15/04/2014 14:05
Ở nông thôn, kẻ trộm chó đi trộm chó, cướp chó về bán cho quán thịt chó. Còn ở thành thị, nạn cướp chó không diễn ra ngang nhiên đến vậy nhưng bản chất cũng chẳng khác.
Những con chó cảnh được cả gia đình yêu quý và coi là đứa con út ít được cưng nhất trong nhà - vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt trộm. Chỉ khác là giá trị chó cảnh cao quá (vài triệu đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng) nên trộm chó ở thành phố bắt về bán cho người khác hoặc chờ chủ đến chuộc.
Trên các trang web của Hội những người yêu chó Hà Nội hay Sài Gòn, hầu như chẳng mấy ngày không có tin báo mất chó cưng và hàng chục lời chỉ vẽ cụ thể đến tận nhà những đầu nậu chó có địa chỉ rõ ràng để chuộc lại.
Nếu không có người ăn thịt chó thì trộm chó - cướp chó bán cho ai? |
Đặc biệt lời khuyên được nhiều người tâm đắc nhất là người chủ chó nhất thiết nên ở ngoài, để người khác vào thương lượng. Là vì nhiều trường hợp người chủ thương chó cưng quá, tìm gặp được, thấy chó bị nhốt trong lồng òa ra khóc, chó thì thấy chủ mừng quá kêu lên nhảy tưng tưng, thế là bị bọn lò chó bắt chẹt. Có người đã phải trả gấp 10 lần giá chuộc chó thông thường để mang cún cưng về, nếu không - chúng dọa - sẽ mang đi thịt sớm.
Ai đã chứng kiến những đứa trẻ con cái của mình bỏ ăn, ngơ ngác, ngồi đâu khóc đó, ngủ mơ cũng chảy nước mắt... khi con chó hằng ngày chơi đùa cùng chúng bị bắt mất, sẽ hiểu vì sao có những phát ngôn đến mức: "Đứa nào bắt chó của tao, tao giết". Đây chắc chắn là câu nói phóng đại hết mức kiểu "giận mất khôn", nhưng người nói hình như chỉ có cách đó mới thể hiện hết nỗi tức giận với những người ăn thịt chó mà trong mắt họ "chỉ biết ăn ăn ăn, bất cứ thứ gì cũng quy thành đồ ăn cho được".
|
Lý lẽ thông thường của người ăn thịt chó là: thịt gì cũng là thịt, tại sao heo gà bò ăn được mà chó lại không ăn được? Người Hồi giáo không ăn thịt heo, Ấn giáo không ăn bò, cũng chỉ là quan niệm và sở thích, tại sao dùng quan niệm và sở thích của người này để áp chế người khác?
Rồi thì phân tích mạng chó với mạng người mạng nào quý hơn, và tranh cãi, dẫn chứng hàng buổi. Những tranh cãi này ấu trĩ quá. Dĩ nhiên chẳng có sinh mạng nào quý bằng nhân mạng cả, tốn chi thời gian chứng minh cái lẽ hiển nhiên ấy. Nhưng cũng rất khập khiễng khi so sánh tình cảm của người nuôi chó với nuôi heo nuôi gà. Đã có ai bị mất một con heo, thậm chí một con bò mà cả nhà thì thẫn thờ, con nít thì ti tỉ khóc mãi đòi mẹ "mang em về cho con" chưa? Có ai nuôi một con heo hay con gà để tâm sự hủ hỉ với nó, chiều chiều về thấy nó lao ra đón là bao ưu phiền nhẹ bớt, như người ta vẫn dành thời gian chơi với con chó cưng chưa? Có ai mua heo để tặng cho một đứa trẻ làm quà sinh nhật nó không?
