Wednesday, April 16, 2014

Thòng lọng bằng cấp và tương lai chính trị

16/04/2014 18:15
Bằng cấp trước nay vẫn được coi là tấm vé vào cửa, là điều kiện cần để một cá nhân có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Đây được coi là quy tắc vàng và là lý do tồn tại của hệ thống giáo dục. Thế nhưng nhiều khi bằng cấp lại trở thành thòng lọng có khả năng giết chết tương lai chính trị hoặc sự nghiệp của một người. Vì sao?


Bằng cấp trước nay vẫn được coi là tấm vé vào cửa, là điều kiện cần để một cá nhân có thể thăng tiến trong sự nghiệp - Minh họa: DAD

Lý do là trong nhiều trường hợp, bằng cấp được người ta (đặc biệt là các đối thủ chính trị) soi mói và tấn công về ít nhất hai mặt.
Thứ nhất là uy tín của cơ sở đào tạo đã cấp bằng. Sẽ không ai đi chê bai bằng cấp của một trường có thứ hạng thấp, nhưng chắc chắn người ta sẽ tấn công nếu đó là bằng cấp của một trường không được kiểm định (unaccredited institution) hay một cơ sở bán bằng (diploma mill).
Thứ hai là nội dung của các nghiên cứu góp phần tạo nên bằng cấp. Sẽ không có mấy người đi chê bai một luận văn dở, miễn là luận văn đó đã được chấm đỗ. Thế nhưng họ chắc chắn sẽ bới móc và tấn công nếu luận văn đó không phải do chính người nhận bằng viết, hoặc viết mà không dùng trích dẫn một cách rõ ràng, dẫn tới nghi vấn đạo văn (ăn trộm kiến thức), từ đó dẫn tới việc phải xem lại tư cách của người được nhận bằng.
Chiếu tướng bằng cấp là cần thiết
Việc chiếu tướng bằng cấp là cần thiết không phải vì nó cho thấy người mang bằng cấp đó có giỏi hay không. Thực ra, nhiều người mang bằng cấp xịn từ trường lớn và không đạo văn chưa chắc đã là một người thành công ngoài xã hội. Việc chiếu tướng bằng cấp là nhằm đánh giá tư cách đạo đức của cá nhân. Một người sẵn sàng lừa xã hội bằng cách mua bằng dởm hoặc đạo văn thì sẽ sẵn sàng lừa xã hội ở các mặt khác, vì vậy khó có tư cách làm lãnh đạo.
Trong trường hợp thứ nhất, việc làm giả bằng cấp hay không trung thực về bằng cấp có thể khiến nhiều người đang ở vị trí quan trọng ngay lập tức chấm dứt sự nghiệp cho dù đó là một người có thể rất tài giỏi.
Scott Thomson là một điển hình như vậy. Scott Thomson đã mắc sai lầm khi viết không thành thật về bằng cấp của mình và bị buộc thôi việc sau chỉ 4 tháng đảm nhiệm vị trí CEO của Yahoo!. Nặng nề hơn, Bộ trưởng Bộ hàng không của Nigeria, Stella Oduah, báo rằng bà đã nhận bằng tiến sĩ tại Trường đại học Pacific Christian University, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người ta đã không thể tìm ra trường nào tại Mỹ có tên như vậy. Bà sau đó bị tổng thống sa thải vì tội tham nhũng vào tháng 2.2014.
 
