04-16-2014
HNSG2015-Có phải đất nước đang bên bờ của những cuộc nổi dậy đòi quyền sống? Có phải bây giờ đã tới lúc chín mùi để các cuộc nổi dậy bùng phát vì ngừơi dân không còn chịu nổi những gánh nặng quan quyền xã hội chủ nghĩa trên vai? Và ngay cả những trận đàn áp vừa qua của công an, có phải sẽ chỉ là mồi lửa mới cho những cuộc nổi dậy tiếp theo?
Những diễn biến bạo động ở Hà Tĩnh, khi người dân vây bắt, trói, và giam 4 công an, khi chính quyền huyện Thạch hà tê liệt, khi nhiều cán bộ và gia đình phải bỏ trốn… gợi tới Xô Viết Nghệ Tĩnh, một cuộc nổi dậy gần một thế kỹ trước, cũng ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh.
Cuộc nổi dậy lúc đó được Tự Điển Bách Khoa Mở kể lại:
“Phong trào này được mở đầu bằng cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 năm 1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven thành phố Vinh. Từ đó đến tháng 8 năm 1930, ở vùng Nghệ Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân, trong đó đáng chú ý là cuộc bãi công kéo dài của công nhân Nhà máy Diêm đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thủy…
…Nguyên nhân nổi dậy
Về mặt kinh tế: Chính quyền Pháp ở chính quốc thực hiện việc trút gánh nặng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 lên các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam làm cho đời sống người dân bản địa trở nên cơ cực, nhất là ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, chính vì vậy những người dân ở đây đã phản kháng lại chính sách này để giành quyền dân sinh, dân chủ.
Về mặt chính trị: Chính sách khủng bố nặng nề về mọi mặt của đế quốc thực dân Pháp sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái dẫn đến bầu không khí chính trị thêm căng thẳng và ngột ngạt, từ đó càng làm người Việt Nam thêm bất mãn, phẫn nộ và quyết tâm bạo động chống lại chính quyền Pháp và chính quyền địa phương…”(hết trích)
Có vẻ quen thuộc với những diễn tiến hiện nay ở Hà Tĩnh?
Đúng vậy.
Báo Người Lao Động hôm Thứ Hai 14-4-2014 kể:
“Sáng ngày 14-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Bùi Đình Quang – Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh – cho biết liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái phép tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Công an tỉnh đã tiến hành bắt giữ 4 người để phục vụ công tác điều tra.
Danh tính 4 người bị công an bắt giữ gồm Lê Văn Tình (27 tuổi), Nguyễn Thị Thuần (24 tuổi), Dương Hữu Tình (39 tuổi), Trần Hậu Thuận (42 tuổi), tất cả cùng trú ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà.
Trước đó, như báo Người Lao Động đã đưa tin, vào chiều ngày 10-4, tổ công tác gồm 6 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an huyện Thạch Hà đến nhà ông Trương Văn Trường (30 tuổi, trú thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà) thực hiện lệnh bắt tạm giam về hành vi gây rối trật tự công cộng thì bất ngờ hàng trăm người dân đã kéo đến la hét, chửi bới lực lượng công an. Không dừng lại đó, một số người dân kích động đã xông vào tấn công lực lượng công an, bắt giữ 4 chiến sĩ công an.
Ngay sau khi khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm chiến sĩ đến hiện trường để giải cứu 4 công an bị bắt trói. Tiếp tục gặp sự chống đối quyết liệt của người dân, đã có 13 chiến sĩ công an bị người dân đánh phải nhập viện cấp cứu.
Đến tối ngày 10-4, lợi dụng đêm tối, hàng trăm người dân lại tiếp tục kéo lên đập phá trụ sở UBND xã, sau đó đến bao vây tấn công nhà các cán bộ xã Bắc Sơn. Hậu quả, nhà của nhiều cán bộ xã bị đập phá tan hoang, người dân còn đốt cháy nhiều xe máy. Được biết, người dân gây rối, tấn cống lực lượng công an là nhằm phản đối việc tỉnh Hà Tĩnh xây dựng nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng trên địa bàn xã Bắc Sơn…”(hết trích)
Bản tin Đài RFA hôm 14-4-2014 nêu câu hỏi: Điều gì khiến người dân Bắc Sơn nổi loạn? Và rồi bản tin RFA ghi nhận:
“…Anh Trương Văn Trường bị công an cáo buộc là phá rối trật từ công cộng và đến bắt tại nhà là một cử chỉ dằn mặt người dân thôn Trung Sơn và xã Bắc Sơn vì nơi đây từ ngày 24/10 đến 20/11/ 2013 đã xảy ra 5 lần dân chúng chống lại người thi hành công vụ vì họ không đồng thuận với dự án xây dựng công viên vĩnh hằng, tức một nghĩa trang quy mô còn mang mỹ danh là nghĩa trang sinh thái chiếm diện tích đất gần 39 hecta với kinh phí 386 ti đồng.
Số đất mà công viên này trưng thu buộc người dân di dời, mất đất canh tác lên tới gần 20 héc ta và đây là lý do khiến họ nổi lên chống đối quyết liệt. Mặc dù được Ủy ban xã hứa hẹn là sẽ đền bồi thỏa đáng nhưng người dân không tin vào những hứa hẹn ấy và hơn nữa công viên nghĩa trang này sẽ ngăn cản xã Bắc Sơn không tiếp cận được với bên ngoài vì nghĩa trang nằm choán hết diện tích.
