ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Đoạn clip của một cô giáo quay cảnh cả cô và trò của trường Nậm Pồ (xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) hằng ngày phải chui vào túi nilong để người dân địa phương đẩy sang bên kia bờ trong dòng nước chảy xiết đã làm xúc động nhiều người.
Việc học sinh ở Kon Tum phải đu dây cáp vượt sông tới trường từng gây nhức nhối cho nhiều người - Ảnh: TL
Đoạn video clip đó cũng tới được với người đứng đầu ngành Giao thông vận tải. Nhận được thông tin này, dù đang tháp tùng Chủ tịch nước thăm Nhật Bản, ngay lập tức Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã điện thoại trực tiếp với Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên.
Ngay đêm 17.3, sau khi nghe Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên báo cáo tình hình thực tế suối Nậm Pồ, thì vài giờ sau, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp thuộc quyền tiến hành thẩm định, đồng thời ra quyết định xây dựng cầu treo Sam Lang để người dân Nà Hì không còn phải “đánh bạc” với số phận mỗi ngày.
Quả là một quyết định thần tốc, vì dân, đúng với bản tính quyết liệt, thẳng thắn, sâu sát, trách nhiệm... của người đứng đầu ngành GTVT.
Không tin nổi đó là sự thật, xúc động đến rơi nước mắt, khâm phục những thầy cô và học trò nơi đây, cần phải hành động để tình cảnh này không còn tồn tại... Đó là tâm trạng của rất nhiều người sau khi được xem đoạn video clip trên.
Cần phải khẳng định rằng, cầu treo có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn. Cầu treo không chỉ giúp người dân địa phương đi lại thuận tiện, mà con em của họ đến trường không còn phải lội qua sông qua suối khi mùa mưa đến...
Với thầy trò ở trường Nậm Pồ cũng vậy. Một cây cầu treo bắc qua con suối luôn xảy ra lũ dữ là ước mơ mà người dân địa phương ấp ủ. Nếu đúng tiến độ, thì chỉ 2 tháng nữa (như lời hứa của Bộ GTVT), một cây cầu mơ ước sẽ hiện ra, chẳng khác nào như một câu chuyện cổ tích mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến với người dân bản Sam Lang.
Cách đây chưa lâu, hình ảnh trẻ em trường tiểu học khu lẻ Đồng Mậm (Sơn Hải, Lục Ngan, Bắc Giang) phải tự chèo thuyền qua hồ chứa nước khổng lồ khiến nhiều người xúc động.
Tại huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi), hàng ngàn người dân, học sinh phải đánh cược tính mạng của mình bằng cách đi bè đu dây vượt sông Re mỗi ngày.
Hình ảnh các em nhỏ tại bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) phải tự bơi vượt qua sông đến trường cũng từng gây chấn động dư luận.
Việc học sinh xã Đak Ang, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) phải đu dây cáp vượt sông Pô Kô tới trường mỗi ngày cũng là sự nhức nhối...
Trong số những vụ việc vừa nêu, có vụ việc đã được cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết, nhưng có vụ việc, thực trạng “vẫn y nguyên” bởi không có kinh phí thực hiện.
Thế nên, quyết định xây cầu ở Sam Lang của Bộ trưởng Thăng được coi là câu chuyện kết thúc có hậu.
Nhưng vẫn còn đó nỗi day dứt khi hàng trăm điểm cần cầu nữa, không chỉ ở tỉnh Điện Biên, mà ở nhiều tỉnh, thành khó khăn khác.
Việc học sinh ở Kon Tum phải đu dây cáp vượt sông tới trường từng gây nhức nhối cho nhiều người - Ảnh: TL
Giáo viên, học sinh phải chui vào bao nylon vượt suối đến trường- Ảnh: TT
Theo Yến Nhi (Tin Tức)
Chú thích ảnh bìa: Việc các em nhỏ tại Quảng Bình tự bơi vượt qua sông đến trường từng gây chấn động dư luận- Ảnh:TL
No comments:
Post a Comment