Wednesday, March 19, 2014

Để người dân không phải nhập viện sau khi gặp công an!

 Anh Vũ, thông tín viên RFA
2014-03-19
 000_Hkg5086113-600.jpg
 Một vụ công an cưỡng chế nhà ở Hà Nội. Ảnh minh họa.


Gần đây tình trạng nhiều người phải nhập viện, thậm chí tử vong sau khi công an cấp xã mời họ lên làm việc, cho dù trước khi đến công an nạn nhân hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh.

Công an vi phạm pháp luật

Gần đây trên báo chí Việt nam có đưa tin nhiều vụ người dân bị chết bất thường hoặc bị thương một cách khó hiểu sau khi bị tạm giữ ở đồn công an. Với lý do mà dư luận nghi ngờ là điều tra viên đã sử dụng nhục hình với nghi can.
Các hành vi tra tấn, bức cung, ép cung khi thẩm vấn, khi giam giữ là chuyện thường xảy ra ở Việt Nam, và chính điều đó đã dẫn đến nhiều vụ oan sai. Điều đó cho thấy tình trạng sử dụng bạo hành, tra tấn… vi phạm pháp luật một cách tràn lan ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cho dù nhà nước Việt nam đã tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp quốc.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh một nhà hoạt động xã hội, người đã nhiều lần từng là nạn nhân của các hành động bạo lực của các nhân viên công an gây ra đối với cá nhân ông trong quá trình tiếp xúc làm việc. Bản thân ông đã nhiều lần bị các nhân viên công an đánh gây thương tích, thậm chí phải nằm viện.
Từ Đà nẵng, ông Nguyễn Văn Thạnh cho biết:
“Trường hợp cụ thể của tôi là đêm ngày 17(18).12.2013, tôi ở nhà em trai tôi ở Hòa minh, Liên chiểu, Đà nẵng thì công an có vào kiểm tra hành chính và đánh tôi. Mới đây nhất là ngày 16.02.2014, tại nhà em trai tôi ở xã Hòa phước thì họ cũng lấy lý do kiểm tra hành chính. Khi tôi tiến hành chụp ảnh thì họ nhào vào để đánh tôi gây thương tích ở mắt và phải nhập viện điều trị ”
Nói về tình trạng cán bộ công an dùng nhục hình đối với các nghi can ở Việt nam đang trở nên phổ biến, LS. Hà Huy Sơn cho rằng ông không có con số so sánh cụ thể, nhưng tình trạng người dân bị công an dùng nhục hình là hiện tượng phổ biến đã có từ lâu. Gần đây các thông tin được truyền thông báo chí nhà nước phổ biến, là do sự phát triển vượt bậc của truyền thông internet nên các hiện tượng này được nhắc đến nhiều hơn. Song các vụ việc đó chủ yếu xảy ra ở các đơn vị công an cấp xã, phường là các cơ quan chỉ tiến hành các thủ tục tố tụng ban đầu chứ không phải là cơ quan điều tra. Đây là những việc làm vượt thẩm quyền của các cơ quan công an và có biểu hiện vi phạm bộ Luật tố tụng hình sự.
Không thể nói đánh người là do không hiểu biết về pháp luật, mà tôi nghĩ ở đây là do họ coi thường pháp luật và nghĩ rằng công an thì có quyền như thế.
- LS. Trần Thu Nam
Trao đổi với chúng tôi, LS. Hà Huy Sơn nhận xét:
“Theo Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt nam năm 2003, thì cấp điều tra của công an là công an Huyện, còn công an xã, phường thì họ chỉ có quyền tạm giữ hành chính, xử phạt hành chính. Tóm lại họ cũng có những cái quyền để tạm giữ và làm việc với công dân, song những cái quyền này không đồng nghĩa với việc vi phạm tới sức khỏe và tính mạng của người dân trái pháp luật”.
LS. Trần Thu Nam thấy rằng, việc nhân viên công an sử dụng nhục hình để tra tấn về tinh thần và thể xác đối với nghi can trong qua trình điều tra là việc làm tương đối phổ biến. Mà những bằng chứng báo chí đã nêu chỉ là một phần. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật, điều mà luật pháp nhà nước Việt nam đã nghiêm cấm. Theo ông cơ quan công an cấp phường xã chỉ là cấp làm các thủ tục tiền tố tụng, nếu thấy có các bằng chứng hoặc biểu hiện vi phạm pháp luật thì các cấp này phải chuyển lên cơ quan điều tra cấp trên. Tuy nhiên pháp luật vẫn có nhiều kẽ hở nên tình trạng này vẫn xảy ra.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, LS. Trần Thu Nam cho rằng nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức của các công an viên quá thấp, nhiều người chỉ có trình độ tiểu học. Song nguyên nhân chính dẫn đến việc đó là do họ bất chấp và coi thường pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, LS. Trần Thu Nam nói:
“Khi khoác lên người bộ quần áo công an nhân dân thì họ nghĩ rằng họ có nhiều quyền, họ muốn làm gì thì làm kể cả vi phạm pháp luật. Vì việc đánh người thì kể cả những người không học hành gì cũng biết đánh người là vi phạm pháp luật. Không thể nói đánh người là do không hiểu biết về pháp luật, mà tôi nghĩ ở đây là do họ coi thường pháp luật và nghĩ rằng công an thì có quyền như thế”.

