Chủ nhật 02 Tháng Ba 2014
Chính quyền Trung Quốc đã đe dọa đáp trả thích đáng vụ thảm sát bằng dao ở Côn Minh (tây nam Trung Quốc) tối thứ Bảy 01/03/2014 mà theo Bắc Kinh là do những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tiến hành. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo nguy cơ leo thang bạo động.
Các hung thủ mặc đồ màu đen đã đâm chết 29 người và làm bị thương 130 người khác tại nhà ga Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Vụ thảm sát này làm chính quyền tức giận, và gây xúc động cho những người dân Trung Quốc vào sáng nay khi thấy những hình ảnh các nạn nhân nằm trong vũng máu.
Đến hiện trường vào sáng nay để giám sát điều tra, Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) đe dọa sẽ « trừng trị nghiêm khắc bọn khủng bố » và sẽ « sử dụng các biện pháp triệt để nhằm đàn áp các hoạt động khủng bố bạo lực ».
Các vụ tấn công bằng dao và chất nổ thường xuyên diễn ra từ nhiều năm nay tại Tân Cương, nơi mà dân cư hầu hết là người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Nhưng một vụ việc với tầm cỡ như vừa rồi chưa bao giờ xảy ra bên ngoài vùng đất ở cực tây bắc Trung Quốc, cách Vân Nam 1.600 km.
Nhà nghiên cứu Thiền Vĩ (Shan Wei) thuộc đại học Singapore cảnh báo, sự ác cảm của người Trung Quốc trước vụ tấn công này có thể khiến dư luận ủng hộ một chiến dịch đàn áp quy mô. Ông nói : « Tác động tâm lý lên công luận Trung Quốc sẽ rất lớn », có nguy cơ « tăng cường sự ủng hộ đối với chính sách cứng rắn của nhà cầm quyền ».
Hơn nữa, các lãnh đạo Trung Quốc còn có thể mặc nhiên tránh được những chỉ trích của quốc tế, cho rằng Bắc Kinh phân biệt đối xử các dân tộc thiểu số ở Tân Cương hay Tây Tạng, và đàn áp họ. Các nhà phân tích phương Tây thường xuyên bác bỏ lý lẽ của Trung Quốc, nói rằng đang phải đối phó với nạn thánh chiến toàn cầu hóa.
Tháng 10/2013, khi ba người Duy Ngô Nhĩ trong cùng một gia đình đã thiệt mạng khi lao chiếc xe chở đầy các bình xăng vào cổng Tử Cấm Thành, các nhà quan sát đã tỏ ra nghi ngờ tuyên bố chính thức của chính quyền, quy cho « bọn khủng bố ».
Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình đầu tư đầy tham vọng vào Tân Cương, sau các vụ nổi dậy sắc tộc ở Urumqi, thủ phủ vùng này làm cho gần 200 người chết và 1.600 người bị thương vào năm 2009. Năm sau đó, tiền bạc và dự án bắt đầu đổ vào khu vực tự trị giàu tài nguyên thiên nhiên này, cùng với chính sách kỳ thị chủ động nhắm vào các dân tộc thiểu số.
Tăng trưởng của Tân Cương năm 2013 là 11,1% so với bình quân cả nước là 7,7%. Nhưng theo chuyên gia Thiền Vĩ : « Không thể hy vọng giải quyết được vấn đề chỉ trong vài năm ». Các tổ chức bảo vệ nhân quyền than phiền, lợi ích kinh tế từ phát triển chủ yếu do người Hán hưởng. Trong các thập kỷ qua, những người Hán tộc đã ồ ạt kéo đến vùng này.
Người Duy Ngô Nhĩ còn phải đứng bên lề vì nền kinh tế Trung Quốc ngày càng theo các quy luật của nền kinh tế thị trường. Chuyên gia Barry Sautman chuyên về chính sách sắc tộc Trung Quốc của trường đại học Hồng Kông nhận định : « Chắc chắn là các doanh nhân người Hán kỳ thị người Hồi giáo tại Tân Cương ».
Cũng theo Barry Sautman, Hồi giáo cực đoan đã tăng lên tại Trung Á sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông cho rằng : « Có những người dân tộc chủ nghĩa thế tục tại Tân Cương (…) nhưng cũng có những giới hình như ngả theo xu hướng wahhabit (một phong trào chính trị-tôn giáo Ả Rập Xê Út, bác bỏ các khuynh hướng Hồi giáo khác) hay salafit ».
Nhà nghiên cứu cho rằng thay vì cưỡng bức và đàn áp, cần tăng cường các biện pháp tích cực hơn, cho phép tự trị rộng rãi hơn, như thế về lâu về dài mới có thể giảm được các ý định ly khai.
Ngược lại, theo quan điểm của Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giáo sư trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, cần phải phi chính trị hóa, tách rời người Duy Ngô Nhĩ với bản sắc của họ và buộc họ phải chịu đồng hóa. Theo ông, từ nay Trung Quốc « sẽ phải chú trọng đến nghĩa vụ và quyền lợi tương đồng giữa các công dân » hơn là vấn đề sắc tộc.
Theo một số nhà quan sát khác, vụ thảm sát vừa qua là điềm báo cho thấy với nội tình đầy máu lửa, Trung Quốc khó thể hạ cánh an toàn.
No comments:
Post a Comment