Wednesday, March 19, 2014

Vì thủy điện, mỗi năm trôi sông tiền tỷ

 06:15 ngày 19 tháng 03 năm 2014Trạm bơm Tứ Câu hoạt động cầm chừng vì nhiễm mặn
 Trạm bơm Tứ Câu hoạt động cầm chừng vì nhiễm mặn
 
TP - Ngày 18/3, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay, vừa có văn bản trình UBND thành phố để gửi ra Văn phòng Chính phủ, đề nghị lãnh đạo có ý kiến can thiệp trước khi dự thảo Quy chế vận hành liên hồ thủy điện được trình lên.

“Nếu không kịp thời, dự thảo được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ nguy khốn vì nguồn nước” - ông Thắng nói. Trong khi đó, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đang tiếp tục xây đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện để chống hạn, mặn vì đập cũ đã bị cuốn trôi. Cứ mỗi năm, công trình lại ngốn tiền tỷ và để lại hệ lụy rất lớn…

“Làm đập tạm vừa tốn tiền tỷ vừa phi khoa học. Không phải muốn là ngăn sông được. Rồi thiệt hại giao thông đường thủy ai tính? Rồi độ mặn phía dưới đập, nó sẽ vô cùng kinh khủng, ngấm vào mạch nước ngầm ở Điện Nam, Điện Ngọc, Hòa Phước, Hòa Quý… lúc đó thì vô phương cứu chữa nguồn đất. Chỉ còn một cách rửa mặn, là thủy điện trả nước cho Vu Gia, đẩy mặn ngày đêm các nhánh sông ra cửa biển”.-Ông Huỳnh Vạn Thắng"

Hôm qua, ông Nguyễn Văn Đức - Phó GĐ Chi nhánh thủy lợi huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cho hay, công trình đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện (tại thôn Ngân Giang, xã Điện Ngọc) đang được khẩn trương thi công để cứu hàng ngàn hécta lúa đang kỳ trổ bông của Điện Bàn, Đại Lộc, cũng như Hòa Quý, Hòa Phước… (Đà Nẵng).
Theo ông Đức, mới chớm hạn, nhưng thời gian nhiễm mặn xâm nhập sâu trên sông Vĩnh Điện đã là 10 - 12 tiếng/ngày. Mặc dù hàng ngàn hécta lúa vẫn trong mức giới hạn chịu đựng độ mặn, nhưng nếu không có con đập tạm ngăn mặn khi mùa kiệt đến khốc liệt, hàng trăm hộ gia đình sẽ trắng tay vì mất mùa.
Tại các trạm bơm trên hầu hết những con sông như Thu Bồn, Vĩnh Điện, Vu Gia hay Thạch Bàn… đều phải có cán bộ túc trực 24/24 để kiểm tra tình trạng ngập mặn.
“Cứ 20 - 30 phút lại phải kiểm tra một lần để phát hiện xâm nhập mặn. Nếu nhiễm mặn dưới 0,8 phần nghìn thì mở máy, trên là phải đóng ngay. Khi có nước ngọt, bắt buộc phải phát hết công suất, đề phòng nhiễm mặn thời gian tới có thể lên 15 - 20 tiếng/ngày”- anh Nam, phụ trách trạm bơm thủy lợi Tứ Câu cho biết.
Theo anh Nam, 3 - 4 năm trở lại đây, tình trạng nhiễm mặn đến sớm và hầu như quanh năm khiến công tác vận hành vô cùng khó khăn. Vì thế, chất lượng ruộng đồng của 260 ha lúa xã Điện Ngọc và gần 100 ha lúa ở phường Hòa Quý (Đà Nẵng) ngày càng xấu. Được biết, hiện tình trạng xâm nhập mặn đã lên tới gần 5 phần ngàn tại các trạm bơm ở hạ vu Thu Bồn, Vu Gia.
Nhiều trạm bơm chỉ vận hành đúng 4 - 5 tiếng/ngày. Ông Nguyễn Văn Đức cho hay, công trình đập tạm năm ngoái tốn 1,7 tỷ đã bị lụt cuối năm cuốn trôi mất. Tình thế bắt buộc phải làm con đập mới, theo phê duyệt dự tính là 2 tỷ. Tất nhiên, công trình này mang tính chất tạm thời, đến mùa lũ lại trôi đi.
“Lượng mưa ít là một phần, mà chủ yếu đến từ thủy điện. Nếu không phải thủy điện Đăkmi 4 quyết định chắn ngang, vắt kiệt nguồn nước dòng Vu Gia thì tình trạng hạn, mặn đã không khốc liệt đến thế” - ông Thắng khẳng định.
Theo ông Thắng, tình hình càng khốc liệt hơn nhiều, khi nguồn nước sinh hoạt chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như dự thảo quy trình vận hành liên hồ thủy điện, thủy lợi do Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) soạn thảo được thông qua mà chưa bàn bạc, thống nhất với Đà Nẵng.
“Chúng tôi năm lần bảy lượt yêu cầu đối thoại. Là để “cãi nhau” cho đến tận cùng trên tinh thần thượng tôn khoa học và pháp luật nhưng lãnh đạo Bộ TN&MT làm lơ”.
Được biết, một trong những đề nghị cơ bản nhất của Đà Nẵng là trả lại nước trên sông Vu Gia, 25m3/s nếu như mực nước ở Ái Nghĩa trên 2,8m và trả về 12,5m3/s nếu mực nước ở Ái Nghĩa dưới 2,8m.
 Nam Cường

No comments:

Post a Comment