Trong đêm hôm ấy người dân đã nổi loạn thật sự khi ném đá vào nhà của cán bộ xã Bắc Sơn gồm những ông như Chủ tịch xã, Bí thư đảng ủy xã, Bí thư đoàn, cán bộ văn phòng và ngay cả trưởng công an xã cũng không tránh khỏi bị ném đá vào nhà và đốt xe gắn máy.
Cho tới hôm nay cán bộ của xã Bắc Sơn vẫn không dám về nhà, tất cả đều đưa vợ con đi lánh nạn vì sợ bị người dân trả thù. Việc này cho thấy sự uất ức của người dân đã vượt quá giới hạn khiến họ không còn sợ hãi. Trong khi đó người dân đi chợ hay tới những nơi khác bên ngoài xã Bắc Sơn đều có thể bị công an bắt giữ mà không ai hay biết. Anh Hòa cho biết:
“Người dân xuống đi chợ bị công an bắt không liên lạc gì được. Công an tự động bắt mà cũng không biết đưa đi đâu nữa. Một số cán bộ đã tránh đi hết coi như Bắc Sơn không có cán bộ nữa.”
Dự án khu nghĩa trang sinh thái đã bị dân tẩy chay ngay từ đầu nhưng huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh một mực buộc xã Bắc Sơn phải thực hiện cho bằng được…”(hết trích)
Báo Một Thế Giới ghi nhận rằng: “Chính Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Trần Bá Hoành thừa nhận không thể chống lại lệnh cấp trên dù đã có văn bản báo cáo tình hình chính trị đang bị tê liệt tại địa phương…. Chính quyền xã Bắc Sơn đã ngưng hoạt động từ ngày 10.4. Trụ sở xã đóng toàn bộ cổng… liên tục có những vụ gây rối mất trật tự của người dân khi nói về dự án. Từ đó đến nay, liên tục có 30 vụ.”
Trong khi đó, tác giả Xuân Lộc qua bài viết tựa đề “Đừng để ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng lên lần thứ 2“ trên mạng Quê Choa đã kể:
“…Rất tiếc là cho đến nay, chính quyền thường cho mình quyền quyết định tất cả, với lý lẽ: đất đai thuộc sở hữu toàn dân và là chủ trương của đảng, nên áp đặt ý chí của mình bắt nhân dân phải chấp hành. Khi chủ trương không hợp lòng dân, nhân dân phản đối thì thay vì ngồi với dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, chính quyền lại dùng lực lượng công an bắt bớ, khởi tố những người đứng đầu, gán cho họ tội gây rối trật tự công cộng, kích động bạo loạn…để nhằm mục đích trấn áp ý chí của người dân.Và cứ thế khoảng cách giữa dân-đảng ngày càng xa.Bây giờ thì niềm tin của nhân dân đã ở tận đáy rồi, Khi người nông dân bị dồn đến chân tường thì thử hỏi còn có cách nào khác ngoài việc bật dậy ?
Câu chuyện người dân Kỳ Anh quê tôi đoàn kết phản đối đoàn cưỡng chế, làm bị thương những người thi hành công vụ trong đó có cả ông chủ tịch huyện ngày 29/3/2014 ở Hải Phong-Kỳ Lợi, rồi cả ngàn người dân Quỳnh Văn-Quỳnh Lưu, Nghệ An bao vây đoàn cưỡng chế ngày 28/3/2014, và lớn hơn là việc người dân xã Bắc Sơn-Thạch Hà -Hà Tĩnh bao vây, đánh bị thương một lúc 9 công an, bao vây đập phá trụ sở xã vừa rồi, tôi cho là ít nhiều đều xuất phát từ lý do coi thường nguyện vọng của dân và áp đặt ý chí của chính quyền lên người dân như nêu ở trên. Bởi lẽ nếu chỉ có một vài người phản đối, có thể cho là họ vì quyền lợi cá nhân mình mà trở thành ” dân gian”, nhưng ở đây là một cộng đồng, hầu như là toàn bộ nhân dân cả một xã, kể cả vị bí thư đảng ủy và UBND xã đã nhiều lần gửi kiến nghị lên cấp trên, nhưng cả cái nhóm lợi ích của Hà Tĩnh vẫn cương quyết đi đến tận cùng với nhân dân, ép buộc cấp dưới phải thực thi mệnh lệnh…
…Đừng để cho ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh bùng lên lần thứ 2. Nó sẽ là dấu chấm hết cho một triều đại đấy.”(hết trích)
Đọc lại trang sử Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng ta thấy vẫn như rất là mới. Nhà nước Hà Nội bây giờ đã đóng vai nhà nước thực dân Pháp, và người dân Việt trong thế kỷ 21 vẫn không khác gì hoàn cảnh ông bà mình thời đầu thế kỷ 20…
Lực cản nào đã làm đất nước đi chậm tới cả trăm năm như thế? Hãy hỏi người dân khắp nước xem, hãy trưng cầu dân ý xem….
Trần Khải
No comments:
Post a Comment