Wednesday, April 16, 2014

Thêm 2 trẻ vừa tử vong, 1.000 ca mắc sởi trong một ngày

Thứ Năm, 17/04/2014 09:32 (GMT + 7)
Sáng 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đến các khoa bệnh đang quá tải bệnh nhân sởi tại BV Nhi Trung ương và bất ngờ chứng kiến thêm một trường hợp bé gái 9 tháng tuổi tử vong.

Thêm 1.000 ca sởi trong một ngày

Trước đó ngày 15/4,  Bộ Y tế đã ghi nhận 6.611 trường hợp trẻ sốt phát ban dạng sởi. Nhưng đến ngày hôm qua 16/4, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết cả nước đã ghi nhận hơn 7.000 trường hợp mắc sởi. Như vậy, đã có thêm 1.000 ca và thêm 2 trẻ tử vong vì căn bệnh này trong một ngày,

Trường hợp bé 9 tháng tuổi tử vong, trước đó bé P. (Hưng Yên) được chẩn đoán mắc sởi, điều trị tại tuyến dưới nhưng bệnh không thuyên giảm. Gia đình chuyển cháu lên BV Nhi Trung ương và phát hiện có biến chứng viêm phổi nặng. Do biến chứng suy hô  hấp quá nặng, sáng 16/4, bé tử vong sau hơn 1 tuần chống chọi với căn bệnh này.

Nhập mô tả cho ảnh
Bộ trưởng Y tế thị sát BV Nhi Trung ương sáng 16/4 và bất ngờ chứng kiến thêm một trường hợp tử vong.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về con số báo động 1.000 ca sởi/ngày, PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, sởi là bệnh lây lan rất mạnh. Hiện tại, số bệnh nhi đang tập trung quá tải tại một số nơi, nhất là BV Nhi Trung ương. Một trẻ mắc sởi có đến 3,4 người lớn đi theo, khiến tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện càng tăng cao. Những người này lại quay trở lại gia đình tiếp tục làm tăng nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng.

“Nếu không thực hiện tốt việc giảm tải tại bệnh viện, thực hiện tốt công tác dự phòng thì số mắc sẽ còn tiếp tục tăng, một người mang virus sởi có thể truyền bệnh cho hàng trăm người”, ông Kính cảnh báo.

Không chỉ tấn công trẻ em, PGS.TS Kính cho biết, căn bệnh này cũng đang có nguy cơ với người lớn. Hiện tại, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương có 313 ca sởi thì có 238 người lớn (chiếm 90% số mắc điều trị tại bệnh viện), 75 trẻ em.

Tuy nhiên, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các trường hợp ở người lớn năm nay có diễn biến lâm sàng giống như các ca sởi cổ điển. Biến chứng nguy hiểm nhất ở sởi người lớn là viêm não, dẫn tới rối loạn thần kinh trung khu, rối loạn tuần hoàn hô hấp và tử vong. Trong khi ở trẻ em là biến chứng gặp nhiều nhất là nhiễm trùng bội nhiễm ở đường hô hấp, dẫn tới suy hô hấp nặng và tử vong.

“Hiện tại có nhiều ca sởi người lớn diễn biến nặng đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhưng điều may mắn là đến giờ vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong”, PGS.TS Kính nói.

Bộ Y tế cấp tập bổ sung phác đồ điều trị

Để nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu tối đa số ca tử vong, PGS.TS Kính cho biết, Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế đã họp và thống nhất bổ sung phác đồ điều trị bệnh sởi.

Theo đó, Bộ quy định thêm về việc sử dụng Gamma globuline miễn dịch (bao gồm 2 loại tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch) nhằm tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho bệnh nhân. Trường hợp nặng sẽ tiêm tĩnh mạch, trường hợp ca bệnh trung bình thì tiêm bắp.  Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cố gắng để kết hợp với phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng về hô hấp, viêm não để có điều trị cụ thể nhằm giảm bớt tử vong.

PGS.TS Kính chia sẻ, bệnh sởi là bệnh dẫn tới suy giảm miễn dịch cấp tính. Ngay sau khi mắc sởi, cơ thể đáp ứng với các mầm bệnh, vi sinh vật rất kém nên rất dễ dàng bị lây nhiễm, bội nhiễm các vi sinh vật trong môi trường.

Đặc biệt trong môi trường bệnh viện, có những vi khuẩn đa kháng với kháng sinh, hầu hết vũ khí là kháng sinh không còn tác dụng khiến bệnh nhi nếu bội nhiễm rất dễ trở nặng và tử vong.
Nhập mô tả cho ảnh
Để giảm tải các số ca mắc và tử vong do sởi, Bộ Y tế thống nhất giảm tải cho BV Nhi Trung ương bằng cách tăng cường hoạt động các BV vệ tinh. Ảnh: Lê Hiếu.

Thực tế đã cho thấy, tại BV Nhi Trung ương đã có 78 trẻ tử vong do sởi có nền bệnh cảnh như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, viêm não…

Do đó, để giảm tải số ca mắc và tử vong, vị chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm này cho biết, Bộ Y tế đã thống nhất một số giải pháp, trong đó quan trọng nhất là giảm tải cho BV Nhi Trung ương bằng cách tăng cường hoạt động của các bệnh viện vệ tinh trong khu vực Hà Nội.

Theo đó, các bệnh viện tuyến cao nhất như BV Nhi Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, Khoa Nhi BV Bạch Mai sẽ tiếp nhận những ca nặng còn trường hợp mắc sởi trung bình, nhẹ sẽ khám và điều trị tại các bệnh viện vệ tinh – nơi sẽ được bố trí có cán bộ của những bệnh viện tuyến cao nhất kể trên như BV Xanh pôn, BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Hà Đông, BV Sơn Tây… Tất cả những bệnh viện tuyến dưới này sẽ được cập nhất phác đồ chung, mới nhất của Bộ Y tế.

Theo Zing

No comments:

Post a Comment