Wednesday, August 6, 2014

Ngư dân, tàu gỗ và tàu sắt

Một góc cảng cá gần Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: H.L
(TBKTSG) - Những ngư dân nghe được vay tiền lãi suất thấp thì hồ hởi, nhưng họ còn nhiều băn khoăn như tiền vay đóng tàu còn nợ của đầu nậu thì sao, tàu đã thế chấp cho chương trình thí điểm cũ giải quyết thế nào, đăng ký vay chương trình mới thì phải có trách nhiệm gì, đóng tàu sắt vốn lớn, đi biển dài ngày họ vẫn chưa quen, lỡ tàu sắt hư hỏng không biết sửa chữa ở đâu…
Không khí ồn ào, tiếng nói râm ran tại hội trường UNBD huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, 9 giờ sáng ngày 24-7-2014, nơi diễn ra lễ trao tặng 1.600 chứng nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên do Sacombank và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh tài trợ. Anh Nguyễn Sinh Bảnh, ngư dân đến từ xã Bình Châu ngồi lẫn giữa hàng trăm ngư dân và người nhà của họ. Anh phân trần: “Nghe nói Nhà nước cho vay tiền lãi suất thấp tôi mừng lắm, nhưng tôi không vay để đóng tàu vỏ sắt. Đóng tàu sắt chi phí lớn, thu nhập của tôi không đủ trả. Gần 30 năm nay tôi đi tàu gỗ quen rồi”.
Anh Đỗ Văn Khoa, ngồi bên cạnh thêm: “Tụi tui đi mỗi chuyến 20-25 ngày, chi mất khoảng 120 triệu đồng, chuyến nhiều bán được 300 triệu đồng, chuyến ít được 100 triệu đồng, coi như lỗ. Có chuyến tui lỗ tới 30 triệu đồng. Có lần ra biển, gặp bão, phải quay về là lỗ sạch luôn”. Anh Phạm Quang ngồi kế anh Khoa lên tiếng: “Đóng tàu, ai trong tụi tui cũng vay đầu nậu hết, người 300 triệu, người 500 triệu đồng, không phải trả lãi. Cá về, đầu nậu mua, giá thấp hơn giá thị trường tới 30-40%. Tui đề nghị Nhà nước cho vay tiền, trả nợ cho đầu nậu, rồi Nhà nước mua cá theo giá thị trường cho tụi tui”. Anh Bảnh nói: “Tất cả ngư dân của Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu tụi tui quan tâm nhất việc có người, công ty của Nhà nước mua cá ổn định, mọi lúc. Còn tàu đang xài còn xài được, không lẽ nay bỏ, vay thêm đóng tàu mới, nợ nhiều quá sao trả nổi?”.
“Tụi tui quan tâm nhất việc có người, công ty của Nhà nước mua cá ổn định, mọi lúc. Còn tàu đang xài còn xài được, không lẽ nay bỏ, vay thêm đóng tàu mới, nợ nhiều quá sao trả nổi?”.
Anh Nguyễn Sinh Bảnh, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi
10 giờ 30, trời nóng như rang, ở cảng cá gần Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, phiên mua bán đã kết thúc từ sớm, mùi cá đọng khắp nơi. Đầu nậu Hồ Văn Bạn đứng từ cửa nhà mình nhìn ra ngoài. Ông nói đầu nậu như ông quanh đây có 6-7 người, hành nghề cũng trên dưới 20 năm rồi. “Thường tôi hỗ trợ ngư dân 20% tiền đóng tàu, không lấy lãi đồng nào. Họ thiếu tiền mua ngư cụ, xăng dầu tôi cũng cho mượn. Họ bán cá cho tôi theo giá thị trường”, ông kể. “Giá mua bán do anh quyết hay ngư dân quyết?”. “Người mua chúng tôi có thống nhất giá mua với nhau”. Ra thế, nghĩa là các đầu nậu có “ngồi” lại với nhau, họ có mức giá mua chung và ngư dân chắc phải bán theo giá đó.
Ông Bạn nói nếu Nhà nước cho vay tiền ưu đãi, ông cũng vay, để đóng tàu dịch vụ, tức là đi theo tàu của ngư dân, khi họ đánh được cá là mua luôn, nhưng “tôi lo không có người làm cùng, thiếu nhân lực”.
Huyện Bình Sơn có 25 xã, chủ yếu làm nghề nông và nghề cá. Ông Lương Kim Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết về tàu cá, hai xã nhiều nhất là Bình Châu 200 chiếc, Bình Thuận 160 chiếc. “Truyền thống của ngư dân miền Trung là tàu vỏ gỗ, các nơi neo đậu đều dành cho tàu gỗ. Tàu sắt nặng quá, lên bờ sao kéo được? Trước đây theo Quyết định 393 (Quyết định 393 TTg năm 1997 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt, dịch vụ đánh bắt xa bờ - NV), Quảng Ngãi được thí điểm đóng 23 chiếc, Bình Sơn đăng ký hai chiếc. Nay từ khi có Nghị định 67 (Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 về một số chính sách phát triển thủy sản - NV) bà con chưa đăng ký. Chương trình thí điểm cũ bị vướng tài sản thế chấp, ngư dân chưa rõ trách nhiệm của họ khi đăng ký là gì”, ông Sơn giải thích.
Không chỉ ở Bình Sơn, ngư dân Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác từ lâu đã gắn bó với tàu gỗ. Ngay cả những người có tàu gỗ công suất lớn cũng nói họ phải hoán cải, nâng cấp tàu, từ vỏ gỗ thành vỏ thép. Có nơi chỉ muốn đóng tàu gỗ tầm 200CV trở lại. Tàu sắt chi phí lớn, đến 6-7 tỉ đồng/chiếc, trong khi đóng tàu gỗ khoảng 3 tỉ đồng. Chưa kể đóng tàu sắt đi biển dài ngày, có thể hai tháng, ngư dân chưa thể làm được. Từ hồi nào đến giờ họ toàn đi ngắn ngày.
“Từ trước đến nay tàu sắt là của Nhà nước, ngư dân chỉ có tàu gỗ. Nay làm đồng bộ, mới hết, nói ngay phải làm thế này, thế kia, bà con chưa quen. Phải vừa làm vừa học lẫn nhau. Với lại tôi cũng có suy nghĩ năng lực đâu mà đóng tàu sắt nhiều thế. Liệu có thể thành lập ngay những đơn vị đóng mới hàng loạt? Đóng xong còn phải đào tạo ngư dân, chứ bỏ không sao? Phải làm thay đổi bản chất, không phải theo phong trào, thực tiễn là quý nhất”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu, nhấn mạnh.
Nói về duy tu bảo dưỡng, ngư dân Bình Sơn chỉ mới có các tổ hợp sửa chữa, đóng tàu gỗ. Trước khi Nghị định 67 ban hành và hiện tại huyện chưa hề có khu neo đậu, sửa chữa tàu sắt. Ở Bình Châu có cảng Sa Kỳ, tàu của ngư dân về không vào luồng lạch được thì kéo vào đó, nhất là mùa biển động.
“Ngư dân Bình Sơn không có thế mạnh nào sao?”. Ông Sơn nói: “Có chứ. Lực lượng thuyền trưởng và máy trưởng ở đây nhiều vì chúng tôi đã kết hợp với Đại học Thủy sản Nha Trang đào tạo, cấp chứng chỉ cho anh em”.
Những cuộc tiếp xúc với ngư dân chỉ ra để chuyển đổi từ tàu gỗ thành tàu sắt là cả một cuộc cánh mạng có tính lâu dài, không thể cứ “sôi lên sùng sục”, đốt cháy giai đoạn là làm được. Công tác tuyên truyền, đặc biệt vai trò của chính quyền địa phương qua ba cấp tỉnh, huyện, xã mang tính quyết định. Vai trò nặng nhất đặt lên chính quyền cấp xã, nhưng hiện năng lực hệ thống công chức cấp xã dường như chưa đủ sức gánh vác trọng trách này. Chúng ta thiếu chính sách phát triển cán bộ xã cho công việc quản lý, tuyên truyền cho ngư dân.
Nói một cách khác, trình độ quản lý của địa phương cấp xã chưa theo kịp những nhiệm vụ, nội dung mà Nghị định 67, có hiệu lực từ ngày 25-8 tới, yêu cầu.

No comments:

Post a Comment