Tiếp tục có bệnh nhân tử vong
Sáng 16.4, một cháu bé 1 tuổi ở huyện Văn Giang, Hưng Yên đã tử vong sau 2 tuần điều trị tại BV Nhi TƯ được về nhà. Bố cháu bế con mặt không còn hột máu, mẹ cháu vẫn ngất lên ngất xuống trước nỗi mất mát. Bà cháu bé cho biết: “Bé nhập viện bị viêm phế quản, nhưng trong thời gian ở BV đã bị sởi, rồi biến chứng vào phổi và đã không qua khỏi”.
Cũng trong buổi sáng 16.4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tới thăm các cháu đang điều trị tại BV Nhi TƯ. Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận định: “25 cháu tử vong là quá đau đớn”. Đây cũng là cuộc làm việc để Bộ Y tế phân công cho một số BV tuyến TP ở Hà Nội giảm tải cho cho BV Nhi TƯ, từ đó cũng sẽ giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Theo đó, BS ở các BV Nhi TƯ, BV Nhiệt đới TƯ sẽ xuống các BV tuyến TP Saint Paul, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Sơn Tây… hỗ trợ các BV của Hà Nội đón và điều trị bệnh nhân sởi. Như vậy, người dân mới yên tâm đưa con em mình bị sởi đến các BV tuyến TP, giảm tải cho tuyến TƯ.
Bộ trưởng cũng cho hay: Khi được hỏi ý kiến về liệu có nên thay đổi lịch tiêm phòng sởi cho trẻ, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên. Vì vấn đề sàng lọc cho trẻ dưới 9 tháng phức tạp hơn, nếu tiêm thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn ở độ tuổi trên 9 tháng.
Chưa công bố dịch vì chưa hội đủ 5 thành tố
30% ca bệnh xuất phát từ Hà Nội, và cũng 50% ca tử vong là ở Hà Nội. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến UBND TP về việc công bố dịch sởi trên địa bàn TP. Còn việc công bố dịch trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Việt Nam chưa hội đủ 5 yếu tố để công bố dịch như số bệnh nhân mắc tăng đột biến nhiều, dịch quá tầm kiểm soát, độc lực của virus thay đổi… nên Bộ hiện giờ chưa công bố”. Ông Nguyễn Văn Kính – GĐ BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho hay: Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản cũng có bệnh nhân mắc sởi cao. Tuy nhiên, cũng không có quốc gia nào công bố dịch.
Ông Kính cho biết thêm: Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ hiện nay cũng có 313 bệnh nhân sởi, trong đó 90% là người lớn. Đã xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng viêm não ở người lớn, nhưng chưa có ca tử vong. Phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được sửa đổi, bổ sung trong vụ dịch 2009 – 2010. Tuy nhiên, năm nay, sẽ đưa thêm hướng dẫn chỉ định và sử dụng thuốc tăng cường sức đề kháng dưới 2 dạng tiêm bắp cho bệnh nhân mức độ nhẹ - trung bình, tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân nặng.