Wednesday, March 19, 2014

Bệnh nhân thiệt thòi vì... công dư, tư thiếu!

19/03/2014 19:01
Dân Việt - Trong khi công suất giường bệnh ở khu vực nhà nước tới 90 - 110%, thì khu vực tư nhân chỉ đạt 40 - 60%. Nghịch lý này dẫn đến hệ lụy cho bệnh nhân: Không được điều trị với chất lượng cao nhất.
 Không chia sẻ lợi ích
Sáng 12.3, trong khi chờ khám bệnh cho đứa con ba tuổi tại khu khám ngoại trú Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP.HCM, chị Thanh, 35 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, nói: “Sát nhà tôi có một phòng khám tư nhân, rộng rãi, khang trang, nhưng tôi không đưa con đến khám vì không tin tưởng. Đưa con đến đây khám tuy chờ lâu, dịch vụ không bằng bên ngoài, nhưng tôi nghĩ bác sĩ ở đây giỏi hơn”.
Nếu hợp tác công tư suôn sẻ, tình trạng này chắc chắn sẽ cải thiện rất nhiều.
Nếu hợp tác công tư suôn sẻ, tình trạng này chắc chắn sẽ cải thiện rất nhiều.


Tâm lý tin vào “thương hiệu” bệnh viện lớn là có thật ở nhiều người dân. Bằng chứng là mỗi ngày cứ 3 - 4h sáng, có dịch vụ đưa bệnh nhân vượt hàng trăm cây số từ Vĩnh Long, Đồng Tháp lên Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh. Khám xong, xe chở họ về nhà ngay trong ngày. Trong đó có cả những người mắc các bệnh loàng xoàng như viêm mũi họng, cảm sốt, đau nhức khớp… mà bất kỳ phòng khám tư nhân nào cũng thừa sức chữa.

Là địa phương có hoạt động xã hội hoá y tế mạnh nhất nước, những năm qua TP.HCM có hàng trăm cơ sở y tế tư nhân (bệnh viện, phòng khám) ra đời. Đến nay, nhiều cơ sở vẫn tồn tại và phát triển mạnh, nhưng cũng không ít cơ sở phải giải thể, phá sản hoặc sáp nhập.

Bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, cho biết: “Nhiều cơ sở tư nhân đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức, nhưng lại không có bệnh nhân, cuối cùng phải phá sản. Cơ sở y tế tư ngắc ngoải vì không có nhân lực giỏi, nguồn lực này tập trung ở khu vực y tế công, nhưng khu vực này lại không chia sẻ với khu vực tư nhân”.

Chỉ cần bỏ một ngày rảo qua một số cơ sở y tế công và tư trên địa bàn TP.HCM, người ta dễ dàng bắt gặp nghịch cảnh: Trong khi nhiều cơ sở công chật chội, xuống cấp vẫn quá tải bệnh nhân, thì nhiều cơ sở tư có phòng ốc rộng rãi lại ngáp vắn, ngáp dài vì chẳng mấy người khám. Mặc dù các cơ sở công lập luôn than phiền nạn quá tải, nhưng người biết chuyện cho rằng chẳng bệnh viện công nào muốn giảm tải và chia sẻ với khối tư nhân, bởi quá tải là nguồn thu để nuôi sống nhân viên!

Bệnh nhân chịu thiệt

Mới 26 tuổi, nhưng X mắc chứng đau lưng, uống thuốc hoài không khỏi. Được một bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình chẩn đoán thoát vị đĩa đệm và đề nghị phẫu thuật, X đồng ý nhưng muốn làm ở bệnh viện tư vì chê bệnh viện công chật chội, dịch vụ kém. Bác sĩ đồng ý mổ cho X tại một cơ sở y tế tư nhân. Ca mổ diễn ra sau 22h tối vì ban ngày bác sĩ làm ở bệnh viện công, không thể ra ngoài mổ, còn buổi chiều lại phải khám phòng mạch. Tuy nhiên, ca mổ không được suôn sẻ: X bị sốc thuốc, bệnh viện tư buổi tối không đủ nhân sự trực gác và X không qua khỏi. Đây là một trường hợp gây xôn xao dư luận ở TP.HCM cách đây vài năm.

Phải chi có sự hợp tác chia sẻ giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, X không vắn số như thế.

