Nước nào cũng có luật lệ. Không đặt ra luật thì lộn xộn lắm. Nhưng nhiều luật quá thì không tốt. Chính phủ mới ở Ấn Ðộ đang tính sẽ giảm bớt các luật lệ ràng buộc giới kinh doanh, đặc biệt là những xí nghiệp, cửa hàng nhỏ. Giảm bớt luật cho người làm ăn thì chắc chắn kinh tế sẽ khá hơn. Còn một lý do nữa: Luật càng nhiều, càng khó khăn thì càng nuôi tham nhũng. Bởi vì một điều luật nào đặt ra cũng giới hạn quyền hành động của một số người; tự nhiên phải ban thêm quyền thi hành luật cho một số người khác, từ luật đổ rác tới luật đi đường, luật bảo hiểm y tế hay luật ngân hàng, vân vân.
Tôi mới đọc, đọc lại, cuốn sách kể chuyện nước Tàu cộng sản, nước Trung Hoa của Jan Wong, tác giả là Jan Wong, tên cô đầy đủ, đọc theo lối Hán Việt là Vương Quý Minh. Có một chuyện cũ nhưng vẫn rút được ra bài học về tham nhũng lạm quyền.
Jan Wong đã sống ở Bắc Kinh hai lần, lần đầu làm một sinh viên, lần sau là nhà báo, mỗi kỳ lâu năm, sáu năm. Năm 1999 cô trở lại Trung Quốc trong khi vẫn bị cấm từ năm 1996 vì viết cuốn Red China Blues. Cô may mắn qua mắt được trạm kiểm soát biên giới ở Hồng Kông nhờ khi làm lại passport (hộ chiếu) cái tên cô đã được vị thư ký nào đó vô tình viết theo cách khác. Người Tây viết tên Tàu (hay Việt) thường lẫn lộn tên với họ, chữ nào trước, chữ nào sau, lại thêm tên đệm! Chuyến du hành bí mật này được cô viết thành sách: Jan Wong's China. Trong chương 12 cô kể kinh nghiệm những người học lái xe hơi ở Bắc Kinh.
Năm 1981 chỉ có 20 chiếc ô tô của tư nhân ở Bắc Kinh, năm 1999 đã có hơn triệu rưỡi xe, cả công và tư chia nhau mặt đường cùng với hơn sáu triệu chiếc xe đạp. Ðiều kinh hoàng là ở Bắc Kinh có một triệu người mới lái xe lần đầu trong đời. Tất nhiên, mở trường dạy lái xe là một việc kinh doanh hái ra tiền. Chính quyền đã làm luật: Nếu không “tốt nghiệp” từ một trường dạy lái thì không được dự thi lấy bằng lái xe.
Nghe điều kiện này, chắc quý vị nghĩ đó là chuyện thường tình; nhiều nước trên thế giới chắc cũng có luật tương tự. Một số nước có thể cho ai muốn tự học lấy cứ nhờ người chỉ, rồi tự ghi tên thi; còn ai muốn đi học lái thì trả tiền nhà trường chứ không bắt buộc.
Khi nhà nước bắt phải làm một điều gì, ghi thành luật lệ, thì sinh ra nhiều chuyện lắm. Luật lệ ở Bắc Kinh bắt đi học, vậy phải học bao lâu người ta mới được đi thi bằng lái xe? Cô Jan Wong sinh trưởng ở Canada, cô cho biết tại tỉnh Québec cô phải học lái xe 12 tiếng đồng hồ mới đủ sức đi thi. Còn ở Bắc Kinh thì sao? Thưa, từ bốn tháng tới sáu tháng! Tới sáu tháng? Thưa vâng, nếu quý vị may mắn. Vì nếu thi rớt lần thứ ba, thí sinh bắt buộc phải đi học lại từ đầu, thêm sáu tháng nữa! Có một trường, của công ty Toyota, mở lớp luyện thi cấp tốc, trong hai tháng!
Quý vị có thể nghĩ oan, kết luật rằng người Trung Hoa bẩm sinh khó học lái xe cho nên phải mất đến sáu tháng mới tập lái xe được, trong khi người Canada chỉ tập mất 12 giờ. Bởi vì ở Ðài Loan, cũng là người Trung Hoa mà họ không mất nhiều thời giờ như vậy. Dân Ðài Loan có thể xin một “Bằng lái xe tập sự,” được phép lái ở trong khu thực tập và một số đường có giới hạn, sau ba tháng đến thi lấy bằng chính thức. Sở Xe Tự Ðộng (giống như DMV ở Mỹ) còn khuyên người ta “đi học ở trường cũng được, nhưng rất tốn tiền và tốn thời giờ.” Trong lục địa Trung Hoa Cộng Sản, phải học một trường lái xe, dự một kỳ thi viết của nhà trường. Bài thi có 100 câu hỏi, đáp trúng 90 câu mới đậu, sau đó mới được đi thi với nhà nước.
Cho nên cô Jan Wong kể chuyện một cô bạn đi học lái xe, rất vất vả. Sáng dậy sớm, tới trường, việc đầu tiên là lau rửa xe cho thầy, bằng tay tất nhiên. Sau đó, pha trà mời thầy xơi. Cảnh này làm tôi nhớ hồi sáu, bẩy tuổi đi học chữ Nho. Bài học đầu tiên là “sái, tảo, ứng, đối.” Nghĩa là quét dọn, thưa gửi. Chúng tôi đã quét nhà, trải chiếu, lau bàn, rửa ấm, tách, đu nước, pha trà, rồi mời thầy ra phòng học. Té ra người Trung Hoa là cộng sản mà vẫn giữ nền nếp cũ! Khi thầy bắt đầu dạy lái xe, bốn cô học trò cùng lên xe với thầy, ba cô ngồi sau, có dịp nghe thầy giảng, lại thực hành đúng câu: Học thầy không tày học bạn. Cứ như thế, học năm ngày mỗi tuần. Nhiều buổi thầy cho ba cô về sớm, chỉ giữ một cô lại học riêng với thầy.
Một anh bạn khác của Jan Wong, anh này là một ký giả, cho biết trong tháng đầu tiên anh chỉ học luật đi đường thôi. Trong hai tháng tiếp theo, học về bộ máy của cái xe. [Hay thật. Mình không được sống ở Bắc Kinh, lái xe cả đời vẫn không để ý trong xe nó có cái máy, cũng chẳng bao giờ biết vì sao cái máy nó lại làm cho xe chạy được, lái được. Ðúng là đồ vô học.] Riêng một tháng thứ tư, học sinh được dạy cách đậu xe. [Bây giờ mới nghĩ ra, thảo nào mà mình cứ hay bị phạt vì đậu xe! Chỉ vì không được học!] Tới tháng thứ năm, anh nhà báo này mới được “ra đường.” Nhưng nhà trường thiếu xe nhỏ, anh được tập với chiếc xe vận tải hai tấn. Anh bạn của Jan Wong (tôi đoán tên là Giang Thiệu Vi) may mắn, là người duy nhất lên bảng vàng ngay lần thi đầu (nhà báo chắc phải thông minh lắm), năm người bạn cùng lớp trúng cách lần thi thứ nhì, hai người chót lần thứ ba mới đậu.
Cứ theo câu chuyện này thì thấy người Trung Hoa theo chế độ cộng sản mà vẫn giữ được nhiều nếp cũ. Thứ nhất là coi việc giáo dục là quan trọng, đi thi bằng lái xe mà mất sáu tháng chứng tỏ người ta kính trọng việc học đến thế nào. Thứ nhì là họ vẫn kính trọng thày, không thày đố mày làm nên. Khác hẳn đám sinh viên ở Canada. Trong mười lăm năm làm việc ở đó, mỗi khóa tôi đều phải phát giấy cho sinh viên dùng để chấm điểm thầy, niêm kín, nộp cho ban giám hiệu.
Nhưng bất cứ người dân nào ở Canada, hay ở Mỹ, nếu bắt họ phải tới trường học lái xe như người dân Trung Hoa rồi mới được thi lấy bằng, người ta sẽ biểu tình phản đối ngay. Bởi vì một điều luật như vậy giới hạn quyền tự do của người dân “một cách vô ích.” Nếu họ tập lái xe trong vòng 12 giờ cũng được, tại sao bắt người ta phải tới trường học mấy tháng? Tại sao lại quy định phải được nhà trường chấm đậu rồi mới được đi thi thật? Riêng một điều luật cỏn con đó thôi cũng đủ sinh ra bao nhiêu thứ nhũng lạm. Bởi vì nó ban cho một số người thêm “quyền khảo hạch” các công dân khác trong xã hội. Khi đã nắm được một món quyền hành nào đó trong tay, người ta sẽ nghĩ ra ngay cách lạm dụng!
Một bản tin Reuters cho biết người đi học lái xe ở Bắc Kinh vào năm 2012 phải trả 8,000 đồng Nguyên, tương đương với 1,300 Mỹ kim. Trong năm 2011, nhà nước phát gần 23 triệu bằng lái xe mới, đây là một ngành kinh doanh trị giá gần 24 tỷ Mỹ kim! Một trường dạy lái xe ở Bắc Kinh mỗi năm sản xuất 10,000 cái bằng, số thu hơn hơn 10 triệu đô la! Với các kỳ thi ngặt nghèo như vậy, khi ra trường các thí sinh sẽ sống với thực tế phũ phàng: Người lái xe thật chẳng ai quan tâm đến luật lệ! Trong năm 2010, báo cáo chính thức của nhà nước Trung Cộng cho biết có 3 triệu 900 ngàn tai nạn, chết hơn 65 ngàn người và 254 ngàn người bị thương tật. Ở Mỹ, dân ít hơn nhưng xe nhiều hơn, trung bình mỗi năm 37,000 người chết vì đụng xe, và hơn 2 triệu người bị thương, cũng không khác bao nhiêu.
