Sunday, March 2, 2014

Khi bạo lực tái tạo bạo lực


     - Trong bài viết phân tích hiện tượng "bạo lực học đường nhìn từ góc độ xã hội", Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục -  IRED) cho biết: Bạo lực sẽ tái tạo bạo lực, bởi đứa trẻ không những có khuynh hướng là “tái bản” của người lớn trong tương lai mà còn có khuynh hướng “xuất xưởng” sớm những hành vi bạo lực này ngay hiện tại với những người xung quanh. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu nội dung bài viết.

    bạo lực học đường, thầy trò, đánh nhau
    Ảnh minh họa
    Gần đây, những vụ bạo lực học đường đình đám được quay clip tung lên mạng internet đang làm nóng xã hội, mà vụ gần đây nhất là sự kiện thầy trò hỗn chiến trên bục giảng trước mặt cả một lớp học đã được nhiều người phân tích, báo động về một tình trạng xuống cấp của luân lý, đạo đức xã hội.
    Trước hết phải nói rằng, những vụ bạo lực được ghi hình này chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm xảy ra trong giáo dục hiện nay. Hậu quả của những sự kiện tiêu cực này đụng chạm đến nhiều khía cạnh của xã hội hiện tại và tương lai, chứ không chỉ liên quan đến các cá nhân của từng vụ việc.
    Quan niệm “thương cho roi cho vọt” là tiêu cực
    Theo dõi những tranh luận xung quanh các clip, tôi thấy một số lớn người dân vẫn chấp nhận chuyện “thương cho roi cho vọt” trong phương cách giáo dục trẻ nhỏ tại gia đình hay trong nhà trường.
    Thậm chí có nhiều người còn xem đây là một phương pháp truyền thống mang tính văn hoá. Những ông thầy bà cô dùng roi vọt với học sinh có lẽ cũng có não trạng này. Có thể họ nghĩ rằng hành vi đánh đập học sinh của họ là phù hợp với đạo đức xã hội, hay chí ít cũng không phải là điều gì đó quá xấu xa đáng lên án.
    Theo tôi, cách thức dạy dỗ roi vọt này chẳng phải là truyền thống gì riêng của Việt Nam, mà chỉ là sự chậm tiến trong nhận thức gắn liền với một xã hội chậm phát triển.
    Bởi lẽ, chẳng cứ gì ở ta mới có câu “thương cho roi cho vọt”, mà ở Tây cách đây hơn sáu mươi năm về trước cũng đã tồn tại quan niệm “thương nhiều, trừng phạt nhiều” (qui aime bien, chatie bien).
    Quan niệm trừng phạt kiểu người roi voi búa này đã ngự trị trong cách giáo dục của người Pháp một thời cho đến khi bị các nhà xã hội học, phân tâm học xem là cách giáo dục tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ nhỏ, cũng như xem cách thức giáo dục bạo lực là một phần nguyên nhân quan trọng của những bạo lực xảy ra ngoài xã hội nói chung.
    Kết quả các nghiên cứu này dẫn đến việc một loạt các nước Châu Âu đã cấm dùng đòn roi trong giáo dục gia đình và nhà trường.
    Bạo lực tái tạo bạo lực
    Các nhà xã hội học cho rằng, gia đình và nhà trường là những nơi tối quan trọng ảnh hưởng lên nhân cách con người, là những kênh “tái tạo xã hội” chính yếu.
    Tái tạo ở đây không chỉ là việc thông qua giáo dục gia đình và nhà trường, thế hệ hiện tại chuyển tải các giá trị đạo đức văn hoá, các chuẩn mực, các tập tính tốt lành của mình cho thế hệ tương lai, mà còn là sự tái tạo cả những điều không hay không tốt cho con em của mình, chẳng hạn như vấn đề bạo lực.
    Nghĩa là, nếu cha mẹ dùng roi vọt với con cái, thầy cô dùng vũ lực với học trò, thì những mầm non chịu đòn roi này có khuynh hướng lặp lại đòn roi với thế hệ kế tiếp.
    Đứa trẻ không những có khuynh hướng là “tái bản” của người lớn trong tương lai khi đến lượt chúng trở thành cha mẹ hay giáo viên trong cách hành xử với thế hệ kế tiếp, mà còn có khuynh hướng “xuất xưởng” sớm những hành vi bạo lực này ngay hiện tại với những người xung quanh.
    Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp đã chỉ ra có đến 80% trong số các cha mẹ có hành vi bạo hành với con cái, thì chính họ cũng đã là nạn nhân của việc bạo hành khi họ còn nhỏ.
    Chúng ta hay nói “cha nào con nấy” hay “thầy nào trò nấy”, nếu người lớn hành xử với đứa trẻ bằng bạo lực, trẻ sẽ nội tâm hoá tất cả những hành vi bạo lực này, chúng có thể trở thành những đường nét trong nhân cách của trẻ và bộc lộ ra bên ngoài một cách dễ dàng.
    Đứa trẻ không những có khuynh hướng là “tái bản” của người lớn trong tương lai khi đến lượt chúng trở thành cha mẹ hay giáo viên trong cách hành xử với thế hệ kế tiếp, mà còn có khuynh hướng “xuất xưởng” sớm những hành vi bạo lực này ngay hiện tại với những người xung quanh.
    Hình ảnh học sinh đánh trả thầy sau khi đã bị tát liên tục vào mặt là một ví dụ nhãn tiền về hiện tượng “thầy nào trò nấy” liên quan đến vấn đề bạo lực học đường.
    Trong clip thượng cẳng chân hạ cẳng tay trên bục giảng, người đáng trách trước hết là ông thầy.
    Hành vi bạo lực quá đáng của thầy không những là nguyên nhân trực tiếp kích động dẫn đến hành vi “lệch chuẩn” của hai em học sinh, mà còn tác động tiêu cực lên tất cả các học sinh trong lớp ở hiện tại và tương lai.
    Chắc chắn rằng những cú tát của thầy vào mặt học sinh sẽ chẳng giáo dục học sinh được gì ngoài việc đẩy các em đến sự chai lì trong cảm xúc và hành vi, tạo dấu ấn tiêu cực trên nhân cách của các em.
    Một nghiên cứu khác trên đối tượng các học sinh “lệch chuẩn” thể hiện qua những hành vi quậy phá, vô trật tự, không vâng lời, không tôn trọng người khác... đã cho thấy đa số các học sinh này đều có một người cha quá khắt khe, trong khi những người mẹ lại luôn bị ám ảnh rằng họ thiếu quyền hành trên con cái nên thường xuyên có thái độ phòng thủ trước những đứa trẻ.
    Như vậy, nếu sử dụng roi vọt trong phương cách giáo dục, roi vọt sẽ kéo dài và lan rộng trong xã hội.
    Cũng có nghĩa là, muốn làm giảm thiểu bạo lực hằng ngày xảy ra ngoài xã hội, những người có trách nhiệm cần phải dọn sạch những hành vi bạo lực trong giáo dục gia đình và nhà trường.
    • Nguyễn Khánh Trung

    No comments:

    Post a Comment