Sự liên quan của Kiên đối với vụ giết người (có yếu tố móc nối với “xã hội đen”) đã gây mất lòng tin và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền.
- Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy liên quan gì đến vụ giết người?
- Thuê sát thủ giết lái xe ôtô với giá 30 triệu đồng
Vụ việc Phó Ban Tổ chức Quận uỷ Cầu Giấy Lê Trung Kiên bị bắt liên quan đến vụ giết người gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây dẫu chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đội ngũ cán bộ – những “công bộc” của nhân dân.
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 12/8 liên quan đến việc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội – Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ ông Lê Trung Kiên (sinh năm 1971, Phó Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy) để phục vụ điều tra vụ án mạng xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng vào ngày 5/8, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, ông Lê Trung Kiên đang bị điều tra với vai trò bao che, không tố giác tội phạm trong vụ giết người.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho hay, sau một tuần xảy ra án mạng - ông Kiều Hồng Thành (sinh năm 1961, trú tại Mê Linh, Hà Nội) tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt 5 người. Ba trong số này có nhiều tiền án, tiền sự. Ông Lê Trung Kiên và Nguyễn Quốc Văn (54 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại tổng hợp, kinh doanh bất động sản) được cho là "gián tiếp" gây án. Các thông tin khác do đang điều tra nên chưa thể thông báo.
Tội trạng của Lê Trung Kiên đến đâu phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng sự liên quan của Kiên đối với vụ giết người (có yếu tố móc nối với “xã hội đen”) đã gây mất lòng tin và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền. Bởi những kẻ sẵn sàng nhận tiền thuê, chỉ vài chục triệu đồng để cướp đi mạng sống của người khác, đã thật sự gây nguy hiểm cho xã hội, làm tổn hại đến sự bình yên cho cuộc sống của người dân, tội ác không thể dung thứ. Chia sẻ với báo giới, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, “đây là chuyện đáng xấu hổ, một người đã giữ vị trí quan trọng trong một cơ quan của quận lại có những hành động như vậy”. Theo bà An, sơ hở có lẽ ở chỗ quản lý ngoài giờ làm việc, sinh hoạt ở khu phố, quan hệ bạn bè của cán bộ đảng viên không rõ ràng, dẫn đến sự việc đáng tiếc trên…
Không chỉ có ông Lê Trung Kiên, gần đây, xảy ra một số vụ việc cho thấy, ở chỗ này, chỗ khác đã có những cán bộ đảng viên biến chất, suy thoái về đạo đức, lối sống, liên kết với “xã hội đen” để mưu lợi cá nhân. Điển hình như vụ đầu tháng 6/2014, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố, bắt giữ 2 cán bộ hải quan Thành phố vì có hành vi cấu kết với một nhóm buôn lậu, nhập lậu 10 lô hàng lớn; hay hiện tượng “xã hội đen” bảo kê dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, dẫn xe quá tải tránh trạm cân mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu ra tại Hội nghị an toàn giao thông ngày 1/8, theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an tổ chức điều tra xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về tình trạng này…
Biết rằng, những vụ việc như thế chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nó lại ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước. Thiết nghĩ, những vụ án như trên cần phải được điều tra, truy tố, xét xử thật nghiêm minh, kịp thời để nhằm răn đe, cảnh báo cho nhiều người khác. Qua đây, chỉ ra cho chúng ta thấy bài học đắt giá trong công tác bồi dưỡng, rèn luyện, đề bạt cán bộ và đặt ra một câu hỏi lớn: Cơ chế nào để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên ngoài "tám giờ vàng ngọc" tại nơi làm việc?
No comments:
Post a Comment