Làm gì để cứu dân?

Khi được hỏi về các biện pháp phòng tránh và người nhà các nghi can phải làm gì để bảo vệ người thân của mình trong trường hợp bị mời lên làm việc ở các cơ quan cấp phường cấp xã? LS. Hà Huy Sơn cho rằng do người dân có hạn chế về hiểu biết pháp luật, theo ông tốt nhất là trong các trường hợp này thân nhân của các nghi can cần nhanh chóng tìm đến các luật sư để nhờ tư vấn và khiếu nại. Hoặc nhờ báo chí để phản ánh sự việc, đồng thời phải theo dõi sát sao người thân của mình trong thời gian bị tạm giữ.
Nói về giải pháp để khắc phục các tồn tại của vấn nạn này, theo LS. Hà Huy Sơn điều quan trọng nhất là phải xây dựng những văn bản quy định cụ thể quy trình làm việc của nhân viên công an cấp xã, phường. Ngoài ra cần có biện pháp giáo dục, đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng công an viên cấp xã. Nếu cần thiết phải cho lắp thiết bị ghi hình trong phòng hỏi cung của điều tra viên để tạo sự minh bạch.
Trao đổi với chúng tôi, LS. Hà Huy Sơn cho biết:
“Cơ quan công an cũng phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan pháp luật khác, nghĩa là phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, thì như thế tình trạng vi phạm pháp luật của họ sẽ ít xảy ra. Mặt khác cần tạo các áp lực buộc nhà nước và Bộ Công an phải có các văn bản hướng dẫn pháp luật, hướng dẫn rõ và chi tiết về quy trình của công an xã, phường trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình đối với người dân”.
"Phải nâng cao trình độ của công an phường xã, bổ túc cho họ về mặt pháp luật và văn hóa. Đặc biệt là cần có các vụ án điển hình được đưa ra xét xử công khai, làm điểm và trừng phạt một cách tương xứng để răn đe.- LS. Trần Thu Nam"
Nói về các biện pháp để hạn chế tình trạng công an phường xã dùng nhục hình để tra tấn các nghi can, LS. Trần Thu Nam cho rằng trong trường hợp này người nhà nạn nhân có thể yêu cầu cơ quan công an xác nhận tình trạng sức khỏe của thân nhân trước khi bị tạm giữ. Song ông cho rằng đòi hỏi đó là khó được chấp nhận, do vậy việc mời luật sư tham gia từ giai đoạn đầu và việc người nhà theo dõi sát vụ việc là việc làm cần thiết. Về kiến nghị đối với các cấp chính quyền, LS. Trần Thu Nam cho biết ý kiến của ông:
“Có rất nhiều biện pháp, thứ nhất là phải nâng cao trình độ của công an phường xã, thứ hai là có những bổ túc cho họ về mặt pháp luật và văn hóa. Đặc biệt là cần có các vụ án điển hình được đưa ra xét xử công khai, làm điểm và trừng phạt một cách tương xứng để răn đe”.
Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1984 và Việt nam là một quốc gia thành viên. Công ước này đã quy định các quốc gia tham gia Công ước phải có nghĩa vụ trừng trị những hành vi tra tấn bằng các hình phạt thích đáng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân. Đã đến lúc ngành công an Việt nam cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này, và điều đó thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp.

No comments:

Post a Comment