Mặc dù có cơ sở vật chất rất tốt (không ít cơ sở được xếp hạng bệnh viện khách sạn vài ba sao, đẳng cấp quốc tế), trang thiết bị tiên tiến, nhưng nhân sự của cơ sở y tế tư nhân thường chỉ là các bác sĩ về hưu hoặc mới ra trường. Cả hai đối tượng này thường không tạo được niềm tin cho bệnh nhân. Trong khi đó, những bác sĩ có tên tuổi lại tập trung ở các cơ sở y tế công lập.

Vì sao nguồn lực từ y tế công không thể chia sẻ với y tế tư, bởi thông thường vào buổi chiều đa phần bác sĩ bệnh viện nhà nước đều xong việc và khá rảnh rỗi? Tại hội nghị “Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ khu vực các tỉnh phía Nam” vừa qua, điều này được lý giải vì theo Luật Viên chức, trong giờ hành chính người làm trong khu vực nhà nước không được bỏ ra ngoài làm việc.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, mang lại chất lượng điều trị cao nhất cho bệnh nhân, Nhà nước cần cho phép bác sĩ công lập linh hoạt hợp tác với bệnh viện tư ngay trong giờ hành chính. Ông nói: “Các nước tiên tiến ai cũng làm như thế, bác sĩ có thể làm cho bệnh viện công sau đó chạy sang làm cho bệnh viện tư, miễn sao công việc trôi chảy và hiệu quả. Tôi đến bang California (Mỹ), gặp một anh bạn bác sĩ ở bệnh viện. Khi gặp tôi, anh ấy cũng vừa mổ xong, mặc nguyên áo blouse, chở tôi trên xe, vừa đi vừa nói chuyện và nói đến giờ phải chạy qua bệnh viện khác làm, vì mỗi nơi anh ấy chỉ làm vài tiếng/ngày”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM:

“Cần hành lang pháp lý rõ ràng trong hợp tác y tế công - tư”

Thưa bác sĩ, để phát triển, khu vực y tế tư nhân gặp trở ngại nào?

- Mọi cơ sở y tế tư nhân đều gặp trở ngại lớn nhất là thiếu nhân lực. Nhà nước tạo điều kiện cho khu vực này phát triển bằng cách cho chính sách, thông tư, nghị định, nhưng lại chưa cho nhân lực. Chúng tôi có thể mua bất kỳ trang thiết bị đắt tiền nào, nhưng nếu không có nhân lực giỏi vận hành, trang thiết bị đó là vô giá trị.

Nhưng y tế tư nhân có thể tạo nguồn lực cho mình?

- Rất khó. Phần lớn bác sĩ thích làm ở bệnh viện công vì ở đó họ có nhiều nguồn thu và cộng lại còn nhiều hơn so với làm bên ngoài. Ngoài ra, ở công lập họ có vai trò nhiều hơn vì bệnh nhân quá lệ thuộc họ. Ở bệnh viện công, bác sĩ nói hay không nói chuyện, ngày mai bệnh nhân vẫn quá tải. Nhưng ở bệnh viện tư, bác sĩ không niềm nở, giao tiếp tốt, bệnh nhân không tìm tới nữa.

Người dân tìm đến bệnh viện công vì chi phí điều trị thấp hơn bệnh viện tư, đó có phải là bất lợi cho khu vực y tế tư nhân?

- Đúng. Khi mua một cái máy, chúng tôi tính toán để bảo vệ đầu tư và sinh lợi, chi phí điều trị được tính đúng, tính đủ. Nhưng khi bệnh viện công mua máy, họ có nhiều điều kiện để làm cho chi phí điều trị thấp xuống (như không bỏ tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên thấp). Điều này làm cho người dân đổ xô vào khu vực công, góp phần tạo ra quá tải.

Nhưng vừa qua có một số mô hình hợp tác giảm tải thành công từ bệnh viện Chợ Rẫy với nhiều cơ sở y tế tư nhân?

- Đúng. Nhưng những mô hình này còn là cá biệt, nó cần được thể chế hoá bằng hành lang pháp lý, những quy định cụ thể và hợp lý. Thí dụ cho phép bác sĩ công ra làm tư thì cho làm ngay trong giờ hành chính, chứ cho họ ra sau giờ làm, bệnh nhân ai chờ được mà sức lực bác sĩ cũng cạn kiệt. Cho phép bác sĩ công ra ngoài mổ tối, ai dám mổ?

Phan Sơn (Thế giới Tiếp thị)

No comments:

Post a Comment