Wednesday, August 6, 2014

Nông dân Việt chê tiền 'hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa'

LONG AN (NV) - Trong ba năm từ 2011 đến 2013, chính quyền Việt Nam đã chi 11,082 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân bảo vệ đất trồng lúa. Tại đồng bằng sông Cửu Long, gần như không ai thèm nhận khoản này.

Ông Nguyễn Văn Tám, trưởng ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, kể với phóng viên tờ Lao Ðộng rằng, ấp Bình Lợi có hơn 300 gia đình được nhận tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa và ba năm nay, ông phải đi năn nỉ từng gia đình, xin họ nhận tiền nhưng không ai thèm nhận.


Chính quyền Việt Nam ban hành nhiều chính sách mà họ bảo là nhằm giúp nông dân làm giàu, song nông dân không cảm kích mà chỉ cảm thấy bị làm phiền. (Hình: Lao Ðộng)

Lý do nông dân không thèm nhận tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa vì nó quá ít. Khoản hỗ trợ vừa kể được tính trên diện tích đất. Nếu trồng lúa nước, mỗi năm sẽ được nhận 500,000 đồng/héc ta. Trồng các loại lúa khác thì mỗi năm được hỗ trợ 100,000 đồng/héc ta. Khoản hỗ trợ hàng năm dù chẳng đáng bao nhiêu lại còn bị xé nhỏ thành hai kỳ.

Trên thực tế, với những gia đình không có nhiều ruộng, khoản hỗ trợ này chỉ ở mức vài ngàn đồng. Tại ấp Bình Lợi, có gia đình được hỗ trợ... 1,078 đồng! Giá gạo loại tệ nhất ở Việt Nam hiện từ 11,000 đồng đến 12,000 đồng/ký. Tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa mua chưa được 100 gram gạo!

Ðáng lưu ý là dù giá trị khoản hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa còn tệ hơn cho ăn xin nhưng chính quyền Việt Nam đòi nông dân nhận khoản này phải nộp năm, bảy loại giấy tờ: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân,...

Cũng vì vậy, vài năm qua, các viên chức cấp ấp, cấp xã như ông Nguyễn Văn Tám liên tục đi tới, đi lui, xin những gia đình có đất hoàn tất thủ tục để nhận tiền, giúp địa phương... hoàn thành chỉ tiêu phát tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa!

Ông Nguyễn Văn Lai, một nông dân ngụ ở thị trấn Cần Ðước, huyện Cần Ðước, tỉnh Long An, vói với phóng viên tờ Lao Ðộng rằng, chính quyền “đẻ” ra đủ thứ chính sách và bảo rằng chúng giúp nông dân làm giàu, song ông Lai chỉ thấy phiền phức. Trong xóm nơi ông Lai cư trú, gia đình ông thuộc dạng có nhiều đất nên được hỗ trợ 50,000 đồng. Tuy nhiên bất kể trưởng ấp năn nỉ nhiều lần, ông Lai vẫn dứt khoát không nhận tiền hỗ trợ vì không đủ để đi một lượt xe ôm.

11,082 tỉ không phải là ít song cách dùng khoản tiền này theo lối vừa kể trong ba năm qua chẳng khác gì xé vụn khoản tiền đó để vứt đi.

Một số viên chức ngành nông nghiệp nhận định, nông dân miền Nam vốn được xem là có nhiều đất (tính trung bình, mỗi gia đình có từ 0.2 đến 0.3 héc ta) mà tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa còn như vậy thì khoản tiền này đối với nông dân miền Trung, miền Bắc chắc chắn sẽ tệ hơn rất nhiều.

Ông Trần Văn Hùng, phó giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Tiền Giang, tiết lộ, chẳng riêng Tiền Giang, mà có rất nhiều tỉnh “kêu ca” về chính sách hỗ trợ nông dân bảo vệ đất trồng lúa. Ông Hùng cho rằng, thay vì chẻ nhỏ thì nên gom lại, đầu tư vào những khoản thiết thực hơn.

Ông Lê Minh Ðức, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Long An, xác nhận, ông đã nhiều lần kiến nghị thay đổi chính sách hỗ trợ nông dân cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, dùng 120 tỉ đồng hỗ trợ nông dân Long An năm nay để đầu tư cho các công trình thủy lợi hoặc phát triển giao thông nông thôn.

Ðến nay, “trung ương” vẫn chưa thèm nghe và những người như ông Nguyễn Văn Tám vẫn tiếp tục tới lui năn nỉ từng gia đình trong ấp nhận tiền hỗ trợ nông dân bảo vệ đất trồng lúa để chính quyền địa phương “hoàn thành chỉ tiêu phát tiền hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa”! (G.Ð)

08-05- 2014 3:49:24 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment