09:03 GMT - thứ tư, 6 tháng 8, 2014
Ở Việt Nam quyền tư pháp yếu hơn nhiều so với quyền lập pháp và hành pháp.
Trong buổi tọa đàm giữa Đoàn luật sư Hà Nội và Đoàn luật sư thành phố Paris của Pháp, cử tọa đã hết sức thán phục khi được biết Đoàn luật sư Paris có lịch sử đã 800 năm.
Hãy hình dung, khi mà vua quan quân lính nhà Trần còn đang rong ruổi thanh gươm yên ngựa để chống giặc, thì ở thủ đô Paris của nước Pháp, đã có những người mặc áo choàng đứng ở phiên tòa mà biện hộ cho người bị cáo.
Tức là khi ở Việt Nam sự sống còn của quốc gia dân tộc còn chưa được đảm bảo chứ đừng nói gì đến quyền của kẻ tội nhân ở chốn công đường, thì ở nước Pháp đã hình thành nên một thiết chế mà sự đúng đắn là bệ đỡ đã giúp nó tồn tại cho tới tận ngày nay.
Vai trò thủ lĩnh
Suốt lịch sử 800 năm hẳn những người luật sư của Paris đã đối diện với biết bao biến động thời cuộc. Để có thể vượt qua được mọi sóng gió như thế, hẳn phải có nhiều nguồn sức mạnh trụ đỡ.
Một nguồn sức mạnh cho nghề luật sư đó là nghề nghiệp này mang tính chính đáng nghĩa hiệp, phù hợp với luân thường đạo lý con người khi một người đứng ra bảo vệ cho kẻ yếu trước một sức mạnh áp đảo là cường quyền.
Nhưng chỉ sức mạnh từ luân lý sẽ không đủ để đoàn luật sư Pari tồn tại được cho tới ngày nay. Mà nó còn được dẫn dắt bởi những thế hệ người thủ lĩnh đoàn với đầy đủ tư cách đạo đức và sự uyên bác về trí tuệ.
"... hệ thống chính trị không coi trọng quyền tư pháp, quyền tư pháp yếu hơn rất nhiều so với quyền lập pháp và hành pháp."
Những thế hệ người thủ lĩnh chắc chắn phải nhận được sự tín nhiệm của các thành viên, được sự kính nể của cơ quan tư pháp đương quyền, có như thế tiếng nói và hành động mới có trọng lượng và sức thuyết phục.
Ví như các vị vua đời đầu của nhà Trần hoặc vị anh hùng Trần Hưng Đạo, hẳn là phải có kiến thức hiểu biết và phong độ uy tín như thế nào mới có thể điều binh khiển tướng chống giặc ngoại xâm ba lần thành công.
Trong bất kỳ một tổ chức nào, vai trò của người thủ lĩnh đều rất quan trọng, kinh nghiệm kiến thức của họ sẽ quyết định con đường mà tổ chức sẽ đi. Nhưng đặc biệt trong giới luật sư, khi thước đo nghề nghiệp là uy tín thương hiệu thì người đứng đầu càng phải là người có uy tín và danh dự nhất.
Cũng chỉ đặc biệt ở nghề luật sư, sự thành công là ở khả năng thuyết phục của lời nói, như thế thì điều tối kỵ là danh bất chính vì nếu thế thì ngôn sẽ bất thuận. Không có uy tín, không được tín nhiệm thì nói ai người ta nghe?
Sự áp đặt vô lý
Thấy được bề dày lịch sử của đoàn luật sư Paris như vậy, nhìn lại giới luật sư Việt Nam mà thấy buồn.
Nghề luật sư ở Việt Nam thực sự mới hoạt động từ vài ba chục năm nay, số lượng luật sư cả nước tính đến nay chỉ khoảng 8.000, con số rất nhỏ so với các hội đoàn khác, ví như hội luật gia số thành viên là 46.000.Luât sư Venezuela tập trung phản đối chính phủ
Giới luật sư cũng chưa tạo dựng được hình ảnh đáng trân trọng trong xã hội. Nguyên do một phần vì hệ thống chính trị không coi trọng quyền tư pháp, quyền tư pháp yếu hơn rất nhiều so với quyền lập pháp và hành pháp, trong khung cảnh đó giới luật sư chịu chung số phận hẩm hiu.
Một nguyên nhân khác là sự yếu kém nội tại của giới luật sư mà chỉ người trong nghề mới hiểu, nhiều người thờ ơ vô trách nhiệm, không có bản lĩnh chính kiến trước các vấn đề của tổ chức, không có tinh thần dấn thân cho nghề nghiệp.
Thời điểm năm 2009 khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, chính quyền đã sắp đặt để những người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư lại đứng đầu tổ chức luật sư cả nước. Những người chưa hề có uy tín nghề nghiệp lại đứng trên cả những luật sư với thâm niêm mấy chục năm hành nghề.
Đứng đầu tổ chức luật sư nguyên là một phó chánh án tòa án tối cao, một người hầu như chưa bao giờ hành nghề luật sư. Cấp phó thường trực của ông này là một vị nguyên là vụ trưởng một vụ của Bộ Tư pháp, một người cũng hầu như chưa hề hành nghề luật sư.
Có thể họ tuy không hành nghề những cũng biết về nghề luật sư, nhưng biết với trải nghiệm là hoàn toàn khác nhau.
Những người chưa từng đổ một giọt mồ hôi lên các trang hồ sơ tài liệu và chưa từng khóc thầm vì những trái ngang của cơ chế, họ làm sao thấu hiểu những vấn đề của nghề luật sư?
Những người vì đã đến tuổi nghỉ hưu nên phải thôi chức ở cơ quan nhà nước, rồi lại được cơ cấu sang đứng đầu một tổ chức khác, thì lấy đâu ra nhiệt huyết cống hiến của những con người này.
Không sống bằng thu nhập nghề nghiệp, đã có nguồn thu nhập khác, hy vọng gì họ sẽ trăn trở thao thức để vạch đường tìm lối cho nghề luật sư phát triển?
Việc áp đặt nhân sự không chính đáng đã phạm phải vấn đề húy kỵ nhất của nền tư pháp đó là sức mạnh thuộc về công lý và chính nghĩa chứ không thuộc về cường quyền.
Xuất phát từ đâu mà chính quyền lại áp đặt lối nhân sự như vậy. Phải chăng đó là thâm ý của chính quyền, áp đặt nhân sự kém năng lực để kìm hãm giới luật sư trong trì trệ, níu giữ nền tư pháp nước nhà trong lạc hậu?
No comments:
Post a Comment