Wednesday, August 6, 2014

Người dân sẽ còn khổ dài vì vỡ đập thủy điện

Sẽ còn nhiều đập thủy điện đứng trước nguy cơ vỡ, nhất là các đập nằm trên bậc thang các con sông chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa. Ảnh:TL
(TBKTSG Online) - Hàng loạt văn bản, chỉ thị về quản lý an toàn đập thủy điện, cảnh báo vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn cho vùng hạ du…đã được ban hành. Nhưng ngay cả các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt cũng chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân do việc đặt lợi ích của chủ đầu tư, của địa phương lên trước.
Thay đổi bản vẽ, cắt xén hạng mục để giảm suất đầu tư:
“Đề nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa liên quan đến thủy điện Hủa Na và Cửa Đạt. Hai dự án thủy điện tại Thanh Hóa chưa có nội dung này. Không biết bây giờ cơ quan quản lý hai thủy điện này phối hợp như thế nào chứ không may lũ về, lũ chồng lũ  thì cả đập Cửa Đạt sẽ dội xuống 6-7 huyện của Thanh Hóa với hàng triệu dân ”, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày nỗi lo của mình tại cuộc họp của Bộ Công thương về việc rà soát công tác quản lý quy hoạch, vận hành công trình thủy điện diễn ra sáng nay ngày 6-8).
Lo lắng của ông Hồi không thừa bởi mới đây việc vỡ đê quai thân đập Ia Krei 2 tại Gia Lai đã làm mất mát, thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, tài sản của bà con ở vùng dự án, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng còn chưa giải quyết xong.
Tình hình quản lý vận hành, an toàn của các đập thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ luôn luôn nóng trong những năm qua. Theo đánh giá  của ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương), nhìn chung hầu hết các chủ đập đều thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập. Các đập này có nhiệm vụ phòng lũ, thường xuyên không tích nước quá sớm để đảm bảo chủ động cắt giảm lũ cho hạ du. Song vẫn còn một số chủ đầu tư các nhà máy dưới 30MW (do các địa phương cấp phép, phê duyệt) chưa thực hiện đầy đủ các quy định.
Nguyên nhân đầu tiên là do chi phí đầu tư thực hiện lớn, diễn biến thời tiết phức tạp, điều kiện địa hình khó, rừng đầu nguồn suy kiện nên sản lượng điện thấp, kéo theo doanh thu phát điện không đảm bảo chi trả vốn đầu tư ban đầu nên các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí tài chính để thực hiện các quy định về an toàn đập.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến, do năng lực của chủ đầu tư yếu nên gặp khó ngay từ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng: “Có trường hợp gần Tết, chủ đầu tư còn chạy đôn chạy đáo để vay tiền trả cho dân”, nói gì đến việc tăng cường năng lực tài chính để đảm bảo công trình đầu tư, vận hành ở mức an toàn nhất.
Và một trong những nguyên nhân gây mất an toàn các công trình thủy điện là một số chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bản vẽ so với hồ sơ được duyệt nhưng việc giám sát của địa phương lơi lỏng, gây ra hậu quả. Sự cố vỡ đê quai tại dự án thủy điện Ia Krei 2 (Gia Lai) là một ví dụ.
Đến nay, trong 176 dự án có công suất lắp máy trên 30 MW đang vận hành thì có 80 đập được kiểm định hoặc kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ; khả năng xả lũ của hồ chứa trên tổng số 154 đập đến hoặc quá kỳ kiểm định, 21 đập đang thực hiện, 53 đập chưa thực hiện và 22 đập khác chưa đến kỳ kiểm định.
Các quy trình vận hành hồ chứa được duyệt chưa an toàn:
Vấn đề rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn đập, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án thủy điện là cần áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các con sông lớn, do có nhiều thủy điện bậc thang trên cùng một con sông. Tuy nhiên đến nay mới có 6 quy trình vận hành liên hồ trong 11 lưu vực sông được phê duyệt.
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), hiện bộ đã xây dựng và trình Chính phủ 10 quy trình vận hành liên hồ (còn quy trình vận hành trên hệ thống sông Đồng Nai chưa trình).
Tuy nhiên, nhìn lại công tác lập các quy trình vậnh hành liên hồ cho thấy, ngay cả các quy trình đã được phê duyệt thì cũng chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng hạ du như quan điểm chỉ đạo khi xây dựng quy trình. Lý do là địa phương, bộ ngành lại tính toán đến việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó có việc đảm bảo lợi ích của các chủ đầu tư trong việc phát điện.
Theo ông Vĩnh, về nguyên tắc Bộ TNMT xây dựng quy trình vận hành trên cơ sở các hồ hiện có, nhưng nhiều hồ lại không có dung tích phòng lũ cho hạ du mà chỉ có nhiệm vụ an toàn công trình, tham gia giảm lũ và phát điện. Do vậy, để đưa ra được quy định các hồ phải dành dung tích phòng lũ là rất khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương đã loại khỏi quy hoạch thêm 12 dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp, chưa đầu tư, nâng tổng số dự án bị loại trong mấy năm qua lên đến con số 415 dự án. Hiện cả nước có 284 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 14.698 MW đang vận hành phát điện và 204 dự án khác (6.146 MW) đang thi công, dự kiến đến năm 2017 sẽ phát điện.

No comments:

Post a Comment