Wednesday, August 6, 2014

Văn hóa Việt Nam trước làn sóng "cơm trộn" Hàn Quốc


(PetroTimes) - Cách thức kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để mang bản sắc, "thương hiệu" văn hóa Việt Nam với thế giới thì có lẽ chúng ta nên học bài học của Hàn Quốc một cách có ý thức.
Năng lượng Mới số 345
Tôi có dịp gặp GS.TS Mun-Woong LEE, Ðại học Khoa học Xã hội, Ðại học Quốc gia Seoul là nhà nghiên cứu về Nhật Bản và Hàn Quốc trong lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên tại Trường đại học Khoa học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, ông luôn nhắc đến “Văn hóa cơm trộn” của Hàn Quốc. Ông khẳng định: “Hàn Quốc hiện nay là một tô cơm trộn”. Cơm trộn (bibimbap) là một món ăn phổ biến và đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc. Hiện nay, món cơm trộn đã thay đổi nhiều so với cơm trộn cổ truyền để có thể thích hợp với tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng cho người Hàn Quốc”.
Theo GS Trần Thanh Ðạm: “Cuối thế kỷ XX, Tổ chức UNESCO theo sáng kiến của vị Tổng thư ký người Senegal là Amadou Mahtar M’Bow đã chọn thập niên 90 làm “thập niên văn hóa” với sự đề cao “cultural identity” tức là nét đặc sắc riêng của dân tộc này khác với dân tộc khác, bảo vệ và phát huy tính đa dạng của văn hóa thế giới. Ðó là một tư tưởng và chủ trương rất vĩ đại, có khả năng cứu vãn thế giới, nó xuất phát từ thế giới thứ ba, từ vị Tổng thư ký UNESCO nguyên là Bộ trưởng Giáo dục của nước Cộng hòa Senegal. Ông cũng là người khởi xướng và nhiệt tình ủng hộ quốc tế đối với việc phục hồi và tôn tạo cố đô Huế của Việt Nam”.
Văn hoá Việt Nam trước làn sóng
Anna - Một nữ phi công Ba Lan luôn thích thú và cảm thấy mình trở nên nữ tính vì vẻ đẹp của áo dài mang lại
Sau đó, Việt Nam đã tìm cách dịch chữ “identity” ra tiếng Việt, hai chữ “bản sắc” được chọn và được thông dụng cho ngày nay. “Bản sắc” đã đi vào Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Ðảng: Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nói về việc “xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nhà báo - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng, chúng ta phải biết giữ lại những gì thuộc về cái đặc thù của chính mình và biết tiếp thu những cái hay của người để hòa vào dòng chảy văn hóa của chúng ta. Nói dễ, nhưng làm được là không dễ, bởi nếu chúng ta không có đủ lòng tự hào với văn hóa dân tộc mình thì chúng ta sẽ không có đủ nội lực để gìn giữ, bảo vệ nó…
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long phân tích cụ thể: Trong khi Hàn Quốc hạn chế làn sóng phim Mỹ bằng cách buộc các rạp phải chiếu phim nội địa ít nhất là 106 ngày trong một năm. Song song với chính sách này thì Chính phủ Hàn Quốc đưa 300 người sang Mỹ đào tạo bằng ngân sách nhà nước.
“Ở nước ta, thị trường âm nhạc, chúng ta đã để cho thị trường lấn át, vì thế nền âm nhạc dân tộc gần như bị đảo điên trong túi tiền của các doanh nhân. Các đài truyền hình là của Nhà nước, nhưng số lớn xa rời định hướng dân tộc, mà gần như chỉ để phục vụ cho thị hiếu dễ dãi vì lợi nhuận quảng cáo, vì tài trợ…” bà Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định.
Văn hoá Việt Nam trước làn sóng
Công nương Mary, hoàng gia Đan Mạch diện áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng
