Thứ Bảy, 01/03/2014 09:45 (GMT + 7)
Theo các doanh nghiệp (DN), tiềm năng là rất lớn nhưng chưa có sự đầu tư để phát triển ngành công nghiệp đồ chơi đúng nghĩa nên ngành này hoạt động èo uột, manh mún.
Càng làm càng lỗ
Trên thị trường đồ chơi trẻ em, phân khúc đồ chơi điện tử, chạy pin, điều khiển từ xa… hàng Trung Quốc chiếm lĩnh gần như 100%. Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, cho biết công ty từng đầu tư vốn rất nhiều vào phân khúc đồ chơi điện tử nhưng toàn lỗ bởi công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam quá yếu. Nếu làm đồ chơi điện tử, DN phải nhập linh kiện từ Trung Quốc làm sao cạnh tranh với hàng sản xuất tại chính nước họ?
Theo ông Bảy, sản xuất đồ chơi trẻ em là lĩnh vực rất phức tạp. Nếu sản xuất nhựa gia dụng, nhựa công nghiệp thì chỉ cần ít mẫu mã, bộ khuôn trong khi ngành đồ chơi, chỉ một chiếc ô tô đã cần mấy chục khuôn mẫu. Để có hàng trăm chiếc xe ra thị trường, cần hàng chục ngàn khuôn mẫu, mà đầu tư cho khoản này cần rất nhiều chi phí, thời gian. “Hiện Nhựa Chợ Lớn có khoảng 700-800 sản phẩm nhưng chúng tôi phải gầy dựng hơn 20 năm, đi chuyên sâu vào ngành chế tạo khuôn mẫu, thiết kế, sản xuất khép kín trong nhà máy” - ông Bảy nói.
Trong khi đó, nhiều DN đủ sức nhưng e ngại không muốn bước chân vào lĩnh vực này bởi đầu tư vốn lớn nhưng chưa chắc có thị trường và cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Văn Minh, cho biết DN ông từng có một nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em với nhiều tâm huyết nhưng càng làm càng lỗ, hàng ứ đọng không bán được. Vài năm sau, ông chuyển sang nhập khẩu đồ chơi từ các nước và có lợi nhuận hơn hẳn, ông đành đóng cửa nhà máy sản xuất đồ chơi. Ông kể: Tám năm trước, tại một hội thảo quốc tế về đồ chơi Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi: Khi nào Việt Nam có ngành công nghiệp đồ chơi? Lúc đó, một vị lãnh đạo của chính phủ nói rằng ông rất muốn chúng ta có ngành công nghiệp đồ chơi phục vụ cho trẻ em và bán đi các nước trên thế giới nhưng đến nay, hành lang pháp lý để phát triển ngành công nghiệp này vẫn chưa có, DN sản xuất đồ chơi phần lớn manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn để các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp đồ chơi giá rẻ, chất lượng kém, thậm chí độc hại vì lợi nhuận cao. “Cùng một sản phẩm, nếu dùng sơn không độc hại, giá thành cao gấp 5 lần sơn thông thường, DN sẽ chọn cái nào?” - ông Minh đặt vấn đề.
Ngay ở phân khúc thiết bị giáo dục, đồ chơi trẻ em trong trường học, DN trong nước cũng phải cạnh tranh vất vả với hàng Trung Quốc. Hiện các trường mầm non, tiểu học quốc tế không đặt bàn ghế của DN Việt mà lấy hàng Trung Quốc vì mẫu mã đẹp, tiện nghi. DN Việt chỉ còn cung cấp các sản phẩm như cốc uống nước, giá để dép…
Đồ chơi do Trung Quốc sản xuất bày bán trên đường Chu Văn An, quận 6, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Tìm cơ hội ở thị trường ngách
Theo các chuyên gia, thị trường đồ chơi trẻ em trong nước được đánh giá rất tiềm năng, nhất là khi người Việt ngày càng sinh ít con và đời sống tinh thần khá lên. Đây là cơ hội cho DN và cũng là thách thức lớn trước sự cạnh tranh khốc liệt của “người khổng lồ” Trung Quốc. Đại diện một DN sản xuất đồ chơi gỗ cho trẻ em nhận xét khoảng 3 năm trở lại đây, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm đồ chơi an toàn, trí tuệ, đồ chơi thông minh cho con em mình.
Ông Trần Văn Xiêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa Miền Nam - cho rằng DN có thể tìm được thị trường ngách để phát triển. Gần đây, một số DN đầu tư vào sản xuất các đồ chơi trẻ em mang tính truyền thống như: lồng đèn, trống cơm, diều… được người tiêu dùng đón nhận vì đó là các đồ chơi ăn sâu trong “tiềm thức” của nhiều thế hệ người Việt. Đây là các mặt hàng dạng thủ công mỹ nghệ, sử dụng vật liệu an toàn, không có độc tố...
Ông Võ Văn Đức Bảy cho biết ở phân khúc xe 2-3-4 bánh tập đi, xe lúc lắc, xe bập bênh, hàng của Công ty Nhựa Chợ Lớn cạnh tranh rất tốt với hàng Trung Quốc. Sản phẩm của DN có mặt trên các hệ thống phân phối từ TP HCM ra các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Ngay tại thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, dòng sản phẩm này cũng tạo được uy tín và cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc về chất lượng, giá rẻ và mẫu mã đẹp. “Dù khó khăn, cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhưng chúng tôi cố gắng cải tiến liên tục về mẫu mã, chất lượng và giá thành để người tiêu dùng ủng hộ, khi đó DN sẽ trụ được trên thị trường” - ông Bảy nói.
Theo NLĐ
No comments:
Post a Comment