Và khi những kẻ dùng súng bắn thẳng vào đồng loại của mình để cướp bằng được một con chó thì với chúng mạng người có còn quý hơn chó không, thưa các bạn? Đã có ai mang dao, mã tấu, chĩa sắt có phóng điện, súng tự chế... để đi trộm bò, gà, heo... chưa? Đã có kẻ trộm bò, gà, heo... nào bị cả làng căm phẫn xông ra đánh đến chết chưa? Đã có kẻ nào trộm bò, gà, heo... mà khi bắt được người ta đã đánh đến chết còn đổ xăng đốt cháy cả tử thi chưa?
Những căm phẫn ấy đã vượt ngưỡng, là sai trái, là vi phạm pháp luật, chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Nhưng cũng chắc chắn là chẳng ai chỉ vì mất mươi mười lăm ký thịt - dù là thịt chó đi nữa - mà lại hành xử liều lĩnh đến mức ấy. Nguyên nhân sâu xa của hành vi cực đoan đó, như đã nói, xuất phát từ tình cảm với con chó trung thành một phần, phần lớn hơn là nỗi lo sợ bất an khi trộm cướp lộng hành.
Trao đổi cùng một số luật sư, thẩm phán, tôi nhận được ý kiến thống nhất rằng trong nhiều trường hợp (trộm chó đánh chủ, dùng vũ lực để đe dọa người chủ nhằm bắt chó bằng được..) thì hành vi trộm cắp ban đầu đã chuyển hóa thành tội cướp, với hình phạt rất cao.
Và lại nói về ăn. Nếu không có người ăn thịt chó thì trộm chó - cướp chó bán cho ai? Nếu không có những người xem ăn thịt chó là một thứ "văn hóa ẩm thực đặc sắc" của Việt Nam thì bọn trộm chó - cướp chó cũng bị thu hẹp một khoảnh đất hành nghề....
Ở nhiều nước, từ lâu chó được nuôi để chữa bệnh cho trẻ tự kỷ, giúp đỡ người khuyết tật, làm cảnh khuyển (chó cảnh sát), kéo xe... Nghĩa là dùng các đặc điểm có lợi của loài chó để giúp đỡ loài người. Còn ở nước ta, lạ thay, nhiều người vào nhà hàng gọi món ăn đầy bàn để tính tiền nhiều cho sang chảnh, đi ăn buffet nhiều người bưng về bàn thừa mứa nghẹn họng ăn không hết... nhưng cùng lúc đó vẫn nhìn con chó bằng con mắt đói khát thèm thuồng. Đấy có phải là một triệu chứng của căn bệnh cuồng ăn chăng?
Nhưng ăn thịt chó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Không biết bao nhiêu người trong số họ đã đọc bài báo của bác sĩ Trần Nguyên Giáp cách đây không lâu? Tôi xin trích một đoạn: "Việc lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) cực kỳ nguy hiểm. Tại mắt, chúng gây mù. Tại não, dây thần kinh chúng chèn ép gây chứng điên loạn. Tại gan, lách, ấu trùng tạo nhiều u nang làm cho các cơ quan này suy yếu hoặc làm người bệnh tử vong do nhiễm trùng (...) Dư lượng vắc xin trong thịt chó (theo biểu đồ tích lũy) trong một con chó nhà được tiêm phòng dại từ ba đến bốn tuổi đủ sức gây yếu, liệt thần kinh trung ương người ăn theo thời gian".
Thông tin trên có lẽ sẽ giúp các tín đồ thịt chó cân nhắc khi cơn nghiện nổi lên.
Đồng tình với bác sĩ Trần Nguyên Giáp, tôi cho rằng ăn thịt chó chẳng phải là tinh hoa văn hóa ẩm thực gì ghê gớm cả. Nó chẳng qua chỉ là thói quen ăn uống của một số người Việt mà thôi. Hiện nay nhiều người cũng đã bỏ thói quen này. Còn tôi, bây giờ tôi chẳng thể nào nhìn thấy chữ "thịt chó" mà không thấy hiện lên trước mắt hình ảnh kinh khủng của cái xác kẻ trộm chó vô danh bị đốt cháy đen thui.
Hoàng Xuân*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM
No comments:
Post a Comment