Wednesday, August 6, 2014

Trung Quốc ồ ạt đóng giàn khoan để tranh giành dầu khí biển Đông

Mô hình giàn khoan HDSY-982 đang đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên TQ, dự kiến hoàn thành năm 2016 và sẽ được bố trí ở biển Đông. Ảnh Agility Projects
(TBKTSG Online) - Trung Quốc đang ồ ạt đóng các giàn khoan dầu cỡ lớn, đưa ra vùng tranh chấp ở biển Đông, vừa thăm dò và khai thác dầu khí vừa làm công cụ chính trị để củng cố đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.
Hai phóng viên Eric Yep và Wayne Ma của báo Wall Street Journal, từ Bắc Kinh và Singapore, đã có bài ghi nhận chi tiết về kế hoạch này, theo đó Trung Quốc đang tăng tốc mở rộng đội giàn khoan – và đội tàu hải cảnh đi hộ tống – để dấn sâu hơn ra biển Đông săn tìm nguồn năng lượng, đe dọa leo thang tranh chấp với các nước láng giềng.
Bài ghi nhận trích số liệu của IHS Maritime cho biết, trong nửa đầu năm nay, tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và các công ty nhỏ hơn đã đặt đóng một số lượng giàn khoan và tàu biển có tổng trọng tải khoảng 126.000 tấn, nhiều hơn tải trọng mà Trung Quốc đóng mỗi năm trong những năm 2010-2013. Phần lớn các thiết bị này là nhằm phục vụ hoạt động khoan dầu quy mô lớn ở ngoài khơi, bao gồm những giàn khoan hoạt động ở độ sâu trung bình, những con tàu khảo sát địa chấn ở vùng biển sâu và tàu hỗ trợ.
Đặc biệt năm ngoái Trung Quốc đã đặt đóng một giàn khoan khổng lồ, nặng 30.000 tấn và còn hai giàn khoan tương tự đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Cả ba giàn khoan này đều lớn bằng giàn khoan lớn nhất Trung Quốc hiện nay, HDSY-981, mà Bắc Kinh đã hạ đặt trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong hai tháng trước khi rút đi vào giữa tháng 7 vừa qua.
Giàn khoan đang được đóng – có tên HDSY-982, được thiết kế để hoạt động ở biển Đông và dự kiến sẽ hạ đặt trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam hoặc Philippines, sẽ hoàn thành vào năm 2016, có thể khoan dầu ở độ sâu 1.500 mét dưới mặt biển, có thể chịu đựng được sóng gió và bão biển, theo nhà thiết kế Agility Projects có trụ sở tại Na Uy.
Cùng với đội giàn khoan, Trung Quốc cũng mở rộng lực lượng cảnh sát biển. Lực lượng này ra đời năm ngoái trên cở sở sáp nhập các cơ quan cảnh sát biển, hải giám và kiểm ngư dưới một cơ chế chỉ huy thống nhất. Theo IHS Maritime, cảnh sát biển Trung Quốc hiện có 100 tàu, đang đặt đóng thêm 40 tàu và có thể nhận được 15 tàu trong năm nay.
Trong bản tin phát đi hồi tháng 3-2014, Tân hoa xã nói việc nâng cấp cảnh sát biển được Bắc Kinh coi là biện pháp bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc, song các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ của lực lượng này còn là hộ tống và bảo vệ các giàn khoan dầu của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, ngăn chặn sự phản đối của các nước láng giềng như những gì đã xảy ra chung quanh giàn khoan HDSY-981 trong vùng biển Việt Nam mấy tháng trước.
Động lực đằng sau kế hoạch này của Trung Quốc có thể là cơn khát năng lượng. Sản lượng dầu khí của CNOOC – tập đoàn năng lượng lớn nhất Trung Quốc – đã không tăng lên suốt 4 năm qua. Và do các mỏ dầu khí trong nội địa nước này đã có dấu hiệu cạn kiệt, ngay từ năm 2009 CNOOC đã công bố sẽ đầu tư 30 tỉ đô la Mỹ trong 20 năm để thăm dò và khai thác dầu ngoài biển khơi.
Tuy nhiên, theo Philip Andrews-Speed, chuyên gia về an ninh năng lượng của Viện nghiên cứu Năng lượng Singapore, kế hoạch mở rộng đội giàn khoan và tàu cảnh sát là một chính sách quốc gia của Trung Quốc, tạo điều kiện cho nước này thăm dò và “cắm cờ” trên gần như toàn bộ biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí lớn và chưa khai thác, đồng thời “hiện thực hóa” đòi hỏi chủ quyền mà Bắc Kinh tuyên bố trong các vùng biển chồng lấn với nước khác. “Tôi chắc chắn rằng họ [Trung Quốc] sẽ dùng các giàn khoan này như một tuyên bố chính trị vừa như công cụ thăm dò dầu khí”, ông Andrews-Speed nói.
Cũng theo nhận định của ông Andrews-Speed, những giàn khoan và đội tàu mới – do Trung Quốc sản xuất - sẽ cho phép Trung Quốc tiến xa hơn vào biển Đông, vượt qua Việt Nam và Philippines, những nước đang còn phải dựa vào công nghệ và thiết bị thăm dò của nước ngoài.
Còn đối với Gary Li, nhà phân tích của IHS Maritime, những động thái kể trên của Trung Quốc, “chỉ là bước khởi đầu của một kế hoạch lớn, được điều phối nhịp nhàng, nhằm giành lấy tài nguyên ở biển Đông”. Điều đó có nghĩa là các nước ven bờ biển Đông phải chuẩn bị để đối phó với những hành vi tranh giành quyết liệt của Trung Quốc trong nhiều năm sắp tới.
Theo Wall Street Journal

No comments:

Post a Comment