Sunday, March 2, 2014

Nên chọn điểm nóng thí điểm lập "phố đèn đỏ" ở Việt Nam!

SOHA- 03/03/2014      -“Vấn đề bây giờ không phải bàn đến chuyện có nên chấp nhận mại dâm hay không, mà phải làm, phải hành động”, TS. Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học thẳng thắn.


Thuần túy coi mại dâm là tệ nạn: Không ổn!
Gần đây, một số ý kiến cho rằng, sở dĩ mại dâm gia tăng, khó kiểm soát, diễn biến phức tạp… là do hoạt động mại dâm ở nước ta không được công nhận. Do đó, cần phải chấp nhận nó bằng cách đưa vào những khu vực nhất định, gọi nôm na là những “phố đèn đỏ” để dễ bề quản lý. Quan điểm của ông thế nào?
-Thực ra, quan điểm này không có gì mới lạ vì từ hàng chục năm nay trong giới khoa học xã hội học cũng đã bàn đến vấn đề này rồi. Đặt trong bối cảnh khi mà chúng ta càng chống thì hoạt động mại dâm lại càng gia tăng, gây ra những hệ quả rất lớn cho xã hội - cả về mặt đạo đức, hạnh phúc gia đình, văn hóa truyền thống, nhân phẩm, sức khỏe, an ninh trật tự, tội phạm… thì đã đến lúc cần phải có cái nhìn tích cực hơn, biết chấp nhận thực tế để giải quyết vấn đề.
Nhưng tại sao cái nhìn tích cực ấy đã được đặt ra từ cả chục năm trước rồi nhưng đến giờ vẫn chưa được triển khai?
- Là bởi vì ảnh hưởng của đạo đức, văn hóa truyền thống, chính sách pháp luật… khiến cho mại dâm là một vấn đề xã hội rất xấu, hết sức nhạy cảm và phức tạp. Do đó, người ta thường có tâm lý muốn nhanh chóng loại bỏ nó ra khỏi đời sống. Nguyên nhân nữa là các nhà quản lý đang có cái nhìn chưa đầy đủ về mại dâm. Họ chỉ thuần tuý coi đó là tệ nạn xã hội, từ đó thường nhấn mạnh các biện pháp hành chính để mong triệt tiêu nó. Nhưng kết quả thì ngược lại.
- Vậy phải nhìn nhận mại dâm như thế nào mới là đầy đủ?
- Khoa học xã hội học nhìn nhận mại dâm đầy đủ trên cả hai  khía cạnh. Thứ nhất, nó đúng là tệ nạn xã hội, để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Nhưng đi kèm với đó còn là vấn đề quyền con người. Bởi những người hành nghề mại dâm cũng là con người, họ cũng có quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản, nhân phẩm… Thứ hai, mại dâm là một vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, bởi khi sức khỏe của những người hành nghề mại dâm được bảo đảm thì đồng thời cũng bảo vệ được sức khỏe của người mua dâm.
Thà để mại dâm hơn là trộm cắp, lừa đảo
- Ông đang đứng ở góc độ xã hội học và thực tiễn để ủng hộ việc chấp nhận mại dâm. Nhưng với rất nhiều người khác đứng dưới góc độ văn hóa, đạo đức..., họ cũng có lăng kính của riêng mình để phản đối chứ!?
- Đúng. Nhưng đứng từ góc độ khoa học và thực tiễn mà nói thì cần phải xem xét lại. Vì cơ sở xã hội nảy sinh vấn đề mại dâm là rất đa dạng và phức tạp. Đó là nhu cầu của một bộ phận xã hội khi vợ/chồng họ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tình dục; nó cũng liên quan đến nhiều người không có khả năng lấy vợ/lấy chồng nhưng vẫn có quyền được hưởng nhu cầu tình dục an toàn, lành mạnh, chính đáng… Xã hội cũng luôn có một bộ phận gặp khó khăn, bi kịch trong cuộc đời và không còn con đường nào khác. Trong số đó, nhiều người chấp nhận bán thân nuôi miệng, kinh doanh vốn tự có để đảm bảo nhu cầu sống, thu nhập hỗ trợ gia đình… Khi đó, thà chấp nhận để họ hành nghề mại dâm còn hơn là để họ trộm cắp, buôn bán ma túy, lừa đảo...