Cũng trong chính phủ của bà Merkel, Bộ trưởng Quốc phòng trẻ tuổi và đầy tài năng Karl-Theodor zu Guttenberg(sinh năm 1971, được ví là Kennedy của nước Đức) đã buộc phải tuyên bố từ chức và dừng sự nghiệp chính trị khi mới bước sang tuổi 40 vì đạo văn trong luận án tiến sĩ. Ngoài ra trong năm 2013, Chủ tịch Hạ viện Đức Norbert Lammert và người đứng đầu cơ quan quốc phòng của Đài Loan Andrew Yang cũng bị tố cáo đạo văn và gần như ngay lập tức, Andrew Yang xin từ chức.
Đối với trường hợp 2, việc bị phát hiện đạo văn đã khiến cho nhiều quan chức, nhà chính trị trên thế giới mất mặt mà chủ động xin từ chức trước khi bị cách chức. Gần đây và đình đám nhất có lẽ là vụ Bộ trưởng Bộ giáo dục Đức, bà Annette Schavan, đã chủ động từ chức dù tuyên bố mình không đạo văn với luận án tiến sĩ vào tháng 2.2013. Luận án của bà được viết vào năm 1980 và chỉ đến khi bà là Bộ trưởng Bộ giáo dục sau đó 33 năm, câu chuyện luận án của bà mới được nhắc lại.
Chất lượng bằng cấp bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam?
Với mức độ hòa nhập ngày càng cao, xu hướng kiểm tra lại bằng cấp của các VIP cũng bắt đầu lan tới Việt Nam. Thực tế những năm gần đây, cả hai trường hợp hay mắc phải là mua bán bằng và đạo văn đều được đưa ra công luận và với tần suất ngày càng nhiều.
Với trường hợp thứ nhất, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian gần đây đã phải ra hàng loạt văn bản không công nhận bằng cấp khi có yêu cầu kiểm chứng. Trường hợp bằng tiến sĩ của Nguyễn Tấn Bình, Phó hiệu trưởng ĐH Văn hiến, được xác nhận mua bằng với giá 6.500 USD tại một trường chuyên bán bằng cấp. Hay gần đây nhất ngày 12.4, bằng thạc sĩ tại Trường đại học Công nghệ Paramount của Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Đà Lạt, ông Trần Đình Sơn, cũng được xác định là nằm trong danh sách các cơ sở đào tạo dỏm. Có thể kể thêm nhiều trường hợp khác như Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang sử dụng chứng nhận bằng cấp không phù hợp hay Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân có được bằng tiến sĩ mất vẻn vẹn 10 tháng và chẳng thể nói tiếng Anh với bằng cấp từ trường dỏm mang tên South Pacific University (SPU).
Trường hợp thứ hai về đạo văn, có thể thấy trường hợp của ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, là một điển hình vì ông được coi là người nghiêm túc trong khoa học, có đóng góp lớn và uy tín lớn. Câu chuyện đã gần 20 năm và nay được nhắc đến cho thấy người ta cần có trách nhiệm với việc mình làm trong quá khứ thế nào. Cuối cùng ông cũng bị cảnh cáo. Trước đó ông Hoàng Xuân Quế, Viện phó Viện Tài chính -Ngân hàng, đã bị tước bằng tiến sĩ kinh tế và học hàm phó giáo sư vì đạo văn, cho dù ông cực lực phản đối và đang kiện lại bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định trên.
Việc phát hiện đạo văn có thể coi là trào lưu mới có ở Việt Nam và chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên nếu trong năm tới sẽ còn có nhiều luận án của các nhân vật quan trọng tại Việt Nam được liệt vào danh sách này. Đây là hệ quả đặc biệt từ việc phát triển vô tội vạ của các loại bằng cấp, đặc biệt là thạc sĩ và tiến sĩ trong thời gian 10 năm qua. Các bằng cấp được chạy đua một cách vội vã vì mục tiêu chính trị hơn là vì mục tiêu học thuật đương nhiên để lại những lỗ hổng chết người, những dây thòng lọng dựng sẵn khiến cho chủ nhân của nó có thể chấm dứt sự nghiệp bất kỳ lúc nào.
Những thòng lọng được dựng sẵn cho tương lai?
Thông thường khi đã bị cáo buộc đạo văn hoặc văn bằng giả thì thực sự đây được coi là thảm họa dù biết rằng trên khắp thế giới việc đạo văn vẫn diễn ra hằng ngày. Ngày nay các quan chức lũ lượt đua nhau chạy đi học thạc sĩ, tiến sĩ theo những yêu cầu có phần kỳ cục như Thành ủy Hà Nội từng đưa kế hoạch đến năm 2020, 100% cán bộ thuộc diện quản lý của Thành ủy có bằng Tiến sĩ. Bản kế hoạch đó cũng chỉ ra rằng cán bộ chủ chốt cấp phường xã cũng 100% đại học và 50% là trên đại học. Kế hoạch này đã từng được cho là bài bản và khoa học. Điều này cho thấy bản chất của việc bằng cấp không chỉ ở dân chúng mà cũng đã vô cùng nặng nề ở các cấp lãnh đạo cao nhất ngay ở thủ đô.
 
Rất nhiều cán bộ cho rằng chỉ cần làm để có bằng chứ không hề coi trọng công trình được mang tên họ. Rủi ro có thể không đến ngay sau đó, nhưng đến khi nhiều năm sau đó, khi họ có vị trí xã hội, đối thủ hoặc công luận phát hiện ra rằng tấm bằng họ có được do mua bán hoặc đạo văn thì coi như con đường công danh sẽ chấm dứt sớm. Thòng lọng bằng cấp do chính họ tạo ra sẽ chấm dứt sự nghiệp của họ bất kỳ lúc nào.
Để thực hiện được kế hoạch này chỉ có hai khả năng, một là thay thế toàn bộ cán bộ lãnh đạo có chuyên môn hiện nay bằng các cán bộ nghiên cứu đến từ các trường, viện nghiên cứu. Hai là cho toàn bộ cán bộ nguồn đi “bổ túc” bằng tiến sĩ.
Với tinh thần “bổ túc” thì người viết bài này tin rằng lỗ hổng đạo văn và luận án kém chất lượng sẽ là phổ biến và tương lai chính trị của các tiến sĩ này vô cùng mong manh. Đa phần các cán bộ “bổ túc tiến sĩ” làm việc tại môi trường quản lý hơn là nghiên cứu độc lập như yêu cầu của việc làm tiến sĩ. Hơn nữa, vị trí công tác hiện tại cũng khiến cho các cán bộ lãnh đạo này không đủ thời gian tập trung một công việc nặng nề như học và nghiên cứu để viết luận án tiến sĩ.
Với thực tế như vậy thì việc các quan chức buộc phải đi mua bán bằng bắt đầu diễn ra ngày càng nhiều hơn như đã nêu ở trên. Vì vậy, các trường liên kết quốc tế với giá cắt cổ phục vụ cho việc lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ mới mọc lên như nấm trong thời gian qua. Ngay cả khi chọn trường nghiêm túc, các lãnh đạo không đủ thời gian sẽ tìm cách có bằng trong thời gian ngắn nhất bất kể việc vi phạm quy định như việc thuê người viết luận án hộ.  
Nếu có một lời khuyên thì có lẽ những người muốn làm chính trị thì đừng dại mà làm tiến sĩ tại Việt Nam, thời điểm hiện nay.
Đàm Quang Minh (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, tiến sĩ Đàm Quang Minh, hiện là Giám đốc điều hành Học viện giáo dục Hoa Kỳ, đơn vị sở hữu Trường cao đẳng nghề Việt Mỹ, Chương trình hợp tác quốc tế Broward College và Hệ thống Anh ngữ VATC tại TP.HCM


No comments:

Post a Comment