Sunday, March 2, 2014

Tòa ‘lật tẩy’ cơ quan điều tra

TAND H.Đức Linh (Bình Thuận) vừa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Đào Văn Hồng không phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; đồng thời kiến nghị khởi tố bị hại về tội danh này.
Tòa ‘lật tẩy’ cơ quan điều tra
Ông Đào Văn Hồng sau phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Gia Khánh
Cáo trạng công bố tại tòa cho biết, vào khoảng 20 giờ ngày 22.3.2011, ông Đào Văn Hồng (66 tuổi, ngụ xã Đức Hạnh, H.Đức Linh) không có giấy phép lái xe nhưng đã điều khiển xe gắn máy biển số 86F6-0762 dung tích xi lanh 97 cm3 lưu thông trên đường ĐT 766 hướng từ thị trấn Đức Tài về xã Đức Hạnh. Khi đến thôn 4 (xã Đức Hạnh), ông Hồng không quan sát phía trước mà cho xe lấn sang phần bên trái, tông thẳng vào xe gắn máy biển số 86Z2-2140 do Võ Hà Trung điều khiển chở Trần Thị Yến chạy theo hướng ngược lại. Tai nạn làm cả 3 người bị thương nặng, trong đó ông Hồng nặng nhất với tỷ lệ thương tật tới 78%, Trung 33% và Yến 24%.
Ngày 28.12.2011, Cơ quan CSĐT Công an H.Đức Linh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hồng (cho tại ngoại) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Sau phiên tòa, Viện KSND H.Đức Linh cũng đã có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm, giữ quan điểm bị cáo Đào Văn Hồng phạm tội. Ngoài ra, người bị hại cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.
Bị cáo trắng án
Ngày 23 và 24.1.2014, TAND H.Đức Linh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đại diện Viện KSND cùng cấp đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xử phạt bị cáo Đào Văn Hồng 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm; buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại Võ Hà Trung và Trần Thị Yến số tiền trên 134 triệu đồng. Sau khi nghị án, HĐXX bất ngờ tuyên bị cáo Đào Văn Hồng không phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; ông Hồng được quyền khởi kiện yêu cầu phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Theo nhận định của HĐXX, căn cứ vào vết nhớt, vết cày, vết máu... tại hiện trường (thể hiện qua biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường và bản ảnh hiện trường) cho thấy bị cáo đã lưu thông đúng phần đường theo hướng Đức Hạnh đi thị trấn Đức Tài, còn người bị hại thì chạy theo hướng ngược lại đã lấn trái sang đường gây ra tai nạn cho bị cáo. Chưa hết, theo quán tính, khi các phương tiện giao thông va chạm, thì người và đồ vật trên xe nếu không chằn buộc đều bị xô lệch hoặc đẩy văng về phía trước theo chiều lưu thông của phương tiện. Thế nhưng, biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện bị cáo bị văng xuống đường đầu lao về hướng xã Đức Hạnh (lời khai của một số nhân chứng về tư thế nằm của bị cáo có trong hồ sơ vụ án).
Đặc biệt, HĐXX cho rằng “quá trình điều tra, sơ đồ hiện trường tai nạn đã bị tẩy xóa, xác định lại hướng đi của hai xe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng điều tra, truy tố, gây bất lợi cho bị cáo”.
Kiến nghị khởi tố bị hại
Sau vụ tai nạn, lẽ ra phía bị cáo phải chủ động đến nhà Trung và Yến (hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền) để thương lượng, bồi thường; nhưng ngược lại, gia đình Trung nhiều lần chủ động đến gặp bà Nguyễn Thị Chương (vợ ông Hồng) để giải quyết vụ việc là hành động hoàn toàn trái với tự nhiên, không phù hợp với tâm lý, tình cảm của con người.
Còn tại phiên tòa Võ Hà Trung và Trần Thị Yến cũng có nhiều lời khai hoàn toàn không phù hợp với chứng cứ. Chẳng hạn, Trung và Yến khai xe ông Hồng lấn trái tông vào bên trái xe Trung, nhưng khám nghiệm phương tiện thì xe của bị cáo và bị hại đều hư hỏng nhiều bộ phận bên phải...
Từ những nhận định trên, HĐXX kết luận ông Hồng lưu thông xe không có lỗi gây thiệt hại cho Trung và Yến nên không phạm tội. Ngược lại, có căn cứ xác định Võ Hà Trung có dấu hiệu vi phạm các quy định về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho ông Hồng và chị Yến. Chính vì thế, HĐXX đã kiến nghị CQĐT, Viện KSND H.Đức Linh khởi tố, điều tra và truy tố Võ Hà Trung để tòa án xét xử, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Hoàng Tuấn

No comments:

Post a Comment