Chọn điểm nóng thực hiện thí điểm
- Nhiều người tỏ ý băn khoăn rằng, hiện chúng ta cấm đoán mại dâm mà còn không kiểm soát nổi thì khi chấp nhận nó, liệu có làm cho xã hội bất ổn hơn, liệu có “vẽ đường cho hươu chạy”?
- Tôi cho rằng những nỗi lo ấy là có cơ sở, vì những vấn đề xã hội bình thường còn bất cập, khó khăn trong quản lý, huống hồ vấn đề nhạy cảm, phức tạp như thế này. Do đó phải tổ chức thí điểm ở một địa bàn nào đó trước đã.
"Chúng ta cứ nói rằng đạo đức, văn hóa truyền thống không cho phép chấp nhận mại dâm. Thế nhưng, Trung Quốc, Nhật Bản không có văn hóa truyền thống à? Họ vẫn chấp nhận nó đấy thôi. Vậy nên, bây giờ cần xem mại dâm là vấn đề xã hội và cần tìm giải pháp chung sống, giảm thiểu những hệ quả tác động tiêu cực của nó hơn là mục tiêu triệt phá”.
TS. Đỗ Văn Quân
Nguyên tắc là chúng ta buộc chấp nhận mại dâm chứ không khuyến khích nó, thực hiện biện pháp quản lý để hướng đến mục tiêu phòng chống mại dâm. Do vậy, khi đã thực hiện thí điểm thì phải đánh thuế hoạt động này, phải có đăng ký hành nghề (về độ tuổi, về sự tự nguyện, an ninh trật tự, đảm bảo các quyền con người, về khám chữa bệnh, phòng ngừa không bị lây nhiễm bệnh liên quan đến đường tình dục…). 
- Chấp nhận mại dâm, chúng ta sẽ được gì, theo ông?
- Nhiều chứ, với điều kiện phải làm thật sự khoa học, trách nhiệm và đồng bộ. Đó là bảo vệ được quyền con người; đảm bảo an ninh trật tự xã hội hơn, góp phần hạn chế được các loại tội phạm có liên quan như: Hiếp dâm, nô lệ tình dục, ma túy, buôn bán phụ nữ…
Bây giờ, vẫn có những luồng ý kiến trái chiều trong quản lý mại dâm. Có vẻ như, để chấp nhận nó là một điều không dễ và… chưa phải lúc này?
- Tôi nghĩ, vấn đề bây giờ không phải bàn đến chuyện có nên chấp nhận mại dâm hay không, mà phải làm, phải hành động. Cũng giống như việc muốn bơi thì có thể phải uống nước, việc chấp nhận mại dâm sẽ gặp phải những phản đối gay gắt từ phía dư luận xã hội vì những tác động của nó. Tuy nhiên, nếu không làm để có sự so sánh xem chấp nhận hơn hay cấm đoán hơn thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được cách ứng xử phù hợp, sẽ càng rơi vào vòng luẩn quẩn, bất cập.
- Vậy theo ông, cần phải làm gì để tiến tới việc chấp nhận mại dâm?
Tôi muốn nhấn mạnh là buộc phải chấp nhận mại dâm trong khi chúng ta chưa thể tiến tới mục tiêu xóa bỏ nó hoàn toàn. Trước hết, cần phải thay đổi nhận thức, thái độ trong xã hội về vấn đề này, đặc biệt là của các nhà quản lý, cơ quan có liên quan. Muốn vậy, phải tăng cường công tác truyền thông. Đi kèm với đó thì phải có lộ trình thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan; cũng như hàng loạt các giải pháp mang tính tổng thể về phát triển KT-XH của đất nước. Chúng ta chọn địa phương là điểm nóng về mại dâm để thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ làm đại trà; ngược lại, khi đó nói đến chuyện cấm đoán cũng chưa muộn.
Cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment