Tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nền kinh tế Nga đã trở nên rõ nét và người dân bắt đầu chịu trận
Trong vòng chưa đầy một tháng qua, một loạt công ty du lịch lớn của Nga tuyên bố ngừng hoạt động. Đó là Expo-Tour, Roza Vetrov, Neva, Labirint và IntAer.
Giảm du lịch nước ngoài
Tuyên bố ngừng hoạt động hôm 5-8, Công ty Du lịch IntAer giải thích đó là “do nhu cầu và khả năng mua tour của người dân sụt giảm liên quan đến thực trạng tỉ giá hối đoái tăng mạnh và tình hình chính trị tiêu cực”. Công ty Labirint cũng ngưng hoạt động từ ngày 2-8, đồng thời hứa hẹn đưa khoảng 27.000 khách hàng của mình đang ở nước ngoài về nước. Doanh nghiệp này liệt kê các nguyên nhân của việc đóng cửa: “Tỉ giá hối đoái tăng mạnh ảnh hưởng đến khả năng du lịch của người Nga; tình hình kinh tế và chính trị tiêu cực tác động đến số lượng đặt tour; kiến nghị cấm ra nước ngoài đối với quân nhân và nhân viên các cơ quan nội vụ…”.
Neva - công ty du lịch lâu đời nhất ở St. Petersburg - đã tuyên bố ngừng hoạt động từ giữa tháng 7 Ảnh: RIA NOVOSTI
Trước đó, từ giữa tháng 7, Expo-Tour, Roza Vetrov và Neva cũng ngậm ngùi dừng kinh doanh. Theo báo Luận chứng và Sự kiện, các chuyên gia cho rằng sự suy sụp kinh tế và đồng rúp giảm giá là những yếu tố cơ bản đẩy các công ty du lịch Nga đến chỗ phá sản. Cách đây nửa năm, khi tỉ giá đồng rúp trượt xuống mức thấp chưa từng có, các nhà phân tích từng cảnh báo công ty du lịch sẽ là những doanh nghiệp Nga đầu tiên nếm mùi khổ sở bởi lẽ giá tour, vé máy bay và khách sạn đều gắn chặt với tỉ giá hối đoái. Đồng USD và euro càng tăng giá, các chuyến nghỉ mát ở nước ngoài của người Nga càng đắt đỏ.
Theo một số đánh giá khác nhau, người Nga du lịch nước ngoài hiện giảm khoảng 20%-30%. Quyền Giám đốc Hiệp hội Các công ty du lịch Nga, bà Maya Lomidze, cho biết số công dân Nga đi nghỉ mát ở châu Âu trong năm 2014 giảm 30% so với năm 2013. Phó Chủ tịch tổ chức xã hội “Câu lạc bộ Các giám đốc tài chính Nga”, bà Tamara Kasyanova, thừa nhận trong năm nay, mọi công ty du lịch Nga đều than thở vì mất khách, ngay cả các tour chiến lược như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập cũng đìu hiu so với 2 năm trước. Theo bà, thu nhập của người Nga giảm đến 30% đã gây nên thực trạng trên.
Tác động rõ nét
Người phát ngôn nghiệp đoàn ngành công nghiệp du lịch Nga, bà Irina Chyurina, xác định nguyên nhân lệnh trừng phạt của phương Tây là cái gốc của thực trạng trên. Theo bà Chyurina, du khách Nga không dám đi nghỉ mát ở nước ngoài một phần vì e sợ bị đối xử tiêu cực. Ngoài ra, báo Vzglyad nhận định lệnh trừng phạt đã cản trở người Nga du lịch nước Mỹ.
Cũng do tác động bởi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), Dobrolyot - hãng hàng không Nga duy nhất hoạt động theo ngân sách quốc gia, công ty con của hãng Aeroflot - thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ ngày 4-8 trong điều kiện bị các đối tác châu Âu gây sức ép chưa từng có. Qua đó, hãng tin Newsru dẫn lời các chuyên gia nhận định: Tác động của những biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga đã trở nên rõ nét.
Cần phải nói thêm rằng trong trường hợp Dobrolyot, lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại với giá vé phải chăng của dân thường Nga. Tổng Giám đốc Viện Các dự án khu vực, ông Nikolai Mironov, nhấn mạnh: “Lệnh trừng phạt đã đánh mạnh vào những thường dân không hề chịu trách nhiệm về các quyết sách chính trị. Lịch sử đã chứng minh đặc điểm của phương Tây, nhất là Mỹ, không ngại sử dụng bất kỳ phương tiện nào để thỏa mãn tham vọng của mình”.
Ý đồ sâu xa ở đây là gì? Các nhà phân tích cho rằng “tấm gương” của Dobrolyot có thể buộc các hãng hàng không khác rời khỏi Crimea. Trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả khi nước Nga có thể duy trì sự liên kết về hàng không với Crimea, chắc chắn các chuyến bay qua lại Crimea sẽ giảm mạnh. Như thế, Crimea sẽ bị tách rời khỏi “đại lục” Nga và người dân Crimea bị tước mất quyền tự do đi lại.
Cân nhắc trả đũa
Theo báo Vedomosti, Nga có thể hạn chế hoặc cấm hoàn toàn các chuyến bay của các hãng hàng không châu Âu bay ngang lãnh thổ nước này để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây. Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Nga đang bàn bạc khả năng này. Nếu lệnh cấm trên có hiệu lực, các hãng hàng không châu Âu như Lufthansa (Đức), British Airways (Anh) và Air France (Pháp) có thể thiệt hại đến 1 tỉ euro trong vòng 3 tháng; đồng thời, hãng hàng không Aeroflot (Nga) cũng tổn thất khoảng 300 triệu USD/năm - tương đương lệ phí bay trên lãnh thổ Nga mà các hãng hàng không châu Âu phải trả.
Thứ Ba, 21:50 05/08/2014
NGÔ SINH
No comments:
Post a Comment