Wednesday, August 6, 2014

Thủy điện ở Việt Nam: 'Bên nào cũng khóc'

VIỆT NAM (NV) - Bộ Công Thương Việt Nam vừa tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị với chính quyền các tỉnh có công trình thủy điện để bàn bạc cách thức quản lý thủy điện tốt hơn.

Tuyên bố vừa kể được đưa ra sau khi đập tạm để chặn nước làm đập chính của thủy điện Ia Krel 2 tại huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ lần thứ hai vào ngày 1 tháng 8.


Thủy điện Ia Krel 2. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ðập tạm này từng bị vỡ hồi tháng 6 năm ngoái, gây thiệt hại khoảng ba tỉ đồng. Theo chủ tịch huyện Ðức Cơ, thiệt hại của lần vỡ thứ hai chắc chắn sẽ gấp vài lần thiệt hại hồi năm ngoái.

Vụ đập tạm để chặn nước làm đập chính của thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ khiến chủ đầu tư bàng hoàng. Ðến bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, phó giám đốc công ty Bảo Long Gia Lai - doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng và phụ tùng xe vận tải nhưng không hiểu sao vẫn được chính quyền tỉnh Gia Lai cấp giấy phép đầu tư ba công trình thủy điện tại Gia Lai, trong đó có thủy điện Ia Krel 2 - chính thức thú nhận: “Chúng tôi không thể ngờ! Chúng tôi không lường hết được sự việc! Chúng tôi chưa có kinh nghiệm!”

May mắn là thủy điện Ia Krel 2 đang xây dựng, chưa tích nước, nếu đập chính vỡ khi hồ chứa nước đã tích đủ nước, hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Vụ đập tạm của thủy điện Ia Krel 2 vỡ lần thứ hai khiến dân chúng Tây Nguyên và miền Trung thêm lo âu. Từ cuối năm 2012 đến nay đã xảy ra bốn vụ đập chặn nước của các công trình thủy điện ở Tây Nguyên và miền Trung bị vỡ. Ngoài đập tạm của thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ hai lần, trong vòng chưa đầy hai năm, còn có đập chặn nước của thủy điện Ðak Mek 3 ở Kon Tum và đập chặn nước của thủy điện Ðakrong 3 ở Quảng Trị bị vỡ.

Ðến nay, việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.

Các dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.

Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên và miền Trung được xem là nguyên nhân tăng thêm đói nghèo, đẩy dân chúng tới tột đỉnh của sự bần cùng, vì gây ra hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô, lũ lụt thường xuyên vào mùa mưa.

Chưa kể chuyện xả lũ vô tội vạ sau các trận bão hồi năm ngoái đã làm 41 người chết, 5 người mất tích, 74 người bị thương, 410 ngôi nhà bị nước cuốn, 425,573 ngôi nhà bị ngập. Chưa kể thiệt hại do ruộng vườn mất trắng vì lũ. Hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.

Cũng năm ngoái, sau khi thẩm tra các dự án thủy điện, Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ-Môi Trường của Quốc Hội Việt Nam cho biết, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Sau khi Quốc Hội Việt Nam yêu cầu chính phủ Việt Nam báo cáo về “Quy hoạch tổng thể cho thủy điện,” đại diện chính phủ Việt Nam loan báo đã loại bỏ 424 dự án thủy điện. Trừ đi các dự án bị loại bỏ, tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó có 205 dự án đang thi công hoặc dự kiến sẽ khai thác cho đến 2017.

Dù vậy những thảm họa đi kèm các dự án thủy điện vẫn lơ lửng trên đầu hàng chục triệu người cư trú ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.

Các hồ chứa nước của một số công trình thủy điện như Sông Tranh 2, Ðăk Ðrinh, Ðakrong nay là gốc rễ của vài chục trận động đất xảy ra liên tục ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam; huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; huyện Ðakrong, tỉnh Quảng Trị.

Các dự án thủy điện còn là nguyên nhân gây ra xung đột giữa chính quyền thành phố Ðà Nẵng, chính quyền tỉnh Quảng Nam, chính quyền tỉnh Phú Yên với Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Công Thương do bất đồng về qui trình tích nước trong mùa khô và xả nước trong mùa lũ. Từ năm ngoái đến nay, những viên chức lãnh đạo ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn của các tỉnh vừa kể, liên tục lên án hai Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và Công Thương là vô trách nhiệm khi đặt lợi ích của thủy điện lên hàng đầu và bỏ qua lợi ích của hàng ngàn gia đình vùng hạ du. (G.Ð)

08-05- 2014 3:52:56 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment