Wednesday, August 13, 2014

Giải quyết xong Trung Đông - Ucraine, Mỹ sẽ làm mạnh ở châu Á?

BÌNH NGUYÊN 13/08/14 13:32
(GDVN) - Dù ở Trung Đông có xảy ra chuyện gì thì cũng không thể ngăn nổi tham vọng tại châu Á Thái Bình Dương của Washington.


Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tờ Đại Công Báo tại Hồng Kông ngày 10/8/2014 có bài nhận định cho rằng quyết định không kích mới nhất của Mỹ tại Iraq có thể làm trì hoãn một phần nhưng không thể làm thay đổi được chiến lược tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Bài đăng trên Đại Công Báo cho biết hôm 7/8/2014 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên bố sẽ bắt dầu tiến hành các cuộc không kích nhằm chống lại lực lượng ISIS – tổ chức nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

ISIS là một nhà nước không được công nhận, đồng thời là một nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni đang tuyên bố là lực lượng thống lĩnh tại tất cả các quốc gia đạo Hồi trên toàn thế giới.

Chính quyền Mỹ cho rằng quân đội nước này thực hiện chiến dịch không kích là để bảo vệ và ngăn chặn “thảm họa diệt chủng” cũng như bảo vệ các nhân viên ngoại giao, công dân và tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo cho những người tị nạn đang bị kẹt cứng ở biên giới Syria khi lực lượng vũ trang của ISIS đang có khả năng đe dọa thủ Irbil tại khu vực này.

Tính cho đến nay đã có tất cả khoảng 3 đợt không kích được lực lượng không quân của Hải quân Mỹ tiến hành trong khi Tổng thống Mỹ từ chối thiết lập thời gian biểu cố định cho hành động quân sự.

Washington tuyên bố rằng Tổng thống Obama sẽ không cho phép nước Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc chiến dài ngày, tốn kém thứ hai tại Iraq vì Mỹ đã và đang thực hiện lộ trình rút toàn bộ quân đội về nước theo kế hoạch từ năm 2011.

Tuy nhiên, ông Obama cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ có hành động để bảo vệ công dân Mỹ, ngăn ngừa và ngăn chặn khủng bố từ “một bến cảng an toàn”.

Tờ Đại Công Báo cho rằng: Nếu sự kiện nước Mỹ bị khủng bố tấn công vào ngày 11/9/2001 và việc tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden là 2 nhân tố, biểu tượng chính của nước Mỹ trong chiến tranh chống khủng bố thì có lẽ việc hành động chống lại lực lượng ISIS là biểu tượng thứ 3.

Báo tại Hồng Kông cho rằng Mỹ tin chắc rằng nước này buộc phải tấn công để ổn định hóa tình hình chính trị hiện nay ở Iraq vì lực lượng ISIS nguy hiểm hơn nhiều Taliban bởi có thông tin cho rằng tổ chức này đã có khả năng kiểm soát được vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hóa học.

Đại Công Báo nhận định rằng kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận giải thưởng Nobel vì hòa bình sau khi quyết định rút quân khỏi khu vực Trung Đông thì chiến lược ngoại giao của Mỹ cũng đã thay đổi.

Châu Á Thái Bình Dương đã trở thành điểm đến mới của cỗ máy quân sự Mỹ. Và cho đến bây giờ dù ở Trung Đông có xảy ra chuyện gì thì cũng không thể ngăn nổi tham vọng tại châu Á Thái Bình Dương của Washington.

Chiến lược tái cân bằng hướng đến châu Á của chính quyền Tổng thống Obama được phản ánh đậm nét trong chuyến thăm đến khu vực này trong tháng 4 vừa qua. Tại châu Á, ông Obama đã tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu cần thiết trong trường hợp có thể xảy ra xung đột quân sự giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.

Quân đội Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trân quy mô với Hàn Quốc, gần đây đã chính thức ký kết hiệp ước hòa bình với Philippinesm – 1 trong số các quốc gia đang có mâu thuẫn, căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông.

Những hành động và tuyên bố của ông Obama được tờ Đại Công Báo cho rằng đó là minh chứng cho thấy Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của mình tại khu vực mặc dù kể từ khi tuyên bố chiến lược đinh trục châu Á nước Mỹ vẫn chưa hoàn toàn rút chân ra khỏi được đống hỗn độn ở Trung Đông.

Trong  năm 2914 này, Hoa Kỳ cũng phần nào bị trói chân bởi cuộc khủng hoảng chính trị vẫn chưa có hồi kết tại Ucraine, đặc biệt là sau khi Nga tuyên bố sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình.

Báo của Trung Quốc cho rằng hiện nay Trung Đông và Ucraine là hai nhân tố cản trở lớn nhất khiến Mỹ chiwa thể thực hiện các kế hoạch đã đề ra ở châu Á.

Đại Công Báo tiếp tục cho rằng việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Hoa Đông, kêu gọi đóng băng các hoạt động gây căng thẳng, khiêu khích trên Biển Đông cho thấy rằng Washington sẽ thực hiện xong các nhiệm vụ ở Trung Đông và Ucraine trước khi tập trung vào châu Á Thái Bình Dương.

Một đoạn bình luận châm chọc Tổng thống Mỹ khác được Đại Công Báo đăng kèm bài viết nói rằng:

“Liệu Washington có đạt được các mục tiêu đặt ra ở châu Á hay không thì cần phải kiểm chứng vì hiện nay năng lực quản lý chính quyền của ông Obama là khiêm tốn. Obama đã mất đi sự kiểm soát trong cơ cấu hạ viện kể từ khi tái đắc cử năm 2012. Trong tháng 5 vừa qua, cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney đã từng nói rằng ông Obama là tổng thống Mỹ yếu kém nhất ông từng biết”.

No comments:

Post a Comment