Nhưng điều đáng chú ý, là luật lệ về thi bằng lái xe ở Trung Quốc đã tạo ra một tầng lớp nắm đặc quyền: các trường và các ông thày dạy lái xe. Nhờ một điều luật thôi, họ có một nguồn lợi lớn, và nắm quyền “sinh sát” bao nhiêu người khác trong tay, trong đó có các cô cậu đi học lái xe. Quyền hành sinh ra nhũng lạm; quyền tuyệt đối đẻ ra nhũng lạm tuyệt đối. Câu này ai cũng biết, nhưng khi nghe kể chuyện đi học để thi bằng lái xe ở Bắc Kinh chúng ta thấy một thí dụ cụ thể. Cô Jan Wong còn kể nhiều chuyện cô bí mật ghi lại trong chuyến lẻn vào thăm nước Trung Hoa năm 1999.
Jan Wong sinh ra ở Montréal, Canada. Gia đình khá giả, ai cũng biết những “tửu lâu,” tức là tiệm cơm Tàu do cha cô làm chủ, từ giữa thế kỷ 20. Lúc đang học Ðại Học McGill, cô đọc báo thấy sinh viên Trung Quốc làm Cách Mạng Văn Hóa, thích quá, tự ý xin vào Bắc Kinh Ðại Học. Rồi tham gia Hồng Vệ Binh. Rồi vỡ mộng. Trở về nhà, cô lại đi học nghề báo (Ðại Học Columbia), rồi được báo Globe and Mail cử sang Bắc Kinh. Trong dịp đó cô lại được chứng kiến (trước mắt) cảnh sinh viên, công nhân bị tàn sát tại Thiên An Môn. Cô đếm, theo lối học từ trường báo chí, kết luận có ít nhất 3,000 người bị giết.
Một người bạn ở Montréal tặng tôi cuốn Jan Wong's China từ hơn 10 năm trước, có lần tôi đã trích thuật mấy chuyện trong sách khi viết mục này. Tuần trước, tôi đang đứng trước cửa thư viện xã Fountain Valley thì gặp nhạc sĩ Võ Tá Hân. Trò chuyện với nhau bên cạnh mấy kệ bày sách cũ, giá một đô la mỗi cuốn, tôi chợt trông thấy cái bìa cuốn sách quen quen, đọc tên thì nhận ra: Jan Wong's China. Tôi rút cuốn sách ra, giới thiệu với Võ Tá Hân: Nên đọc cuốn này, hay lắm, mình đã đọc cuốn này rồi. Ðã có một cuốn rồi, lâu lắm không nhớ để đâu nữa. Hân nói anh cũng để ý, vì ngó cái bìa cuốn sách thấy ló hình một anh cán bộ. Mở cuốn sách coi, Võ Tá Hân bảo tôi: Anh đọc thử trang này đi. Nhìn mới thấy, trên trang đầu có hàng chữ đề tặng, tặng cho tôi, với chữ ký của Trần Tuấn Dũng, Montréal! Mang cuốn sách về nhà, đọc lại, vẫn thấy có nhiều chuyện lý thú. Bởi vậy mới có câu chuyện kể hầu quý vị hôm nay.
[Nhân tiện, xin kể thêm một chuyện ngoài lề. Tháng trước, tôi cũng thấy ở trước cửa viện xã Fountain Valley một cuốn sách History of Mathematics của David Eugene Smith. Nhìn gáy sách quen quen, tôi nhớ mình đã có một trong hai cuốn của bộ này, đọc đi đọc lại không chán. Ðây là cuốn số hai, chắc ở nhà mình đã có cuốn số một. May quá, bèn thỉnh về! Về nhà, mở coi, mới thấy những trang có đánh dấu vạch vàng, vạch xanh, đỏ, rất quen. Coi nội dung thì nhận ra cuốn này mình đã có rồi. Cuối cùng, lại thấy cả những hàng chữ bên lề trang sách, viết bút chì, mới nhận ra đây chính là chữ mình viết. Không hiểu ai mượn rồi quên trả, cuốn sách đã lưu lạc, được đem tặng thư viện, rồi lại có dịp trở lại nhà mình! Phải cảm ơn tất cả những người tặng sách cũ cho thư viện. Tôi vẫn ghi một câu của Anatole France, mà không chịu áp dụng. France nói: Ðừng cho ai mượn sách. Hãy coi gương tôi: Trong tủ sách của tôi toàn là sách mượn.]
08-12- 2014 6:46:17 PM
Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment