Sunday, March 2, 2014

Đồ chơi Trung Quốc dù độc vẫn đánh bại hàng Việt

Không chỉ rau quả Trung Quốc có tồn dư hóa chất độc mà rất nhiều mặt hàng khác sản xuất từ quốc gia này cũng bị cảnh báo có độc tố như xe đẩy trẻ em, quần áo, giày dép và đặc biệt là đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có đến 90% sản phẩm đồ chơi là hàng Trung Quốc, chủ yếu là dòng phân khúc phổ thông. Biết độc nhưng phụ huynh vẫn mua vì không còn lựa chọn, còn các nhà quản lý thì “bó tay” đứng nhìn vì lý do muôn thủa lực lượng mỏng, thiếu chế tài và kinh phí yếu…

Chỉ cần dạo một vòng quanh các khu phố, cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ngay tại Hà Nội cũng sẽ thấy các sản phẩm đóng dấu “Made in China” tràn ngập cho dù đó là hàng “xịn” hay hàng bình dân. Những chuỗi hàng có thương hiệu như Toy Kingdom, Thế giới đồ chơi cũng chủ yếu là hàng xuất xứ Trung Quốc. Một số sản phẩm nổi tiếng thế giới như Babies hay Hello Kitty… cũng đều có đóng mác Trung Quốc. Một chủ cửa hàng đồ chơi lớn trên phố Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, khẳng định đồ chơi của cửa hàng là hàng nhập khẩu theo chuẩn EU và dòng chữ “Made in China” trên đồ chơi chỉ là “nơi gia công” chứ không phải nguồn gốc từ Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả những chuỗi cửa hàng có tiếng chuyên bán đồ trẻ em như Bibo mart, Hồng Minh… cũng chứa đầy những đồ dùng, quần áo, đồ chơi xuất xứ Trung Quốc. Khi khách hỏi về xuất xứ thì các nhân viên luôn khỏa lấp bằng câu “Hàng xịn đấy ạ!” bất kể có dòng chữ Made in China hay không. Còn nếu khách tiếp tục truy vấn thì sẽ lấp liếm rằng “hàng Trung Quốc loại 1” hay “hàng nhập khẩu qua Trung Quốc”… Chưa biết chính xác những thứ đồ đó có độc hại cho trẻ nhỏ hay không nhưng chắc chắn, cái danh tiếng chuỗi cửa hàng trẻ em của họ cũng khiến các bậc phụ huynh “tặc lưỡi” cho qua và chấp nhận mua với giá không hề rẻ mà đôi khi cái giá đó chỉ vì danh tiếng của cửa hàng chứ chưa chắc đã thật sự là đồ tốt.
 
Những khu chợ, khu bán đồ chơi tại các địa điểm nhỏ, lẻ lại càng nhiều hàng Trung Quốc thậm chí còn có những hàng không nhãn mác rõ ràng, có chăng cũng chỉ toàn chữ Trung Quốc. Tại đây, hàng Tàu chiếm hơn 90% mặt hàng với đủ loại, mẫu mã từ các con thú bằng nhựa, đàn đến ôtô chạy bằng pin, xe điều khiển, máy bay điều khiển, búp bê, bong bóng, bộ đồ xếp hình… Giá sản phẩm chỉ từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/món. Trong khi đó, những mặt hàng đồ chơi Việt Nam, đồ chơi an toàn chỉ chiếm một lượng nhỏ trên thị trường Việt Nam và không được ưa chuộng mấy. Tại một cửa hàng trên phố cổ ở Hà Nội cho biết, cửa hàng chỉ bán đồ chơi nhập từ Đức, Đài Loan, Hồng Kông, hàng thương hiệu Mỹ nhưng gia công ở Trung Quốc với giá từ 200.000 đồng/bộ đến cả triệu đồng/sản phẩm. Còn đồ chơi Việt Nam lại trở nên quá xa lạ ngay cả với chính trẻ em Việt Nam bởi không những giá thành cao mà mẫu mã còn đơn giản và có phần nhàm chán. Những mặt hàng đồ chơi gỗ của Việt Nam như Veesano, Winwintoys… dù chất lượng tốt, nhưng giá thấp nhất cũng từ 150.000 – 300.000 đồng đối với món đồ chơi nhỏ đơn giản, và đắt gấp 3 lần hàng Trung Quốc nên có rất ít người lựa chọn.
 
Sở dĩ hàng Việt Nam thất thế ngay trên sân nhà là bởi ngành công nghiệp đồ chơi trong nước mới chỉ phát triển manh mún trong khi ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp phụ trợ còn quá yếu. Nếu muốn sản xuất các đồ chơi mang tính công nghệ cao lại phải nhập linh kiện nước ngoài mà chủ yếu vẫn lại từ Trung Quốc nên tính cạnh tranh về chi phí đã là một bất lợi. Hơn nữa, sản xuất đồ chơi trẻ em không hề đơn giản, bởi chỉ cần một dòng sản phẩm là đã yêu cầu hàng chục mẫu mã khác nhau, nên chi phí cho khuôn, thiết kế và nguyên liệu cũng tăng lên rất nhiều so với các sản phẩm gia dụng khác, trong khi đó vòng đời và nhu cầu của nó lại không bằng các sản phẩm gia dụng hằng ngày. Thêm vào đó là hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp này còn quá sơ khai.
 
Chính vì sự đầu tư chưa tới, cộng với cơ sở hạ tầng chưa đủ tương thích nên nhiều doanh nghiệp định lấn sang thị trường này đều đã thất bại khi vốn bỏ ra thì nhiều hàng không bán được nên càng làm càng lỗ khiến phải ngừng bước giữa chừng.
 
Thú nhún cao su từ Trung Quốc được phát hiện có hóa chất gây ung thư.
 
Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc cũng có nhiều phân khúc. Hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ chất lượng rất tốt và có thương hiệu do các DN lớn sản xuất. Ngược lại, hàng do các cơ sở nhỏ lẻ ở địa phương sản xuất, chất lượng kém bởi dùng nhựa phế phẩm, tái sinh, nhựa trôi nổi… “đổ” vào Việt Nam và một số nước lân cận. “Tùy thị trường mà họ sản xuất đồ chơi, giá nào cũng có và người dân càng ham rẻ càng độc hại nên dễ “chết” - một DN nhận xét.
 
Việt Nam cũng có ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng về đồ chơi trẻ em và cách đây vài tháng đã thực hiện siết chặt hoạt động kinh doanh mặt hàng này và loại bỏ những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Gần đây nhất là hồi tháng 1, TP.HCM cũng ra quân kiểm tra để tìm cách loại bỏ các đồ chơi có  chứa chất gây ung thư. Tuy nhiên, những đợt kiểm tra này cũng chỉ ở trên diện hẹp và chủ yếu là ghi nhận về cảm quan và dựa vào hóa đơn chứng từ. Bởi vậy những điểm bán hàng tự phát tại vỉa hè, hàng rong tuy QLTT vẫn có trách nhiệm nhưng cơ quan chịu trách nhiệm chính là chính quyền cơ sở (xã, phường). Hơn thế nữa, việc xử phạt các đơn vị sản xuất phân phối các sản phẩm Trung Quốc khi mà chúng chủ yếu là hàng nhập lậu, tiểu ngạch thì đúng là tóm phải kẻ không có tóc. Còn các doanh nghiệp trong nước, chỉ cần sơ sểnh là lại phạt lại yêu cầu ngừng sản xuất nên không tránh khỏi có những thời điểm nản lòng mà tháo bỏ.
 
Thế nên hàng Trung Quốc độc hại vẫn bán nhan nhản trên thị trường mà người dân thì chẳng cách nào biết được nó có độc hại hay không. Đám trẻ con ngày ngày tiếp xúc và ảnh hưởng từ những đồ chơi độc hại trước sự bất lực của người lớn.

No comments:

Post a Comment