Wednesday, April 16, 2014

Chứng minh nghịch lý càng tinh giản, biên chế càng tăng

(BDV.VN) - Sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế tăng thêm 20%.
Càng giảm càng tăng
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, qua 5 năm thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388 – 480 người và CBCC cấp xã tăng hơn 14.000 biên chế).
Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Riêng Hà Nội, tổng biên chế năm 2013, so với trước khi có chủ trương tinh giản biên chế tăng 4.704 người. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, nhiều hơn cả CBCC ở TP. Hồ Chí Minh - nơi có số dân đông nhất và nhiều cơ quan hành chính công.
Đau đầu tinh giản biên chế
Đau đầu tinh giản biên chế "càng giảm càng tăng"
Điều đáng nói, trong khi các nỗ lực cắt giảm biên chế đang thực hiện thì nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục có văn bản đề nghị xin thêm biên chế.
Theo Nghị định 36 của Chính phủ, số Thứ trưởng ở mỗi bộ không vượt quá 4 người, nhưng thực tế đại đa số các bộ hiện nay đều có số Thứ trưởng nhiều hơn nghị định, trong đó có 1 bộ có đến 9 Thứ trưởng, 4 bộ có 7 Thứ trưởng, 9 bộ có 6 Thứ trưởng, 7 bộ có 5 Thứ trưởng. Tại Văn phòng Quốc hội, có đến 836 cán bộ, đông hơn cả văn phòng Chính phủ, trong số này có 214 người không có kỹ năng chuyên môn về công tác văn phòng.
Riêng Bộ Công thương và Giao thông-Vận tải thì số biên chế hiện nay đã tăng gấp đôi so với trước khi tinh giản biên chế.
Đến nỗi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức- Biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản phải than rằng: “Hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng xin thêm biên chế gây áp lực rất lớn lên Bộ Nội vụ”, ông Thái Quang Toản nói.
Các ngành, lĩnh vực xin tăng biên chế như: Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, Quản lý thị trường, Kiểm lâm... Tuy nhiên, các đề xuất này đều bị từ chối do chủ trương chung là từ nay đến 2016 không tăng thêm biên chế.
Ngay cả Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng từng cho biết lâu nay việc thực hiện tinh giản biên chế có lúc đặt ra mục tiêu giảm 15%, có lúc là 20%, nhưng đều không thực hiện được.
Chính vì vậy, mới đây Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng Dự thảo Nghị định trình Chính phủ về tinh giản 100.000 biên chế từ nay đến năm 2020 với kinh phí hỗ trợ người thuộc diện tinh giản ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Tuấn còn khẳng định: “Mục tiêu của đợt tinh giản biên chế lần này là nhằm vào những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” - người không làm được việc hoặc không làm việc - để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”.
Thế nhưng, nghịch lý "càng giảm lại càng tăng" khiến Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nghi ngại.
"Thực tế, đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm tới 20% là điều khó có thể chấp nhận. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu và có cơ sở để dư luận hoài nghi về tính thực tiễn của Dự thảo, khi chỉ còn hơn 6 năm mà phải cắt giảm tới 100.000 người", ông Lợi nói.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cũng chỉ ra: "nghịch lý sau 4 lần sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế nhưng sau 2-3 năm lại thấy bộ máy tăng gấp đôi".
Lái xe làm chánh văn phòng
Câu chuyện bổ nhiệm cán bộ mới đây lại làm Bộ Nội vụ đau đầu. Cụ thể, ngày 12/10/2011, ông Trương Bá Phúc, Bí thư Huyện ủy huyện Tĩnh Gia đã ký Quyết định số 216-QĐ/HU bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hợi, công chức lái xe cơ quan Huyện ủy, giữ chức vụ Phó Văn phòng Huyện ủy.
Cùng thời gian trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Huy, cũng là lái xe cơ quan HĐND-UBND huyện Tĩnh Gia giữ chức vụ Phó Văn phòng HĐND-UBND huyện. Cả hai ông cùng phụ trách công tác hành chính, quản trị.
Tại thời điểm được bổ nhiệm, ông Hợi đã 52 tuổi còn ông Huy 51 tuổi, cả hai đều không có bằng cấp.
Mặc dù, ông Trương Bá Phúc, Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia, thừa nhận việc bổ nhiệm này là sai nhưng ông cũng khẳng định Huyện ủy đã thực hiện đúng quy trình.
Chưa hết, tại Huyện ủy Nông Cống (Thanh Hóa) cũng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiệp đang là lái xe, không có bằng cấp lại quá tuổi, lên giữ chức Phó Chánh văn phòng Huyện ủy.
Ngày 26/5/2008, ông Lê Minh Hành, phó Bí thư thường trực Huyện ủy Lang Chánh đã ký quyết định số 234-QĐ/HU về việc bổ nhiệm ông Phạm Đức Nhần (sinh năm 1957, trú tại xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) từ cán bộ lái xe cơ quan giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy. Cũng theo quyết định bổ nhiệm, ông Phạm Đức Nhần được phân công nhiệm vụ phụ trách công việc hành chính, quản trị.
Hàng loạt lái xe bỗng nhiên là chánh văn phòng, nhưng theo giải thích của Bí thư huyện ủy Lang Chánh, ông Nguyễn Tá Việt – thì việc này là nằm trong "cơ cấu cán bộ".
Hai quận mới xin tăng biên chế
Tại Hà Nội, sau khi vừa có quyết định thông qua tách huyện Từ Liêm thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm câu chuyện nhân sự, biên chế lại khiến các nhà quản lý phải suy nghĩ.
Lãnh đạo 2 quận mới kêu khó và cho rằng, cán bộ huyện Từ Liêm bị xẻ làm đôi, công việc cũng nhiều thêm, do đó đã đề xuất Chủ tịch Hà Nội sớm bổ sung cơ sở vất chất và cán bộ, công chức, viên chức ở vị trí còn thiếu.
Ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm - kiến nghị Bộ Nội vụ sớm giao chỉ tiêu biên chế chính thức cho 2 quận với định mức tối thiểu bằng định mức giao cho UBND quận Cầu Giấy, Thanh Xuân (125 biên chế).
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, việc tăng biên chế đã được xác định từ trưcc khi Từ Liêm lên quận. Do đó, thành phố đã gửi Bộ Nội vụ sớm đưa ra số lượng biên chế cho 2 quận mới.
Lam Lam

No comments:

Post a Comment