Thursday, August 14, 2014

Tác quyền nhạc Trịnh chẳng khác gì chuyện con tôm, con cá

Những hình ảnh tranh luận gay gắt, căng thẳng giữa ông Phó Đức Phương (VCPMC) với ông Nguyễn Ngọc Sơn (Công ty Đồng Dao) trước show diễn của Khánh Ly tại Đà Nẵng vừa qua được báo chí đăng tải cho thấy sự eo sèo về tác quyền ở hậu trường. Ảnh chụp lại từ màn hình: Nguyễn Vinh
(TBKTSG Online) - Dĩ nhiên là người ta vẫn hát nhạc Trịnh khắp nơi, vì nhiều mục đích, trong đó có kinh doanh, nhưng câu chuyện tác quyền trở nên lùm xùm, rắc rối sau khi ca sĩ Khánh Ly có buổi biểu  diễn tại Hà Nội gây sự chú ý đặc biệt đối với công chúng vào tháng 5/2014 vừa qua.
Tháng 8 và tháng 10 /2014, theo kế hoạch, Khánh Ly trở về nước biểu diễn tại ba thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, vẫn do Công ty giải trí Đồng Dao (nơi đã từng đầu tư show Live Concert Khánh Ly, tháng 5/2014) đứng ra tổ chức.
Cần điểm qua những thông tin chính liên quan đến vấn đề tác quyền trong vụ việc này. Về pháp lý, sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, di sản âm nhạc của ông thuộc về bảy anh em trong gia đình ông. Sau đó, thì năm trong số bảy thành viên trên đã ủy quyền cho hai người là Trịnh Vĩnh Trinh và Trịnh Xuân Tịnh ( 9/4/2002) nắm giữ tác quyền. Nhưng năm 2001 và 2014, bà Trịnh Vĩnh Trinh và ông Trịnh Xuân Tịnh có làm hợp đồng chuyển ủy quyền di sản nhạc Trịnh Công Sơn cho Trung tâm Bảo vệ quền tác giả âm nhạc (VCPMC). Đến ngày 24/7/2014, trước khi live show của Khánh Ly diễn ra tại Hà Nội lần thứ hai, theo yêu cầu từ VCPMC, bà Trịnh Vĩnh Trinh có thông báo đến VCPMC xác nhận lại lần nữa về tính pháp lý của bản hợp đồng bản quyền.
Bên tổ chức biểu diễn, là Công ty Đồng Dao phát ngôn với báo giới rằng, việc họ chưa thanh toán tác quyền các show diễn của Khánh Ly là bởi VCPMC và phía bà Trịnh Vĩnh Trinh chưa chứng minh được đầy đủ tính thừa kế hợp pháp của tác quyền đối với di sản nhạc Trịnh Công Sơn.
Bên VCPMC, mà đại diện là nhạc sĩ Phó Đức Phương, thì kiên quyết đòi cho bằng được tác quyền trước các đêm diễn của Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng. Trong hai chương trình trên, Khánh Ly có biểu diễn một số ca khúc của Trịnh Công Sơn bên cạnh tác phẩm của Phú Quang, Trương Quý Hải, Nguyễn Ánh 9, Phạm Duy...
Sự việc “lèng èng” không “thuận” trong các thỏa thuận tác quyền trực tiếp đã dẫn đến căng thẳng tới mức live show Khánh Ly dự kiến tổ chức vào tháng 10 ở Bình Dương đã phải tạm ngưng.
Bầu show Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty giải trí Đồng Dao cũng phát ngôn với báo giới rằng, ngoài chuyện nhà đầu tư của live show Khánh Ly mong muốn xác thực về sở hữu tác quyền cụ thể, thì sự việc dẫn đến căng thẳng một phần cũng do mức tác quyền mà VCPMC đưa ra “cao đến mức phi lý”. (Ông này cũng tiết lộ rằng, đêm live show concert Khánh Ly 9/ 5 vừa qua tại Hà Nội, nhà tổ chức đã phải trả cho VCPMC 262 triệu đồng chi phí tác quyền cho riêng phần ca khúc của Trịnh Công Sơn được sử dụng trong chương trình. Và VCPMC đưa ra mức giá không thương lượng cho phía Đồng Dao: mỗi ca khúc Trịnh Công Sơn được sử dụng trong đêm nhạc Khánh Ly 2/8/2014 vừa qua là 7,5 triệu đồng)
Vấn đề được đặt ra ở đây, trước hết là mức giá tác quyền cho các ca khúc được biểu diễn ai sẽ là người có quyền định đoạt. Trên những tiêu chí hay thang giá cụ thể nào, thì hiện chưa có các điều khoản pháp luật quy định, nơi nắm tác quyền cũng không đưa ra thang bảng cụ thể trước đó, mà là do tự thỏa thuận “linh động” giữa hai bên, sở hữu tác quyền và sử dụng tác quyền (nhà đầu tư).
Vì thế, trách nhà đầu tư kinh doanh các chương trình biểu diễn nghệ thuật thì cũng đúng, ở chỗ, văn hóa sử dụng tác quyền trong kinh doanh chưa được tiến hành một cách chủ động từ trước, để dẫn đến những sự việc đáng tiếc như người nắm tác quyền phải đến tận nơi biểu diễn để ra giá, đòi tiền, sau đó điều qua tiếng lại trên truyền thông. Nhưng cũng phải xem lại về tính minh bạch trong thông tin thủ tục pháp lý và cả những điều lệ giao dịch từ phía người giữ tác quyền, để dẫn đến những lùm xùm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, làm cho việc mua bán sản phẩm văn hóa trở nên eo sèo, trả treo như chuyện mua bán con tôm con cá.
Một khi việc thực thi tác quyền chưa căn cứ trên những điều khoản pháp lý cụ thể, một khi cơ sở pháp lý và thực thi tác quyền còn lỏng lẻo, thì việc hành xử tác quyền theo cách cảm tính, ồn ào và thiếu tôn trọng nhau tương tự vẫn sẽ còn diễn ra. Ở đó, người sử dụng sản phẩm văn hóa ngang nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong khi, nơi được gọi là bảo vệ pháp lý tác quyền lại hành xử chẳng khác nào kẻ đòi nợ mướn. Đây là một vụ việc điển hình cho thấy tính “hoang dã” trong ứng xử văn hóa tác quyền nói chung ở Việt Nam.
Tác quyền là sở hữu tinh thần, rất khó định giá. Chính vì thế, càng cần đến sự minh bạch pháp lý để người sở hữu nó không thiệt, người sử dụng nó có ý thức và người bỏ tiền ra mua những tấm vé đắt tiền để hưởng thụ những giá trị tinh thần không phải lăn tăn bởi những chuyện hậu trường thật tình là chẳng hay ho gì.

Nguyễn Vinh

No comments:

Post a Comment