của hai học giả này sai bét. Tức là, Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 không hề nói như các học giả đã nói. Công ước này qui định : việc kế thừa giữa hai quốc gia không được làm thay đổi đường biên giới được thiết lập trước đó bằng một hiệp ước, cũng như vi phạm đến bất kỳ nội dung điều ước nào có liên quan đến quyền và nghĩa vụ (của quốc gia tiền nhiệm) đã ký kết về chế độ của biên giới.
Tức là dân Khmer Khrom biểu tình này kia là một vấn đề « chính trị », do phe phái nào đó (chống VN) giật dây, chứ không phải là một vấn đề do lịch sử để lại.
Theo FB Trương Nhân Tuấn

No comments:

Post a Comment