Sunday, March 2, 2014

Mỹ: 'Việt Nam vẫn độc đoán, nhiều vi phạm nhân quyền'!

WASHINGTON (NV) .- Trong báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền năm 2013 trên toàn cầu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, sự “độc đoán” là nguyên nhân khiến tình trạng nhân quyền Việt Nam chưa được cải thiện.


Ông Huỳnh Tấn Du chết sau khi bị Công an xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông mời “làm việc” hồi giữa tháng 2. Cộng đồng quốc tế dựa trên những sự kiện này để xác định Việt Nam xâm hại nhân quyền, còn Việt Nam thì bảo rằng những nhận định đó “dựa trên các thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam”. (Hình: Tuổi Trẻ)


Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chế độ Hà Nội vẫn tiếp tục giới hạn chặt chẽ quyền tự do chính trị của công dân, đặc biệt là quyền được thay đổi chính phủ trong các cuộc phổ thông đầu phiếu công bằng. Nhà cầm quyền ngày càng gia tăng các biện pháp giới hạn cả những quyền tự do dân sự của công dân.

Tình trạng tham nhũng trong hệ thống tư pháp và công an khiến mọi thứ trở thành tồi tệ hơn. Công an CSVN vì được nhà cầm quyền dung dưỡng nên không chỉ đối xử thô bạo, đàn áp những người bất đồng chính kiến mà còn hành xử sai trái với các công dân bình thường khiến nhiều người thiệt mạng khi bị tạm giam, tạm giữ.
Tuy là báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2013 trên toàn cầu nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu ra hàng loạt trường hợp cụ thể bị nhà cầm quyền CSVN ngược đãi vì bất đồng chính kiến như các blogger: Lê Anh Hùng, Nguyễn Hoàng Vi, Mẹ Nấm, những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền như: Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Bắc Truyển, Bùi Thị Minh Hằng.

Rất nhiều những trường hợp đang bị giam giữ bởi những qui định mơ hồ trong Luật Hình sự như: Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Đinh Đăng Định, Tạ Phong Tần v.v... Báo cáo còn nêu một trường hợp mất tích mà Bộ Ngoại giao Hoa kỳ nhận định là vì “động cơ chính trị”. Đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (blogger Dũng Aduku) đột nhiên biến mất từ cuối tháng 8 và tới nay vẫn chưa biết ra sao.
Trong buổi công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền năm 2013 trên toàn cầu, ông John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, phát biểu, những người hoạt động cho xã hội dân sự mà ông đã gặp ở nhiều quốc gia ông đã đến, trong đó có Việt Nam đã truyền cảm hứng cho ông, khi họ lên tiếng bảo vệ quyền được lên tiếng và tụ họp một cách tự do, vốn là những quyền cơ bản của con người.

Cũng trong buổi công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền năm 2013,  bà Uzra Zeya, Quyền Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách dân chủ - nhân quyền - lao động, cho biết, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kêu gọi nhà cầm quyền CSVN “tuân thủ các cam kết và các nghĩa vụ về nhân quyền”. Bà Zeya lập lại điều mà gần đây, các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ thường xuyên nhấn mạnh, đó là Việt nam chỉ có thể củng cố quan hệ song phương với Hoa Kỳ nếu tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết thực thi.

Bà Zeya nhấn mạnh sự lo ngại sâu sắc về những tù nhân chính trị như  trường hợp ông Lê Quốc Quân, 13 blogger Công giáo bị kết án hồi năm ngoái, việc đặt định những qui định giới hạn quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trên Internet, việc giam cầm những người bất đồng chính kiến, hành hung những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền như chuyện vừa xảy ra với ông Nguyễn Bắc Truyển, hoặc việc ngăn cản ông Phạm Chí Dũng tới Thụy Sĩ tham dự một hội thảo về nhân quyền ở Việt Nam. Bà khẳng định, Hoa kỳ sẽ tiếp tục nêu những lo ngậi này với chính quyền Việt Nam.


Cho đến nay, Bộ Ngoại giao CSVN chưa hồi đáp đối với báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền năm 2013 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên đài phát thanh quốc gia của chế độ Hà Nội thì nhận định, báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền năm 2013 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam. 

No comments:

Post a Comment