Làn sóng dân chủ vẫn tiếp tục tràn lan trên miền đất Á Châu gần Việt Nam nhất; một năm qua đánh dấu những bước trưởng thành thấy rõ trong các cuộc bầu cử tại ba nước Campuchia, Indonesia và Ấn Ðộ. Dân chúng trong ba quốc gia hăng hái đi bầu để chọn người đại biểu, điều này dễ thấy. Nhưng một yếu tố quan trọng hơn nữa, là họ tích cực tham dự vào tiến trình lựa chọn. Qua việc bỏ phiếu, chúng ta thấy dân khí của người dân bước nước đang dâng lên cao, chưa từng thấy trong lịch sử nước họ.
Dân khí là yếu tố quan trọng nhất. Trong khi còn đang tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ cho dân tộc Việt Nam, chúng ta cũng không được quên lời khuyên đầu tiên của Phan Châu Trinh: Phấn dân khí. Thiết lập chế độ dân chủ bằng hiến pháp, luật lệ chỉ là bước đầu cần thiết. Người chế độ dân chủ chỉ là một cái khung được dựng lên, chưa phải là ngôi nhà. Giống như ấn định luật chơi cho một môn thể thao chưa đủ, phải làm sao cho các cầu thủ hăng hái dự cuộc đấu với tinh thần thượng võ. Xây dựng một đời sống dân chủ tự do bền chặt, vững vàng, đòi phải xây dựng tinh thần của một số lớn đồng bào thiết tha tham dự vào việc nước.
Hôm qua, chính trị Campuchia mới tiến thêm một bước: Các dân biểu đảng đối lập đồng ý bắt đầu đi họp Quốc Hội, hơn một năm sau cuộc bầu cử ngày 28 Tháng Bảy năm ngoái. Ông Sam Rainsy và 54 đại biểu tham dự lễ tuyên thệ sau khi ông Hun Sen nhượng bộ, chấp nhận yêu cầu của họ là cải tổ việc tổ chức bầu cử, với một Ủy Ban Bầu Cử quốc gia có tư cách độc lập do cả hai đảng cùng chọn. Năm ngoái, cuộc bầu cử tại Campuchia được cả thế giới theo dõi vì dân xứ này chưa bao giờ hăng say thực hiện quyền bỏ phiếu như vậy; với kết quả bất ngờ là đảng Nhân Dân Campuchia chỉ thắng được 68 ghế, mất 22 ghế; trong khi đảng Cứu Quốc Campuchia đối lập đã đoạt được 55 ghế. Trước đó, người ngoài vẫn khinh thường “chí khí” của người dân xứ này, cho rằng họ sẽ cúi đầu chịu đựng chế độ độc tài mãi mãi, sau khi ông Hun Sen đã củng cố quyền lực suốt 30 năm, và được Trung Cộng hết lòng hỗ trợ.
Dân Campuchia cho thấy thiên hạ đã đánh giá họ quá thấp. Trước ngày bỏ phiếu, hàng trăm người dân đã biểu tình hoan nghênh đảng đối lập. Sau khi có kết quả, hàng trăm ngàn người đã biểu tình phản đối việc tổ chức gian lận. Phe đối lập tố cáo hàng triệu người đã bị bỏ sót không có trong danh sách cử tri; và nhiều di dân không hợp pháp người Việt lại được đi bầu.
Trong một năm qua, Quốc Hội Campuchia vẫn họp, thông qua nhiều đạo luật của ông phe Hun Sen, nhưng cuối cùng chính ông ta cũng thấy phải thỏa hiệp với đảng đối lập để cuộc bầu cử sắp tới, năm 2018, sẽ do một cơ quan độc lập tổ chức. Nền dân chủ Campuchia giữ được cộng đồng quốc tế kính trọng hay không, là do ủy ban này có độc lập hay không. Ông Sam Rainsy cũng rút được một bài học tranh đấu chính trị dân chủ: Thua keo này thì bày keo khác, không thể chỉ tố cáo gian lận và tẩy chay suông. Nếu biết có gian lận, thì tranh đấu chống gian lận ngay từ trước khi bỏ phiếu, qua một ủy ban bầu cử độc lập.
Trong quá trình xây dựng dân chủ việc lập một Ủy Ban Bầu Cử độc lập là một bước tiến bộ. Ðây là một thành công của mọi người dân Campuchia chứ không riêng của các nhà chính trị đối lập. Chỉ khi nào việc tổ chức bầu cử công minh, trong sạch, thì người dân mới tin tưởng vào việc đi bỏ phiếu. Nếu không, người ta sẽ coi tất cả chỉ là một tấn tuồng giả dối, một trò hề, đánh lừa người, đánh lừa mình. Một tấm gương gần nước Việt Nam nhất có thể thấy tại Ấn Ðộ. Ủy Ban Bầu Cử nước Ấn Ðộ hoàn toàn độc lập với chính phủ, tiểu bang và liên bang, đã giúp bảo vệ nên dân chủ nước này từ năm 1947, chưa bao giờ bị mang tiếng gian lận, được cả thế giới kính trọng.
Năm nay dân Ấn Ðộ đi bầu, và họ đã thay đổi chính phủ. Ðảng Quốc Ðại lâu đời thua, dù họ đã nắm chính quyền 54 năm trong 67 năm từ khi Ấn Ðộ độc lập. Ðảng Bharatiya Janata Party thắng, ông Narendra Modi lên làm thủ tướng. Ông đắc cử nhờ tiếng tốt, sau khi đã giữ chính quyền tại tiểu bang Gujarat, Gujarat, trừng trị tham nhũng, phục hồi kinh tế, mặc dù ông bị mang tiếng là kỳ thị người Hồi Giáo. Cuộc bỏ phiếu, từ ngày 7 Tháng Tư, kéo dài hơn một tháng, chia làm bảy giai đoạn, vì dân số quá đông và quá phức tạp. Nước Ấn Ðộ hiện nay gồm 28 tiểu bang và 7 lãnh thổ tự trị dân với 22 ngôn ngữ được đề cao là chính thức. Quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới này đã tổ chức cho 815 triệu người bỏ phiếu, tăng thêm 100 triệu kể từ kỳ bầu cử năm 2009. Họ lập ra 930,000 phòng phiếu, với gần một triệu rưỡi máy bỏ phiếu điện tử; do 5 triệu rưỡi nhân viên trông nom, và được 11 triệu cảnh sát và quân nhân canh gác.
Khi Ấn Ðộ được người Anh trao trả độc lập, năm 1947, lục địa này gồm hơn 500 nước nhỏ. Những nhà lãnh đạo như Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru, [và cả Mohammed Ali Jinnah sau là thủ tướng Pakistan] đều xuất thân từ các đại học Anh quốc và đều tin tưởng phải xây dựng quốc gia tương lai theo thể chế dân chủ đại nghị. Ðảng Quốc Ðại phải thuyết phục các vị tiểu vương đồng ý tham gia liên bang, sau khi dân Hồi Giáo tách ra lập Pakistan. Khi đó, ít người nào tin giấc mộng của họ sẽ thành sự thực. Winston Churchill đoán rằng nước Ấn Ðộ sẽ trở thành một nước độc tài, sau mấy năm thí nghiệm dân chủ bất thành, vì dân trí thấp, nghèo, lại chia rẽ với hàng trăm đẳng cấp, hàng ngàn ngôn ngữ, và xung đột tôn giáo thường xuyên.
Nếp sống tự do dân chủ của hơn một tỷ người dân Ấn Ðộ được bảo vệ, các cuộc bầu cử được tổ chức định kỳ không bao giờ bị hoãn, ngay cả trong thời gian bà Thủ Tướng Indira Gandhi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Lòng tin của người dân vào chế độ dân chủ, lối sống tự do được củng cố, một phần vì các nhà chính trị có nền nếp tôn trọng luật giao đấu dân chủ, một phần lớn nhờ người dân tham gia tích cực vào cuộc đấu dân chủ, và sau cùng phải kể đến sự hiện diện của một Ủy Ban Bầu Cử hoàn toàn độc lập với các đảng phái và chính quyền, tiểu bang cũng như liên bang. Hiện nay trong nước Ấn Ðộ có một triệu rưỡi phụ nữ làm đại biểu cho dân, trong các hội đồng làng xã; con số cao hơn tổng số các nữ đại biểu dân cử của cả thế giới họp lại. Chỉ một quốc gia có hy vọng chiếm kỷ lục này thay Ấn Ðộ, là Trung Quốc; nhưng chính quyền Trung Cộng chưa cho dân tự do lựa chọn người đại diện!
Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia tại Ấn Ðộ thành công, nhờ hai đặc tính: Không tham nhũng, và chống lại áp lực của các đảng chính trị. Mỗi năm có bầu cử ủy ban này được quyền sử dụng các phương tiện của guồng máy nhà nước. Quyền hành của họ được giới hạn trong công tác tổ chức bầu cử và bảo đảm tính công bằng, quang minh; công tác đó lại có giới hạn thời gian. Ðó là hai yếu tố giúp cho họ không “hư hỏng” trước áp lực tiền tài hay quyền lực. Công tác tổ chức được làm định kỳ, càng làm nhiều lần thì càng thêm kinh nghiệm tổ chức hoàn hảo hơn. Việc tổ chức bầu cử, được cả nước trông vào, tạo uy tín cho những người phụ trách, khiến họ càng cố gắng bảo vệ danh dự của mình, như danh dự quốc gia. Nhưng họ cũng được khuyến khích, hỗ trợ nhờ một nền báo chí tự do, trăm ngàn con mắt đổ vào soi mói, không thể làm bậy được.
Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Ấn Ðộ được quy định bằng luật pháp, có quyền độc lập với chính phủ và Quốc Hội; giống như Ngân Hàng Trung Ương Ấn Ðộ. Với quyền hành được giới hạn, trong ngân sách cũng như trong thời gian, ngay chuyện tham nhũng, hối lộ cũng khó xẩy ra. Họ không có nhiều tiền tùy ý chi tiêu cho nên khó tham nhũng. Họ không có quyền quyết định ai được đi bầu, ai được ứng cử, vì tất cả được luật lệ quy định, cho nên dù muốn cũng khó hối lộ họ. Nhưng bảo đảm lớn nhất cho thanh danh của Ủy Ban Bầu Cử là quyền tự do thông tin: báo chí, các đài truyền thanh, truyền hình luôn luôn theo dõi mọi hành vi của những người có quyền.
Vị chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Ấn Ðộ và hai người phụ tá lãnh lương cao bằng các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Ông chủ tịch chỉ bị huyền chức nếu có hai phần ba Thượng Viện và Hạ Viện bỏ phiếu kết tội vi phạm luật với bằng chứng rõ ràng, hay vì mất năng lực. Các ủy viên khác chỉ bị tổng thống cách chức khi ông chủ tịch đề nghị. Ðể tránh thế lực tiền bạc ảnh hưởng quá trên lá phiếu, Ủy Ban Bầu Cử có quyền ấn định giới hạn quỹ vận động cũng như thời gian tranh cử; và có quyền cử nhân viên kiểm tra các ứng cử viên.
Thiết lập một Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia độc lập, như tại Ấn Ðộ, là một điều kiện cần thiết để chế độ dân chủ thành sự thật. Nhưng ngay cả khi chưa có một tổ chức hoàn hảo, thì sự tham dự của người dân trong sinh hoạt bầu cử sẽ quyết định nền dân chủ có thật hay giả hiệu. Tại Indonesia, trong cuộc bầu cử tháng trước chứng tỏ dân khí nước này rất cao, cho người Việt chúng ta một tấm gương sáng.
Tuần trước Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Indonesia (KPU) đã chính thức công bố kết quả, ông Joko “Jokowi” Widodo thắng Tướng Prabowo Subianto với tỷ số 53%/47%, hơn bảy ngàn lá phiếu. Tướng Prabowo còn thưa kiện trước Viện Bảo Hiến, nhưng ít hy vọng thay đổi.
Ðây là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp thứ nhì tại Indonesia sau năm 1989, khi chế độ quân phiệt của Tướng Suharto bị lật đổ. Và nhiều người không ngờ tinh thần tham dự của người dân nước này lại tích cực như vậy. Ðây cũng là lần đầu tiên Ủy Ban KPU thiết lập mạng thông tin (website) công bố ngay các kết quả từ các địa phương từ hơn 3,000 hòn đảo chính. Việc kiểm phiếu từ những lần trước vẫn thực hiện trước mắt công chúng. Nhưng hiện tượng đột phá quan trọng nhất là những người dân bình thường tự động giám sát bầu cử, mà đa số là những người ủng hộ ứng cử viên Jokowi.
Ông Jokowi được coi là người của nhân dân, khác hẳn các nhà chính trị Indonesia khác, phần lớn họ thuộc các gia đình quyền thế và giầu có, hoặc thuộc hàng tướng lãnh hay giáo sĩ Hồi Giáo. Một đạo quân tình nguyện giúp ứng cử viên của họ, được tiếng là trong sạch và làm việc có hiệu quả, sau khi đã làm thị trưởng hai thành phố. Họ có mặt ở từng làng, suốt ngày theo dõi, chờ khi đếm phiếu xong họ chụp hình ngay bảng kết quả trong “Mẫu kiểm phiếu C1” của từng phòng phiếu. Họ sẽ kiểm soát lại trên website của Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia, để biết chắc kết quả được báo cáo đúng sự thật. Và họ cũng cung cấp hình chụp kết quả cho “iWitness,” một mạng thông tin xã hội mới lập ra để theo dõi cuộc bầu cử năm nay.
Với sự tham dự nồng nhiệt của người dân vào việc bầu cử, gian lận sẽ rất khó. Người dân Indonesia sử dụng điện thoại lưu động nhiều, cho nên việc gửi hình ảnh tới “iWitness” thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Kỹ thuật thông tin tiến một bước, các chế độ độc tài lại lùi một bước. Dân khí cao khiến người dân tin tưởng và muốn tham dự vào việc nước; là một bảo đảm cho tiến trình dân chủ hóa. Tại Ấn Ðộ, có 600 triệu người đang dùng điện thoại di động.
Khi sống trong không khí thông tin tân tiến, người dân một nước sẽ ngẩng đầu lên đòi hỏi phẩm giá mình phải được tôn trọng. Dân khí được nâng cao với những ước mơ, khát vọng mới. Dân khí lên cao mới có thể tranh đấu cho tự do dân chủ; nhưng phải giữ vững dân khí cao thì nền dân chủ mới củng cố vững chắc. Nhìn vào tấm gương ba nước Á Châu, chúng ta tin tưởng khi chế độ dân chủ được thiết lập ở nước ta, người Việt Nam cũng sẵn sàng củng cố nền dân chủ thật sự, không chấp nhận dân chủ giả hiệu.
08-05-2014 6:49:38 PM
Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment