Wednesday, March 19, 2014

LHQ xem xét hồ sơ nhân quyền Trung Quốc

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

HONG KONG — Vài ngày sau khi Trung Quốc bác bỏ một bản phúc trình của Liên hiệp quốc tố cáo Bắc Triều Tiên đã phạm các tội ác chống nhân loại, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích một bản báo cáo điều tra về hồ sơ nhân quyền của chính Trung Quốc. Báo cáo, dự kiến sẽ được Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneve chấp thuận trong ngày hôm nay, là kết quả của cuộc đối thoại kéo dài nhiều tháng giữa các nước thành viên Liên hiệp quốc và chính phủ Trung Quốc. Từ Hồng Kông, thông tín viên Rebecca Valli của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Liên hiệp quốc là một cơ chế dùng để xem xét hồ sơ nhân quyền của các nước hội viên với sự giúp đỡ của các nước hội viên khác và các tổ chức độc lập.

Cuộc điều tra bao gồm nhiều vấn đề khác nhau. Trong phúc đáp đối với báo cáo về hồ sơ nhân quyền Trung Quốc, Bắc Kinh đã chấp nhận 204 khuyến nghị về nhiều vấn đề, từ xóa đói giảm nghèo cho tới tăng cường hệ thống an sinh xã hội.

Nhưng đối với những vấn đề khác, như chính sách của Trung Quốc về Tây Tạng, cải cách tư pháp và cách đối xử với thành phần đối lập chính trị, giới hữu trách ở Bắc Kinh đã bác bỏ các khuyến nghị của Liên hiệp quốc.
Tại cuộc họp báo hôm nay ở Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu như sau.

"Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, một số quốc gia đã làm ngơ trước những tiến bộ mà Trung Quốc đạt được trong lãnh vực nhân quyền và đã chỉ trích với ác ý. Đây là hành động chính trị hóa nhân quyền và là một cách hành động theo tiêu chuẩn đôi."

Trung Quốc bác bỏ 48 khuyến nghị trong bản báo cáo. Họ nói rằng những vấn đề được nêu ra là những vấn đề không liên can hoặc họ đã thực thi các luật lệ để bảo vệ các quyền của công dân nước họ.

Ông Diệp Thế Vĩ của tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc nói rằng chiến dịch đàn áp những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền mới đây ở Trung Quốc đi ngược với những lời cam kết của Bắc Kinh với Liên hiệp quốc.

"Chúng ta thật sự phải hỏi Trung Quốc, nếu họ đã làm những việc đó, thì tại sao lại có quá nhiều người trong Phong trào Tân Công dân và những cộng đồng nhân quyền khác ở Trung Quốc bị đàn áp như vậy. Và dĩ nhiên, chúng ta phải hỏi tại sao bà Tào Thuận Lợi đã chết."
Bà Tào Thuận Lợi, một nhân vật tranh đấu nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, đã qua đời trong lúc bị giam.
Bà Tào Thuận Lợi, một nhân vật tranh đấu nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, đã qua đời trong lúc bị giam.

Bà Tào Thuận Lợi là một nhà tranh đấu đã thực hiện những cuộc biểu tình ngồi lỳ ôn hòa để đòi giới hữu trách Trung Quốc để cho các tổ chức độc lập tham gia cuộc kiểm điểm của Liên hiệp quốc. Hồi tháng 9, bà bị cảnh sát bắt tại phi trường trong lúc định đáp máy bay đến Geneve để tham dự các cuộc hội thảo. Giới hữu trách cho biết bà đã qua đời trong lúc bị giam.

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền của Liên hiệp quốc cùng với một số nước tham gia cuộc kiểm điểm đã hối thúc chính phủ Trung Quốc điều tra về cái chết của bà Tào. Họ nói rằng các nhà tranh đấu phải chết vì muốn làm việc với Liên hiệp quốc về vấn đề nhân quyền là một điều không thể chấp nhận được.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã truy tố những thành viên của Phong trào Tân Công dân, một tổ chức lỏng lẻo chuyên cổ súy cho các chính sách chống kỳ thị và tinh thần làm việc trách nhiệm có các giới chức chính quyền.

Ông Diệp Thế Vĩ của tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc nói rằng vụ án bà Tào Thuận Lợi và chiến dịch đàn áp dữ dội nhắm vào giới bất đồng chính kiến đã ảnh hưởng rất nhiều đối với cuộc kiểm điểm.

"Trong cuộc kiểm điểm năm 2009 chỉ có hai nước nêu lên vấn đề bảo vệ xã hội dân sự, nhưng năm 2013 có ít nhất 13 nước đã nêu ra vấn đề này."

Thông qua cuộc Kiểm điểm Định kỳ, một số quốc gia đã hối thúc Trung Quốc phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, bao gồm việc bảo vệ tư do ngôn luận, tự do lập hội và xét xử công bằng.

Trung Quốc cho biết họ đang sửa đổi hệ thống tư pháp để giải quyết một số vấn đề trong các vấn đề đó, nhưng họ chưa đưa ra thời biểu cho việc thực thi công ước quốc tế này.

Ông Michael Davies, giáo sư luật học của Đại học Hồng Kông, cho rằng Trung Quốc không thật tâm muốn cải cách tư pháp.

"Để theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế được nêu ra trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, chúng ta phải có một xã hội tự do, một nền báo chí tự do, phải có tự do internet. Họ có muốn làm như vậy hay không? Chúng ta phải đặt dấu hỏi, vì không có dấu hiệu nào cho thấy như vậy cả. Vì làm như vậy sẽ là một cuộc cải cách chính trị rất nghiêm túc."
Tại Tây Tạng, hơn 130 người đã tự thiêu từ năm 2009 để phản đối chính sách mạnh tay của Trung Quốc và sự chà đạp các quyền về tôn giáo.
Tại Tây Tạng, hơn 130 người đã tự thiêu từ năm 2009 để phản đối chính sách mạnh tay của Trung Quốc và sự chà đạp các quyền về tôn giáo.
Giáo sư Davies cho rằng thay vì tiến hành cải cách chính trị, Trung Quốc có thể quyết định phê chuẩn công ước để rồi tìm cách chống trả với sự chỉ trích của quốc tế vì không thực thi các qui định của công ước.

"Cách làm việc của Trung Quốc đối với tất cả những việc này là không ai có quyền nói họ phải làm gì, nhưng họ có bổn phận dựa trên cam kết về nhân quyền để tìm cách tự sửa đổi và cho rằng những gì mà họ đã làm phần lớn là phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền. Bất kể là người khác có tán thành hay không."

Để đáp lại những lời chỉ trích đối với các chính sách về những nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, Trung Quốc nói rằng chính phủ bảo đảm việc bảo vệ tất cả các quyền cơ bản của người thiểu số.

Tại Tây Tạng, hơn 130 người đã tự thiêu từ năm 2009 để phản đối chính sách mạnh tay của Trung Quốc ở vùng này và sự chà đạp các quyền về tôn giáo.

Tất cả các khuyến nghị của Liên hiệp quốc về vấn đề Tây Tạng đã bị Trung Quốc bác bỏ, ngoại trừ một khuyến nghị là Bắc Kinh tại điều kiện để các giới chức cấp cao của Liên hiệp quốc đến thăm Tây Tạng.

No comments:

Post a Comment