Thực ra “văn hóa cơm trộn” với “đậm đà bản sắc dân tộc có lẽ không khác nhau là bao. GS Mun cho rằng, văn hóa Hàn Quốc liên tục tiếp nối, chuyển đổi, sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại đã làm cho Hàn Quốc rời bỏ biệt danh là đất nước của buổi bình minh trong lành trước thập niên 70 của thế kỷ XX và thành một đất nước khác. Một đất nước sống trong bối cảnh toàn cầu hóa và xuất khẩu những gì do mình sáng tạo và sở hữu. Ông lấy ví dụ về cách Hàn Quốc phổ biến “sức mạnh mềm”, cô ca sĩ BoA hiện nay nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là do được đưa sang Nhật từ năm 13 tuổi. BoA được học, được đào tạo bài bản nền giáo dục Nhật Bản, hấp thụ văn hóa Nhật Bản và phát triển dòng nhạc Pop sang thị trường Nhật Bản mang nét văn hóa Nhật - Hàn. Cô là nghệ sĩ châu Á không mang quốc tịch Nhật duy nhất đạt được doanh số hai triệu album bán ra tại Nhật Bản và là một trong hai nghệ sĩ có hai album nhạc phim liên tiếp đứng đầu trong bảng xếp hạng Oricon (Nhật Bản).
Như vậy, văn hóa Hàn Quốc cùng với văn hóa của đất nước mà họ hướng đến thành món “cơm trộn Hàn Quốc” có vị lạ. Chính vị lạ này mà Hàn Quốc đã rất thành công trong việc xuất khẩu văn hóa, công nghiệp giải trí của mình. Hàn Quốc đang phát huy “sức mạnh mềm” rất hiệu quả, từ văn hóa truyền thống, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, công nghệ giải trí,… để phục vụ cho các tham vọng thương mại. Nhờ vào các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc mà hằng năm Hàn Quốc thu hút thêm nhiều khách du lịch, rao bán thêm nhiều hàng hóa, sản phẩm khác.
Nếu có ai đó quá bi quan về việc văn hóa Hàn lấn át văn hóa Việt trên chính đất nước mình thì cũng phải bình tĩnh nhìn nhận xem cách ứng xử của ta với các dòng văn hóa, các sản phẩm giải trí bên ngoài tràn vào như thế nào.
PGS.TS Lê Khắc Cường (Trưởng khoa Việt Nam học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết, tại Khoa Việt Nam học hiện nay có đến 90% sinh viên là người Hàn Quốc. Họ đến Việt Nam học tiếng Việt với nhiều mục đích khác nhau, kinh doanh, nghiên cứu văn hóa Việt Nam... Trong số 90% đó, có đến 50% người Hàn học tiếng Việt vì có gia đình ở Việt Nam và họ muốn sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Tiếng Việt hiện là ngôn ngữ xếp vị trí thứ 9 tại Hàn Quốc mà học sinh có thể chọn là một ngoại ngữ để thi Ðại học. Và khoa Việt Nam học ở Hàn Quốc rất phát triển, đó là nơi phổ biến những giá trị văn hóa Việt Nam rất hiệu quả.
Văn hoá Việt Nam trước làn sóng
K'pop đang làm mưa làm gió thị trường âm nhạc châu Á và thế giới
Sự trao đổi văn hóa hai chiều là điều tất yếu trong quá trình giao lưu - hội nhập, chỉ tiếc là thực lực kinh tế nước ta còn thua xa Hàn Quốc, chính sách về văn hóa, phát triển “sức mạnh mềm” của ta còn nhiều bất cập. Chưa kể, hiện nay ở nước ta đang có xu hướng phục hồi quá nhiều giá trị truyền thống đã lỗi thời, lạc hậu. Chính nhà làm chính sách và cơ quan văn hóa phải biết gạn lọc những giá trị gì cần giữ và những gì cần loại bỏ chứ kinh phí Nhà nước không thể xé lẻ cho hàng ngàn di tích, hàng chục ngàn lễ hội hằng năm để chúng ta có những sản phẩm gần như tương tự nhau. GS Trần Văn Khê đã rất có lý khi nói rằng: “Chúng ta bảo vệ vốn cổ mà không “nệ cổ”, tiến bộ không có nghĩa là làm cho nó ngoại lai...”.
Cách thức kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để mang bản sắc và giá trị văn hóa Việt Nam, “thương hiệu” văn hóa Việt Nam giới thiệu với thế giới thì có lẽ chúng ta nên học bài học của Hàn Quốc một cách có ý thức.
Thanh Thanh

No comments:

Post a Comment