Wednesday, August 13, 2014

Phát triển và bảo tồn có mâu thuẫn?

000_Hkg9232522.jpgMột minh họa về phát triển và bảo tồn không hòa hợp ở TPHCM-AFP photo
Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-08-12
Vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, để thi công đường xe điện ngầm, nhiều cây to ở trung tâm thành phố bị đốn hạ, tượng đài Trần Nguyên Hãn bị di dời. Tại Hà nội, hàng cây cổ thụ trên đường Láng cũng bị đốn hạ để thi công những công trình đô thị. Những việc này gây ra sự nuối tiếc, thậm chí chỉ trích của nhiều cư dân hai thành phố đó. Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu về việc này.
Kính HòaThưa Tiến sĩ, vừa rồi tại Thành phố HCM, để thi công đường xe điện ngầm, người ta đã di dời tượng Trần Nguyễn Hãn, đốn hạ cây xanh, việc này gây không ít lời tiếc nuối của người dân Sài gòn. Thưa Tiến sĩ phải chăng là có sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn?
TS Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi thì việc này phản ánh một tình trạng chung của việc phát triển đô thị, chứ không chỉ riêng thành phố HCM hay Việt Nam. Thế nhưng ở nhiều nước thì người ta đã có những biện pháp để giải quyết tốt hơn vấn đề này trên cơ sở lợi ích chung của cộng đồng.
Việc gần đây tại Sài Gòn và cả Hà Nội nữa, người ta chặt cây xanh, rồi di dời những tượng đài, đã trở thành một biểu tượng văn hóa của một đô thị. Người ta lấy lý do là để phát triển đô thị, muốn cho đô thị phát triển thì phải có một sự đánh đổi nào đấy. Tuy nhiên cái cách làm như vậy theo tôi không phải tối ưu, chúng ta vẫn có thể giải quyết tốt hơn thì vẫn có thể phát triển và bảo tồn những biểu tượng văn hóa của đô thị. Nhất là Sài gòn thì những biểu tượng này ít do lịch sử phát triển của vùng đất này chưa quá xa xưa.
Kính HòaTheo TS thì trong trường hợp này, để không làm bộc lên sự tiếc nuối của cư dân Sài gòn thì những người thực hiện dự án phải làm như thế nào?
TS Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi thì nên hướng đến cộng đồng, coi trọng vai trò của cộng đồng, của người dân. Giá như mà trước khi làm thì cơ quan quản lý có thông báo rõ ràng đến người dân, nói rõ cách làm thế nào để bảo tồn những gì là di sản văn hóa. Chứ không phải hôm nay thông báo rồi ngày mai làm, đụng chạm rất nhiều thứ của người Sài gòn. Mà cả ở Hà nội nữa, con đường Láng, người ta chặt những hàng cây rất là lâu năm.
Tôi thấy là như vậy là không tôn trọng cộng đồng cư dân ở đô thị.
Hài hòa phổ cổ Hội An
034_3335354-250.jpg
Một góc phố cổ Hội An với gánh hàng rong. AFP photo
Kính Hòa: Theo TS thì hiện nay ở Việt Nam có những nơi nào mà kết hợp được một cách hài hòa giữa sự phát triển và việc bảo tồn không?
TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi chưa thấy. Ít nhất là dưới con mắt người làm khoa học bảo tồn có những tiêu chuẩn nhất định. Tuy nhiên cũng có những nơi mà người ta làm theo đúng luật bảo tồn văn hóa di sản, tôn trọng cộng đồng và lắng nghe ý kiến các nhà khoa học. Mà việc bảo tồn này có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Tôi lấy ví dụ công trình Hoàng thành Thăng Long chẳng hạn. Nó nằm ở một vị trí rất là nhạy cảm. Thế nhưng mà các ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, của cả người Việt ở nước ngoài cũng được Chính phủ lắng nghe. Thế nên đã bảo tồn được một phần khá quan trọng đã được khai quật.
Tuy nhiên phần còn lại chúng tôi cũng phải có sự thỏa hiệp là đem hết hiện vật lên bảo tàng để phần đất dùng cho việc xây nhà Quốc hội. Hay là ở Sài gòn trước khi phát triển khu đô thị biển Cần Giờ, chính quyền cũng cho các nhà khoa học đi khảo sát hết vùng đất này để trả lời câu hỏi là nếu như xây dựng đô thị thì di tích khảo cổ nào có thể được giải tỏa, còn chỗ nào cần phải giữ lại. Đó là hai ví dụ cho thấy có sự dung hòa nhất định giữa việc bảo tồn và phát triển.
Hội An là một điển hình của việc bảo tồn tương đối tốt. Vấn đề đặt ra là việc bảo tồn Hội An là bảo tồn một không gian sống của cộng đồng cư dân Hội An, và sự phát triển của Hội An...
- TS Nguyễn Thị Hậu
Hội An là một điển hình của việc bảo tồn tương đối tốt. Vấn đề đặt ra là việc bảo tồn Hội An là bảo tồn một không gian sống của cộng đồng cư dân Hội An, và sự phát triển của Hội An không như những đô thị lớn như Sài Gòn hay Hà Nội. Hội An không hiện đại hóa lên. Nếu nói một cách nào đấy thì mâu thuẫn ở Hội An là mâu thuẫn giữa lối sống hiện đại của cư dân với việc bảo tồn lối sống với việc buôn bán nhỏ lẻ, bán hàng rong, v.v…
Chứ còn việc xây dựng và bảo tồn nhà cổ ở Hội An thì cả chính quyền và người dân đều có ý thức nên không bị việc xây mới phá hoại đô thị Hội An. Việc này là do công lao của chính quyền và người dân, bên cạnh đó không thể không nói đến những nhà khoa học nước ngoài như những nhà khoa học Ba Lan và Nhật Bản. Ngay từ khi mới bắt đầu nghiên cứu Hội An thì họ đã có những khuyến cáo rất là cẩn trọng. Ở đây cả ba phía, chính quyền, người dân, và các nhà koa học gặp nhau ở một điểm là bảo tồn Hội An như thế nào. Đó là bảo tồn lối sống, chứ không phải phát triển bằng cách phá đi hay thay đổi lối sống.
Nói chung ở Hội An thì tôi nghĩ sự bảo tồn là một thành công, nó không bị mâu thuẫn như Hà Nội hay Sài Gòn.
Còn ở Chợ Lớn thì phải nói là khu nhà cổ cũng bị tác động của quá trình đô thị hóa.
Tôi được biết là mới đây Thành phố HCM có thuê một công ty Tây Ban Nha làm dự án bảo tồn và đã được thông qua. Theo nhận xét chủ quan của tôi thì đây là một thiết kế bảo tồn kết hợp bảo tồn khu phố cổ với cộng đồng cư dân, bảo tồn ngành nghề, phát triển du lịch, đồng thời cũng có một phần hiện đại hóa lên tạo cơ sở vật chất cho phát triển du lịch. Tôi nghĩ là nếu Chợ lớn được bảo tồn theo hướng đó thì nó cũng phù hợp với sự phát triển của Thành phố HCM, vì Thành phố HCM không phải là một đô thị khép kín như Hội An cho nên cách bảo tồn phải có một phần hiện đại để phục vụ cho phần được bảo tồn thì tôi nghĩ cũng là phù hợp.
Kính HòaCám ơn Tiến sĩ đã dành thì giờ cho đài RFA thực hiện cuộc trao đổi này.

No comments:

Post a Comment