Gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra liên tiếp nhiều vụ vờ bắt cóc tống tiền, yêu cầu gia đình nạn nhân phải chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho chúng. Trên thực tế, rất nhiều những trường hợp này đều giả bắt cóc, lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản.
Sáng 18.3, ông V.K.Q (trú tại quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) có nhận một cuộc điện thoại gọi tới số máy bàn. Khi vừa nhấc máy, phía đầu dây bên kia có tiếng một thanh niên kêu gào, tuy nhiên âm thanh không rõ ràng lắm với nội dung “Bố cứu con, con chết mất...”.
Ông Q. chưa kịp hoàn hồn thì phía đầu dây bên kia có người cho biết con trai ông Q. là T. vay lãi của anh ta 200 triệu đồng, hiện tính cả gốc và lãi đã lên thành 700 triệu đồng. Nếu ông Q. không thanh toán thì con ông sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.
Thấy tính mạng của con trai bị đe doạ, ông Q. vội vàng chấp nhận thương lượng với kẻ tự xưng là chủ nợ của anh T. Ngay sau đó, người này yêu cầu ông Q. đọc số máy di động để liên lạc. Ông Q. ngay số điện thoại di động của mình cho người lạ, sau đó tiếp tục nhận được số máy lạ có đầu số +36164...
Người đầu dây bên kia giục ông Q. giao tiền để đảm bảo an toàn tính mạng cho con trai. Khi nghe ông Q. trình bày gia đình không có nhiều tiền tiền thì người này chấp nhận giảm xuống còn 300 triệu đồng và hẹn sẽ gọi lại để cung cấp số tài khoản chuyển tiền.
Sau cuộc điện thoại, thấy chồng có biểu hiện lạ, vợ ông Q. đã hỏi chuyện. Khi nghe ông Q. kể lại, bà vợ cũng lo lắng, tìm mọi cách để cứu con trai. Sau đó, vợ ông Q. có gọi cho em trai của ông Q. thì biết được thông tin anh T. vẫn đang đi học bình thường, hai chú cháu mới nói chuyện với nhau cách đó vài phút.
Khi nghe kể sự việc, em trai ông Q cho biết đã nghe qua thủ đoạn trên qua phương tiện thông tin đại chúng. Các bài báo này đã mô tả thủ đoạn giống y hệt trường hợp của ông Q. Ngay sau đó, ông Q. đã liên lạc với con trai và biết được đúng là không có chuyện gì.
Cũng giống như trường hợp ông Q., ở Hà Nội vừa qua cũng có một số trường hợp bị lừa cùng với thủ đoạn như trên. Trước đó, ngày 14.3, ông N.V.T. (ở quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại có mã vùng giống như ở nước ngoài gọi về. Nghĩ là con trai mình đang đi du học gọi về. tuy nhiên, khi ông bắt máy thì phát hiện có giọng nói là thông báo con ông T. bị bắt cóc, nằm trong tay các đôi tượng trên.
Những người này thông báo nếu muốn con đảm bảo tính mạng thì phải nộp ngay 100 triệu đồng vào số tài khoản 000…, nếu báo công an con trai ông T. sẽ không còn đường sống. Ngay sau khi thông báo, các đối tượng trên cho ông nghe tiếng kêu cứu của một thanh niên kêu “Bố ơi, cứu con…”.
Tin là con trai mình đang bị một số đối tượng ở nước ngoài bắt giữ để đòi tiền chuộc, ông T đã đến ngân hàng để chuyển vào tài khoản, mong con trai mình không bị làm sao.
Khi cơ quan CA nắm được sự việc, xác minh được biết anh N.V.M - con trai ông Thanh vẫn bình an vô sự, hiện đang ở nước ngoài hoàn toàn bình thường. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp nghiệp vụ phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản của ông T. và những kẻ đe doạ từ nước ngoài, phát hiện số tài khoản đối tượng cho ông T. có xuất xứ từ Trung Quốc. Do phát hiện kịp thời, nên số tiền 100 triệu đồng của ông T. chưa rơi vào tay kẻ xấu.
Theo trung tá Đặng Hồng Minh – Đội phó Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) - CATP Hà Nội: Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan đã dùng thủ đoạn dụ dỗ nhiều người dân tại các vùng giáp biên làm thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam cho chúng. Sau khi mua lại số thẻ này với giá 800.000 đến 1.000.000đ, bọn chúng đã mang sang nuớc ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Campuchia) sử dụng.
Bọn chúng thường gọi điện thoại từ các số điện thoại thông qua mạng internet (+313851668; +313850018; +36022,…) đến số máy cố định của nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại và cho bị hại nghe các tiếng “kêu cứu” giả giọng người thân gia đình bị hại (vợ, chồng, con…) với nội dung chúng đã bắt cóc người thân của bị hại, yêu cầu phải chuyển tiền ngay cho chúng (thường chúng đòi từ 100 đến 300 triệu đồng) vào các tài khoản ngân hàng (mà chúng mua được như trên) thì người thân mới được thả và không bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe.
Tin là người thân bị bắt cóc thật, bị hại không gọi điện hay liên lạc với người nhà để kiểm tra bắt cóc thật hay không mà đã vội vàng chuyển tiền cho bọn chúng. Không ít người sau khi chuyển tiền xong thì mới biết người thân không ai bị bắt nên đã đến trình báo cơ quan công an. Lúc này bọn chúng đã rút hết tiền trong tài khoản đó ở nước ngoài.
Để hạn chế tối đa số nạn nhân bị mắc phải những thủ đoạn trên, cơ quan CA khuyến cáo người dân cần quản lý và giữ bí mật các thông tin về cá nhân, số điện thoại của mỗi người, không cung cấp thông tin về đời tư, ảnh… lên các trang mạng xã hội.
Khi xảy ra vụ việc, người dân cần bình tĩnh, khéo léo thuyết phục, tìm cớ trì hoãn, kéo dài thời gian để không làm theo yêu cầu của đối tượng, đồng thời kiểm tra các thông tin và báo cho cơ quan công an xác minh giải quyết.
Đặc biệt, khi xảy ra sự việc trên thì người nhà nên gọi điện trực tiếp cho nạn nhân để kiểm chứng thông tin.
No comments:
Post a Comment