Wednesday, August 13, 2014

Ra tòa mà phản cung, cũng không ăn thua vì...ngoan cố!

VIẾT CƯỜNG 13/08/14 07:00
(GDVN) - Để tránh bị nhục hình, một số nghi phạm cứ khai bừa với điều tra viên vì không có luật sư giám sát. Ra tòa, họ phản cung, nhưng hậu quả chỉ thêm tệ...

Mới đây, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có đề xuất không nên để cho cơ quan điều tra tiếp tục quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ mà nên giao cho Bộ Tư Pháp.

Theo ông Khiển thì việc này cũng đã có chủ trương từ lâu và từng được nhiều cấp có thẩm quyền đưa ra để bàn bạc.

Nguyên nhân là ông Khiển thấy thời gian gần đây nạn truy bức, mớm cung nghi phạm, bị can dường như có xu hướng gia tăng. Cơ quan điều tra thì vừa điều tra, vừa bắt giữ, vừa tạm giam nên "công an có làm gì nghi phạm trong trại không thì rất khó biết" - ông Khiển nêu quan điểm.


Ông Vũ Đức Khiển. Ảnh VIẾT CƯỜNG

Ông Khiển cho rằng, việc truy bức, mớm cung xuất phát từ mong muốn hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan điều tra, nói thẳng ra là vì thành tích. “Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và những người khác cũng do điều này thôi” – ông Khiển nói với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam.

Cũng theo ông Khiển, cách thức điều tra tội phạm là công khai. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm rồi thì sau đó tất cả những hoạt động của công an phải có người tham gia để chứng minh rằng hoạt động đó là khách quan.

“Theo quy định, bắt đầu khởi tố bị can là luật sư được tham gia rồi. Công an hỏi bị can thế nào thì phải có sự chứng kiến của luật sư. Và nếu làm được như thế chắc sẽ không có chuyện truy bức, mớm cung. Thế nhưng rất nhiều vụ công an không cho luật sư tham gia, họ dùng mọi cách để ngăn cản việc đó” – ông Khiển nói.

Vị nguyên là Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu ra một sự kiện gần đây, đó là buổi thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 30/7.

Theo ông Khiển, nhân dịp đó lẽ ra ông Lê Thúc Anh (Chủ tịch liên đoàn Luật sư - PV) phải nói được cái ý trên.

Cụ thể, ông Khiển cho rằng Liên đoàn Luật sư nên có ý kiến với Chủ tịch nước về việc tại sao trong luật đã quy định về quyền hạn của luật sư nhưng cơ quan điều tra không thực hiện.

“Ở tòa án, khi luật sư đưa ra những chứng cứ này khác để tranh tụng, lúc xin ý kiến kiểm sát viên duy trì công tố thế nào thì kiểm sát viên thường có câu quen thuộc là “tôi giữ nguyên quan điểm của tôi như trong cáo trạng”. Thế là xong, luật sư nói chán, cãi chán cũng không có tác dụng gì” – ông Vũ Đức Khiển nhìn nhận.

Ông Khiển cho biết, ông nói vậy để chứng minh rằng vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự là rất quan trọng. Có luật sư mới có thể hạn chế được việc truy bức, nhục hình, mớm cung. Thế nhưng quyền hạn đó lại đang bị làm mờ nhạt bởi một số cơ quan khác.

“Tại cơ quan điều tra bị can bị điều tra viên mớm cung, nhục hình để ép phải nhận tội. Đến khi ra tòa, bị cáo nghĩ rằng mọi việc sẽ được công khai với tất cả mọi người thì họ sẽ khai lại. Thế nhưng lúc khai thật tòa lại bảo “anh ngoan cố, chối tội”. Nói vậy thì khác nào bịt hết con đường sống của người ta rồi còn gì” – ông Khiển nhận xét.

No comments:

Post a Comment