Wednesday, August 13, 2014

Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên có bị đánh tráo?

Phối cảnh ga metro Suối Tiên và depot thuộc tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.Courtesy TBKTSG
 Hòa Ái, phóng viên RFA 2014-08-13
Người dân ở phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM vừa làm đơn gửi đến các cơ quan đại diện của chính phủ Nhật Bản tố cáo có sự đánh tráo và tham nhũng trong dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được tài trợ bởi nguồn vốn ODA.

Không công khai minh bạch

Hôm 27/7/14, hàng trăm hộ dân ở khu phố 1, khu phố 5 và khu phố 6 thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM làm đơn tố cáo tập thể gửi đến Thủ tướng và Quốc hội Nhật Bản thông qua các cơ quan đại diện chính phủ Nhật gồm Đại sứ quán Nhật Bản và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại VN cùng với cơ quan truyền thông báo chí-tờ The Yomiuri Shimbun cũng như cơ quan Japan International Cooperation Agency Nhật Bản (JICA), là cơ quan chịu trách nhiệm dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.
Trong đơn tố cáo tập thể này, người dân tố cáo tham nhũng-tiêu cực của Ban bồi thường Quận Thủ Đức không áp dụng chính sách dự án xây dựng tuyến Metro số 1, Bến Thành-Suối Tiên, có nguồn vốn ODA. Tất cả hộ dân ở khu phố 1, 5 và 6 nằm trong danh sách đền bù giải tỏa thu hồi đất đai-nhà cửa bị đánh tráo sang dự án khác với phương án khác, trái với quy định pháp luật mà VN và Nhật Bản đã ký kết.
Đi khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền thì nói là không lấn chiếm nữa, nói là xin ý kiến của UBNDTP gọi là đưa vào ‘đất xen cài khu dân cư’ mà chỉ nói bằng miệng thôi chứ văn bản thì không có.
-Bà Nguyễn Thị Vỵ
Người dân tố cáo Ban bồi thường Quận Thủ Đức không công khai minh bạch dự án có nguồn vốn ODA mà lại che giấu, ban hành phương án và đơn giá đền bù cho các quyết định thu hồi nhà đất chồng chéo vào dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội. Một số đông trường hợp hộ dân trong dự án bị đánh tráo này được báo giới ở VN phản ảnh Ban bồi thường Quận Thủ Đức đền bù nhà đất với giá rẻ mạt, không thể tái thiết cuộc sống mà chỉ dẫn đến đói nghèo cơ cực.
Đài RFA liên lạc với một trong những nạn nhân nói trên là bà Nguyễn Thị Vỵ, bà cho biết:
“Đất ở từ xưa tới giờ mà Nhà nước cứ nói là lấn chiếm. Đi khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền thì nói là không lấn chiếm nữa, nói là xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố gọi là đưa vào ‘đất xen cài khu dân cư’ mà chỉ nói bằng miệng thôi chứ văn bản thì không có. Hiện giờ 1.060,9 m2 đất của mình mà chỉ cho có 3 triệu 55 ngàn thôi. Uất ức quá! Nhiều người dân ở đây bức xúc chứ không phải 1 mình tôi. Cả tuyến đường xa lộ Hà Nội này gồm khu phố 1, khu phố 5, khu phố 6 ai cũng vướng vô cảnh 2 dự án chồng vô 1 dự án thôi”.
ef2d8_cac_tuyen_metro-250.jpg
Sơ đồ quy hoạch các tuyến metro tại TPHCM. Courtesy TBKTSG.
Bà Nguyễn Thị Vỵ bị cưỡng chế thu hồi toàn bộ đất đai nhà cửa vào ngày 30/9/11 trong hoàn cảnh bệnh tật, chồng chết, con trai đi bộ đội. Bà Vỵ buộc phải ký vào giấy không nhận số tiền bồi thường 3 triệu 55 ngàn đồng để đi khiếu nại vì tính theo đơn giá đúng quy định thì số tiền bồi thường bà nhận được khoảng gần 5 tỉ đồng trong dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, chưa tính đến dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên bị đánh tráo.
Không chỉ riêng bà Nguyễn Thị Vỵ mà rất nhiều hộ dân đã gửi đơn khiếu nại tố cáo khắp nơi nhưng không được giải quyết. Ông Phạm Văn Minh cho đài ACTD biết có đến 5 hộ trong gia đình ông bị cưỡng chế thu hồi nhà đất mà không được bồi thường giải tỏa theo dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên. Ông Minh kể lại:
“Chúng tôi cũng bị đánh tráo dự án. Chúng tôi cũng kiện ra tới tòa án 2 lần. Lần sơ thẩm thì bác đơn của chúng tôi và lần và lần thứ 2 cũng như vậy. Hiện giờ chúng tôi đang đi ở trọ. Nhà cửa, đất đai đã bị chính quyền địa phương quận Thủ Đức ban hành lệnh cưỡng chế”.

Vốn dự án này, thực hiện dự án khác?

Ông Minh phân trần phía tòa án nói quyết định thu hồi đất là đúng, chính sách ban hành giá đền bù của quận cũng là đúng nên phù hợp với chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên người dân kiện dự án bị đánh tráo, từ dự án có vốn ODA Nhật Bản mà bị đánh tráo qua dự án khác của TP.HCM mở rộng xa lộ Hà Nội. Họp báo thì nói dự án do Nhật đầu tư bằng nguồn vốn ODA, tới khi thực hiện thì lại là 1 dự án tên khác hoàn toàn xa lạ. Điều nghịch lý là người dân yêu cầu có quyết định đưa ra thì cơ quan chức năng quận Thủ Đức chỉ nói bằng miệng; người dân yêu cầu giải quyết đơn khiếu nại trước rồi mới cưỡng chế giải tỏa sau theo đúng trình tự pháp luật quy định nhưng chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế trước rồi nói giải quyết khiếu nại sau. Ông Minh nói thêm:
Chúng tôi trưng những giấy tờ chúng tôi đã làm như đóng tiền, yêu cầu cấp quyền sử dụng đất cho dân, rồi cơ quan tới vẽ, đo đạc đều do cán bộ địa phương hướng dẫn hết nhưng họ không cấp.
-Ông Phạm Văn Minh
“Tôi làm tổ phó ở đó, đi thu tiền của các hộ dân để làm ‘quyền sử dụng đất’ nhưng chính quyền họ không cấp. Khi có dự án thì ra lệnh cưỡng chế thu hồi đất. Còn trước đó thì dân chúng ở bình thường mà không cấp giấy quyền sử dụng cho dân. Điều này gây ngạc nhiên cho người dân: ở thì ở bình thường mà khi có dự án thực hiện thì thu hồi đất của dân. Ngay cả chúng tôi trưng những giấy tờ chúng tôi đã làm như đóng tiền, yêu cầu cấp quyền sử dụng đất cho dân, rồi cơ quan tới vẽ, đo đạc đều do cán bộ địa phương hướng dẫn hết nhưng họ không cấp và nói ngược lại là dân không có giấy tờ. Chúng tôi rất là thiệt thòi trong vấn đề này”.
Một số hộ dân trong danh sách hàng trăm hộ đồng ký tên trong đơn tố cáo tập thể mà đài RFA tiếp xúc đều chia sẻ đời sống của họ hiện tại rất khó khăn. Có hộ cầm tiền rồi thì toàn đi ở thuê, ở trọ, không có công ăn việc làm ổn định vì chỗ cũ của họ bị mất nên thu nhập bấp bênh. Còn những hộ không nhận tiền đền bù rẻ mạt thì thê thảm hơn. Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vỵ, nhờ một doanh nghiệp thương tình hoàn cảnh khốn khó cho che tạm mấy tấm tôn cũ bên hông vách tường của công ty làm nơi trú ẩn mưa nắng qua ngày hay trường hợp của gia đình ông Phạm Văn Minh không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bị mất. Trước đây thu nhập khoảng 20 triệu/tháng nhờ vào kinh doanh bằng mặt bằng. Bây giờ thu nhập chỉ khoảng 3,4 triệu mà thôi.
Các hộ dân ở 3 khu phố thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức than phiền hết cấp này đến cấp khác ở VN bác đơn khiếu kiện của họ. Giờ đây, họ chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng ở chính phủ Nhật Bản có thể giúp họ vì họ tin vào lời phát biểu của trưởng đại diện JICA rằng “đồng vốn ODA của Nhật Bản dành cho VN là do nhân dân Nhật đóng thuế mà có nên rất quý báu. Do đó, hy vọng chính phủ VN sẽ sử dụng một cách hiệu quả những những đồng vốn này”.

No comments:

Post a Comment